Thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới
Kỳ cuối: Những “phụ nữ Việt Nam thời đại mới” góp sức cùng dân tộc vươn mình
(PNTĐ) - Tổng Bí thư Tô Lâm, trong các bài viết, bài phát biểu rất quan trọng gần đây, đã đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Để có thể thực hiện thành công mục tiêu ấy, không thể thiếu vai trò của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.
Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định, đây là chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, phải được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV của Đảng để quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu lịch sử đặc biệt, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nhận thức sâu sắc, quyết tâm, quyết liệt hành động để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chuyên gia về giới, GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam cho biết: Bà rất tâm đắc với những định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt là việc xác định trong kỷ nguyên mới, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo GS.TS Lê Thị Quý, muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta càng cần phải thực hiện tốt công tác bình đẳng giới. Bởi khi mọi người, đặc biệt là phụ nữ được giải phóng, được ngang bằng với nam giới từ trong gia đình đến xã hội... mới có điều kiện phát huy hết khả năng, đóng góp đầy đủ và hiệu quả trong công cuộc phát triển đất nước. Bên cạnh đó, giải phóng phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp giải phóng của cách mạng. Khi chúng ta chạm tới đích đến của kỷ nguyên vươn mình, dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, người phụ nữ cũng sẽ được nâng cao hơn nữa về mức sống về vật chất và tinh thần và sẽ tiếp tục tự tin đóng góp cho xã hội.
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Việc trao quyền cho phụ nữ, đầu tư cho bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, có thể mang lại những lợi ích lớn lao cho không chỉ cho bản thân người phụ nữ, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho toàn xã hội. Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ không chỉ bảo vệ quyền lợi mà còn tạo ra những cơ hội phát triển bình đẳng cho phụ nữ. Để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, cần thiết phải có những cơ chế bảo đảm an sinh xã hội để phụ nữ và trẻ em gái có thể sống trong môi trường an toàn và bảo đảm. Sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành là cần thiết để có những hành động quyết liệt hơn nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng “Cùng chung tay” để “Cùng thay đổi”, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội văn minh không bạo lực, một cộng đồng an toàn, bình đẳng cho tất cả mọi người, để phụ nữ sát cánh cùng nam giới cùng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Còn theo PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, bình đẳng giới không chỉ là quyền con người cơ bản mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ. Khi phụ nữ được trao quyền, không gian phát triển của phụ nữ được mở rộng, từ đó khơi dậy những năng lực và tài năng tiềm ẩn. Sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội mang lại những góc nhìn phong phú và sáng tạo, góp phần tạo ra những giải pháp đột phá và hiệu quả.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên của sáng tạo và hội nhập, phụ nữ chính là nguồn lực quan trọng để kiến tạo tương lai. Việc thúc đẩy bình đẳng giới giúp phụ nữ có thể vươn lên mạnh mẽ, không chỉ đóng góp vào sự phát triển của bản thân, gia đình mà còn của toàn xã hội. Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau xây dựng một xã hội thịnh vượng, nơi mà mọi người, bất kể giới tính nào, đều có thể đóng góp và thụ hưởng thành quả chung. Kỷ nguyên vươn mình, chính là kỷ nguyên của bình đẳng, sáng tạo và phát triển, nơi mọi người có thể phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh của mình để đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được thực hiện trong 20 năm qua, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là việc cụ thể hoá Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, hướng tới xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với 4 tiêu chí: có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Bám sát hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị đã lồng ghép, cụ thể các tiêu chí trong thực hiện phong trào tại địa phương, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Có thể kể tới phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; “Xây dựng người phụ nữ Hải Dương tự tin, nhân ái, năng động, sáng tạo, có khát vọng phát triển”; “Xây dựng người phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới, yêu nước, nhân ái, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên”; “Xây dựng người phụ nữ Quảng Ngãi nghĩa tình, đoàn kết, có tri thức, năng động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác cao, thân thiện, có ý thức bảo vệ môi trường”...
Với Thủ đô Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội đã cụ thể hoá phong trào thi đua của Hội LHPN Việt Nam bằng việc triển khai, hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”. Kết quả, trung bình hằng năm có 81-82% nữ đoàn viên, người lao động Thủ đô đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 91% hội viên, phụ nữ trở lên đạt danh hiệu “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”.
Trên toàn quốc, trong 2 năm, đã có hơn 45 nghìn điển hình tập thể, cá nhân được tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng; hơn 15 nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu được các cấp Hội biểu dương, khen thưởng và đề nghị các cấp khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua, cho thấy hiệu quả và tính lan tỏa của phong trào.
GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam khẳng định, những phụ nữ Việt Nam thời đại mới trên khắp cả nước được trưởng thành từ phong trào thi đua của Hội hội tụ các tiêu chí tốt đẹp như có trình độ học vấn; biết ứng xử có văn hoá; có sức khỏe; có gia đình hạnh phúc, có thức chấp hành pháp luật và có cả tấm lòng nhân ái; tích cực tham gia các hoạt động xã hội... chắc chắn sẽ là nguồn lực chất lượng cao quan trọng, đóng góp xây dựng thành công kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo các chuyên gia, ở nước ta, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã đưa đến thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh vinh quang, khởi đầukỷ nguyên độc lập tự do.
Năm 1975 đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, đất nước bước vào kỷ nguyên thứ hai - kỷ nguyên thống nhất, đổi mới.
Gần 40 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã quyết tâm, quyết liệt tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Mục tiêu và những nội dung lớn của kỷ nguyên thống nhất, đổi mới về cơ bản đã hoàn thành, cho phép đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên thứ ba: kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.
Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dù ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, với bản lĩnh, ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, nhân hậu, đức hy sinh và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên đều luôn vượt qua định kiến, khó khăn, có những đóng góp, cống hiến to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang ấy, những “người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” chắc chắn sẽ tiếp tục có đủ "thế và lực" để đóng góp xứng đáng trong kỷ nguyên phồn vinh của dân tộc.
Theo TS Ngô Thị Hương, trường Đại học Thủy Lợi, để có thể tiếp tục phát huy vị trí, vai trò và giải phóng triệt để phụ nữ trong thời kỳ mới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
TS Ngô Thị Hương, trường Đại học Thủy Lợi phân tích: Đó là thực hiện tốt các chính sách về bình đẳng giới đã được ban hành, đồng thời xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực lao động, gia đình và xã hội. Cần tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với giáo dục chất lượng ở mọi cấp học, đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm để phụ nữ có thể thích nghi với thị trường lao động hiện đại. Đẩy mạnh các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ và chuyển đổi số, giúp phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong công việc và đời sống, từ đó tham gia tích cực vào các ngành nghề mới nổi.
Việc cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội và bảo vệ phụ nữ như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em cũng cần được chú trọng. Xây dựng các trung tâm hỗ trợ pháp lý, tâm lý và tài chính cho phụ nữ bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, đồng thời thực hiện mạnh mẽ các chiến dịch tuyên truyền chống bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ. Ngoài ra là thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Còn PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam thì cho rằng, khi công tác bình đẳng giới được thực hiện hiệu quả, phụ nữ Việt Nam sẽ có điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, từ đó đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc kiến thiết đất nước trong giai đoạn vươn mình.
Phụ nữ Việt Nam kiên trì, nhẫn nại và có tư duy sáng tạo, có thể tạo ra và thực hiện những sáng kiến mang tính đột phá trong các lĩnh vực. Vì vậy, khi được tạo điều kiện để tiếp cận đầy đủ với giáo dục, khoa học, công nghệ và tài chính, phụ nữ sẽ không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, đóng góp trí tuệ vào các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao và các lĩnh vực sáng tạo. Bên cạnh đó, phụ nữ có vai trò quan trọng trong phát triển cộng đồng và giáo dục, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội. Với bản tính quan tâm, chu đáo và khả năng kết nối mạnh mẽ, phụ nữ có thể thúc đẩy những sáng kiến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội - những yếu tố then chốt trong giai đoạn phát triển bền vững của đất nước. Do đó, việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ, góp phần đưa ra những quyết sách chính sách cân bằng và toàn diện hơn. Sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý sẽ thúc đẩy văn hóa làm việc dựa trên sự công bằng, đa dạng và hòa hợp, từ đó góp phần xây dựng một xã hội thịnh vượng, văn minh và hạnh phúc.
Theo GS.TS. Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam, trong giai đoạn tới, để tiến tới bình đẳng giới thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế cần rất nhiều nỗ lực của xã hội và phụ nữ. Hiện nay, một số tệ nạn chống phụ nữ như bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, tảo hôn, thói coi thường phụ nữ... đang diễn ra ở nơi này, nơi khác đã làm cản trở sự phát triển của phụ nữ. Việc trao quá nhiều gánh nặng gia đình và xã hội cho phụ nữ; việc đánh giá thấp năng lực của phụ nữ vẫn khá phổ biến... đã thực sự là những thách thức lớn cho Hội LHPN Việt Nam, đòi hỏi Hội không chỉ vận động về tinh thần mà còn cần có chính sách cụ thể về quyền và trách nhiệm của phụ nữ, mở rộng giáo dục văn hóa, nâng tầm trí tuệ của phụ nữ. Bên cạnh đó, việc động viên phụ nữ tham gia giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các chính sách bảo về quyền lợi chính đáng của phụ nữ là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho phụ nữ tham gia cải cách xã hội, xây dựng gia đình văn hóa và hoàn thiện bản thân.
Hết
(Trong loạt bài có sử dụng ảnh của tác giả, ảnh nhân vật cung cấp, ảnh tư liệu và minh họa...)