10 năm Chỉ thị 34 đi vào cuộc sống: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong thi đua yêu nước
Đổi mới phong trào thi đua: Rõ cách làm, rõ hiệu quả
(PNTĐ) - Tròn 10 năm Chỉ thị 34 đi vào cuộc sống, từ sự đổi mới, sáng tạo trong các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, địa phương, đoàn thể đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển, văn minh, giàu đẹp hơn.
Khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”(Chỉ thị 34) của Bộ Chính trị, việc đổi mới công tác công tác tổ chức các phong trào thi đua được chỉ đạo xuyên suốt với phương châm: Thiết thực, sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức tổ chức, triển khai các phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của thành phố Hà Nội, việc quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 34 luôn được Hội LHPN Hà Nội chú trọng. Cụ thể, việc đổi mới công tác công tác tổ chức các phong trào thi đua được chỉ đạo xuyên suốt từ Hội LHPN Thành phố đến các cấp cơ sở Hội với phương châm: Thiết thực, sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của Thành phố và nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; rõ mô hình, rõ cách làm, rõ hiệu quả. Kịp thời kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng sáng kiến Hội LHPN Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng tổ chức thi đua và khen thưởng trong các cấp Hội. Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng; bổ sung, sửa đổi Quy chế thi đua khen thưởng trong các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội. Thực hiện Quy chế bình xét danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”; xây dựng Quy chế xét tặng danh hiệu “Chi hội phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”.
Hằng năm, Hội LHPN Thành phố tổ chức phát động phong trào thi đua trong các cấp Hội với nội dung, chỉ tiêu cụ thể gắn với việc thực hiện chủ đề năm của Trung ương Hội, Thành phố, các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội trọng tâm của Thủ đô, các nhiệm vụ công tác Hội đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của các tầng lớp phụ nữ. Đặc biệt, Hội LHPN Hà Nội chú trọng tổ chức các đợt thi đua cao điểm chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của Thủ đô, của Hội; gắn thực hiện phong trào thi đua của Hội với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào, các cuộc vận động của Trung ương, Thành phố như: Phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Xây dựng người Phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”, Cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, “ Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”, trật tự văn minh đô thị…
Hội LHPN Hà Nội chú trọng tổ chức các đợt thi đua, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá thi đua; coi trọng công tác sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng định kỳ và theo từng giai đoạn.
Hội LHPN Hà Nội chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn thi đua theo cụm, khuyến khích tính chủ động của quận/huyện/thị xã và cơ sở trong việc lựa chọn, xác định các nội dung thi đua phù hợp với tình hình thực tế theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ mô hình, rõ cách làm, rõ hiệu quả”; định kỳ hàng quý giao ban rà soát, đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện; kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế; kiện toàn, sắp xếp cụm thi đua đảm bảo sự tương đồng giữa các đơn vị trong cụm.
Cùng với đó, Hội luôn đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá thi đua; coi trọng công tác sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng định kỳ và theo từng giai đoạn. Duy trì phát động cuộc thi phát hiện, viết và nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt hàng năm. Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tốt, việc làm hay, sáng tạo, các gương điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Phụ nữ Thủ đô và website, fanpage của Hội LHPN Hà Nội.
Theo bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, Hội LHPN Thành phố và các cấp Hội thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thi đua: Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động đã được triển khai trong nhiều năm qua như: Phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”, phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, phong trào “Phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội từ gia đình”… gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN Thành phố đã nghiên cứu phát động các phong trào, các cuộc vận động mới vừa thể hiện tính kế thừa và sáng tạo trong giai đoạn hiện nay đó là phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”; Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”gắn với việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thủ đô Hà Nội, phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thi đua thực hiện an toàn thực phẩm, sáng tạo khởi nghiệp …
Học tập và làm theo Bác đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các cấp Hội và mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, dần trở thành nền nếp, sự tự giác từ những công việc hàng ngày, tạo sự chuyển biến trong rèn luyện nếp sống, lối sống, nhất là việc thực hành tiết kiệm; sáng tạo trong lao động sản xuất, thay đổi tác phong, phương pháp công tác, phong cách làm việc khoa học, ứng xử văn hóa trong gia đình và cộng đồng.
Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả hướng vào việc chăm lo cho phụ nữ trẻ em, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được nhân rộng sau các đợt thi đua.
Nhiều mô hình làm theo Bác thiết thực, hiệu quả hướng vào việc chăm lo cho phụ nữ trẻ em, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được nhân rộng như: “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”,“Hũ gạo tình thương”,“Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”,“Nồi cháo từ thiện”, “Bách hóa yêu thương”, tặng thẻ bảo hiểm y tế, sử dụng giấy loại làm túi thay thế túi nilon, sử dụng làn nhựa đi chợ, đổi phế liệu lấy màu xanh... đã khẳng định hiệu quả và sức lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Từ việc thi đua tiết kiệm với số tiền 143 tỷ 060 triệu đồng, trong 5 năm, cán bộ, hội viên phụ nữ đã trích ủng hộ 26 tỷ 450 triệu đồng xây, sửa MATT, nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm, học bổng … cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh” trong việc cưới, việc tang thực hiện Chỉ thị số 11 - CT/TU của Thành ủy Hà Nội tiếp tục được nhân rộng và triển khai hiệu quả với 3.255 chi hội phụ nữ văn minh, tuyên truyền, vận động 31.220 đám cưới, 21.380 đám tang thực hiện văn minh của gia đình cán bộ hội viên.
Việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục phát huy tài năng sáng tạo, đóng góp công sức cho sự nghiệp đổi mới Thủ đô và đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 34, việc đổi mới từ nhận thức đến hành động trong xây dựng triển khai các phong trào thi đua gắn với chủ đề công tác năm, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm đã giúp các cơ quan, đơn vị làm rõ phong trào ngay từ đầu, từ đó tạo nên hiệu quả cao.
Với quan điểm “Thi đua là động lực thúc đẩy phong trào hành động cách mạng”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát động, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Đặc biệt, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì, như: “Đoàn kết sáng tạo”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” …10 năm qua MTTQ Việt Nam Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp thành phố được trên 581,908 tỷ đồng, đã xây dựng và sửa chữa 12.726 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 25.546 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được đi học, hỗ trợ sinh kế cho 7.756 hộ; Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” được trên 357,504 tỷ đồng; vận động 132,5 tỷ đồng ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ.
Với quyết tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, từ năm 2020, Mặt trận các cấp Thành phố đã kiện toàn Hội đồng thẩm định xét và đề nghị công nhận sáng kiến, ý tưởng mới. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận trên 500 hồ sơ, tổ chức xét chọn, biểu dương, in ấn phẩm tuyên truyền 119 sáng kiến, ý tưởng mới.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã tổ chức Chương trình bàn giao kinh phí hỗ trợ xây dựng 100 nhà Đại đoàn kết
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Từ tăng cường đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền về các mô hình tiêu biểu, các gương điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt trong cộng đồng dân cư đã có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay; xuất hiện nhiều cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ, không ngại khó khăn, gian khổ, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Điều đó được thể hiện rõ nét qua đại dịch Covid-19, các tầng lớp nhân dân đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” để sẻ chia với những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã để lại dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước. Những ATM gạo, ATM ô xy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “suất ăn miễn phí”, ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid - 19, kinh phí mua Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền 789,146 tỷ đồng và hàng hóa trị giá 683,974 tỷ đồng. Vận động ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” được trên 14 tỷ đồng tiền mặt và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; đã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh bạn với tổng số tiền mặt là 712,341 tỷ đồng...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức tiếp nhận ủng hộ và chuyển giao trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Nguyễn Sỹ Trường, cùng với việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác khen thưởng thường xuyên, chuyên đề, đột xuất, động viên các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; quan tâm đến đối tượng lao động trực tiếp; công tác thi đua khen thưởng được thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ, chính xác, kịp thời, đúng quy trình. Trong 10 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã hiệp y, đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành, Thành phố cho hơn 2000 tập thể, cá nhân; UBND Thành phố công nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho 08 cá nhân, công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho hơn 100 cá nhân; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tặng Bằng khen cho hơn 4100 tập thể, cá nhân.
Với các giải pháp đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng, trong những năm qua, phong trào thi đua của huyện Mê Linh (Hà Nội) đã phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; từ các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân chiến sỹ thi đua các cấp, những tấm gương điển hình tiên tiến đạt hiệu quả cao trong lao động, sản xuất - kinh doanh; được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, tặng huân, huy chương và các danh hiệu cao quý; được các cấp, các ngành, đoàn thể kịp thời biểu dương, khen thưởng. Từ đó tạo sự lan tỏa trong xã hội có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua thực hiện các nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, để đạt được kết quả nêu trên, trong những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp, biện pháp nhằm đổi mới nâng cao, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng tại địa phương. Thứ nhất, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ngay sau khi Thành ủy, Thành phố ban hành Kế hoạch 124 thực hiện Chỉ thị 34; Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 34 với phương châm “Cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”; nổi bật là ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 06/7/2021 về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”. Đề án đã huy động sự tham gia tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
Thi đua xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện bền vững sớm trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô.
Thứ hai, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước bảo đảm thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, người trực tiếp công tác, học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu. Chủ đề, mục tiêu, nội dung, đối tượng và tiêu chí thi đua luôn được xác định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động lớn của Trung ương, Thành phố đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khâu yếu, việc khó của mỗi địa phương, đơn vị thuộc huyện như: Công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,….; nổi bật là phong trào “Thi đua xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện bền vững sớm trở thành Thành phố trực thuộc Thủ đô” là phong trào thi đua xuyên suốt được Huyện triển khai hằng năm.
Thứ ba, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những trọng tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng được huyện Mê Linh tập trung đẩy mạnh bằng những giải pháp đột phá, hiệu quả đó là: Thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: “Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng điển hình tiên tiến”. Đổi mới nội dung, hình thức thi đua theo phương châm “Phát hiện kịp thời, tôn vinh đúng lúc”.
Hội LHPN huyện Mê Linh trao quà cho các con đỡ đầu!
Thứ tư, thực hiện tốt chính sách khen thưởng, coi trọng việc phát hiện lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. UBND huyện Mê Linh đã kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa các quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn huyện. Điểm đáng chú ý về công tác khen thưởng của huyện đó là: Việc xét, đề xuất khen thưởng được quan tâm ngay từ khâu đề xuất đảm bảo đúng đối tượng trên 75% là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp phù hợp với tiêu chí khen thưởng và theo nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó” đảm bảo công khai, công bằng, khách quan đúng quy định. Trong 10 năm qua, huyện Mê Linh đã khen thưởng theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền khen thưởng cho trên 35.000 tập thể, cá nhân, trong đó đảm bảo tỷ lệ 80% là người lao động trực tiếp.
Ghi nhận thành tích đạt được từ công tác thi đua khen thưởng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Năm 2020, Huyện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2022, Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, 2 năm liên tiếp (2022, 2023), Huyện được Chính phủ tặng thưởng Cờ Thi đua xuất sắc, được Thành ủy đánh giá Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
(còn tiếp)