Hòa Bình: Trăn trở và khát vọng phát triển du lịch bền vững
Bài 3: Thách thức trong phát triển du lịch bền vững
(PNTĐ) -Hòa Bình hiện đang là địa phương phát triển du lịch cộng đồng thuộc top đầu cả nước. Tuy nhiên, làm du lịch cộng đồng tức là phải dựa vào chính người dân, bởi nhận thức cũng như khả năng của họ quyết định cho sự thành bại của mô hình.
Hòa Bình hiện đang là địa phương phát triển du lịch cộng đồng thuộc top đầu cả nước. Tuy nhiên, làm du lịch cộng đồng tức là phải dựa vào chính người dân, bởi nhận thức cũng như khả năng của họ quyết định cho sự thành bại của mô hình. Điều này đặt Hòa Bình trước những thách thức của phát triển du lịch bền vững.
Tháng 7/2019, tổ chức AOP (Tổ chức phi chính phủ của Australia) đã hỗ trợ triển khai dự án cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Tân Lạc, và lựa chọn xóm Chiến (xã Vân Sơn) để xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Ngày đó, gia đình anh Hải Thạn và gia đình chị Thu Bi đã hứng khởi, quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang làm du lịch cộng đồng qua sự hướng dẫn, hỗ trợ của tổ chức AOP.
Từ đó đến giờ, sau 4 năm, ở xóm cũng mới chỉ có 3 nhà làm homestay. Lý do một phần là trải qua dịch Covid-19 có những ảnh hưởng nặng nề khiến người dân không dám mạnh dạn chuyển đổi, một phần vì người dân cũng không dám “liều” làm du lịch do quá sức với khả năng tài chính của mình.
Anh Hà Văn Bi (chủ homestay Thu Bi) kể, gia đình ban đầu ngại lắm, không biết làm homestay là làm gì, đã vậy còn phải đầu tư không ít. Nhưng, đời sống kinh tế gia đình khi đó khó khăn, nhà anh làm chăn nuôi và trồng trọt. Trồng ngô là chủ yếu. Khi trồng ngô, tiền giống, tiền phân đều phải vay nợ người ta, khi thu hoạch, tiền bán ngô cũng chỉ vừa vặn trả nợ cho người bán giống và phân, thành thử ra không có thu nhập.
Chính vì vậy, gia đình anh Bi quyết định phải thay đổi đời sống bằng du lịch. Anh vay mượn tiền để sửa chữa nhà cửa khang trang hơn, sắm các trang thiết bị đầy đủ cho mô hình du lịch cộng đồng… và bắt đầu tiến hành kinh doanh theo hướng dẫn của AOP. Tuy nhiên, thực tế cho đến thời điểm hiện tại khi được hỏi doanh thu từ du lịch đã đủ để sống yên ấm chưa, anh Bi lắc đầu rằng vẫn không thể trông chờ hoàn toàn vào kinh doanh du lịch được. Gia đình anh vẫn đang canh tác hơn 600 gốc cam đường canh, làm nương rẫy…vào thời gian không có khách.
Mặc dù sở hữu thiên nhiên ưu đãi, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, nền văn hóa bản sắc đậm đà, riêng có, nhưng kinh doanh du lịch cộng đồng đối với nhiều điểm du lịch mới ở Hòa Bình vẫn chưa cho thấy sức hấp dẫn về mặt kinh tế, vì vậy chưa thu hút được nhiều người dân tham gia.
Anh Hà Văn Thơm nhà đối diện homestay Thu Bi vừa mới đi làm thợ xây ở dưới xuôi trở về, chỉ vào ngôi nhà của anh là căn nhà sàn lâu năm nằm trên diện tích 1.600m2, có đầy đủ ưu thế để cải tạo trở thành một homestay hấp dẫn. Nhưng, nhắc đến chuyện chuyển đổi kinh tế làm du lịch cộng đồng, anh lắc đầu nói “muốn lắm nhưng không đủ sức làm”. Anh nhẩm tính từ các gia đình đối diện, nếu vào kỳ đông khách thu nhập 1 tháng được chừng 10-20 triệu, trừ đi chi phí cũng không còn bao nhiêu, như vậy sẽ rất lâu mới trả được nợ vay. Vì thế, anh Thơm không dám “liều”.
Tuy nhiên, người dân xóm Chiến đều khẳng định một điều rằng, từ ngày làm du lịch, đời sống của bà con nơi đây cũng có nhiều thay đổi. Ngoài việc để tổ chức điểm du lịch, toàn bộ chuồng trâu bò vốn được bà con nuôi dưới gầm nhà sàn được chuyển hết lên vùng đồi, đường làng ngõ xóm trở nên phong quang, sạch sẽ thì việc bán nông sản của bà con cũng dễ dàng hơn.
Bà Bùi Thị Chúc cho biết, trước đây, mỗi khi nhà có con gà, bà đều phải đan một cái lồng và mang đi chợ rất xa để bán. Từ ngày có du lịch về, bà không phải đi bán như vậy nữa mà có thể bán cho các hộ gia đình kinh doanh du lịch để làm đồ ăn cho du khách. Rau cỏ ở đây vốn sạch sẽ nên du khách đến mua cũng khá nhiều, cũng không phải đi chợ bán nữa. Nhưng đề cập đến việc tham gia làm du lịch, bà lắc đầu, bà còn nghèo không đủ … tiền để làm du lịch.
Anh Hà Văn Bi cho biết thêm mới đây trong cuộc họp tại xã, lãnh đạo xã đã quán triệt cả xóm phải cùng vào cuộc trong công cuộc làm du lịch. Anh nói, làm du lịch phải có sự chung tay của cả xóm vì nếu hiện tại có 1 đoàn khách 30 người ở xóm 1 tuần thì sẽ không đủ thực phẩm cung cấp, nên việc cả xóm tham gia từ những việc nhỏ như nuôi gà, trồng rau… là điều cần thiết để tạo nên một nguồn cung ứng dồi dào, đầy đủ hơn khi làm du lịch.
Ông Đinh Anh Tuấn, Chủ tịch HĐND huyện Tân Lạc chia sẻ, phát triển du lịch cộng đồng là yếu tố quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà huyện đang vấp phải chính là từ nhận thức về du lịch của bà con.
“Tới đây, chúng tôi đang có kế hoạch mở các lớp tập huấn cho người dân, vì chỉ khi nhận thức của người dân thay đổi thì du lịch cộng đồng mới có tính bền vững. Chính nhận thức của người dân quyết định sự thành công của du lịch trải nghiệm và du lịch xanh. Đây cũng là trọng điểm để chúng tôi phát triển trong thời gian tới” - ông Tuấn nói.
Quả thực, để có thể chuyển đổi mô hình kinh tế sang làm du lịch là cả một “đòn cân não” với bất cứ ai, nhất là bà con dân tộc vốn đời sống đã có nhiều khó khăn, eo hẹp.
Ông Vì Văn Việt, Phó Chủ tịch xã Mai Hịch chia sẻ, để có được mô hình du lịch cộng đồng phát triển như hôm nay ở Mai Hịch là cả một nỗ lực lớn của dự án cũng như sự vận động của chính quyền. Ban đầu dự án đến mất một quá trình dài thay đổi tư duy cho bà con, từ việc vận động đưa trâu bò ra “ở riêng”, đến việc chấp nhận đầu tư cho du lịch, chuyển đổi mô hình kinh tế. Mỗi sự tác động đều là từng chút nhỏ trong nhiều năm. “Mong muốn của chúng tôi là bà con có sinh kế tại quê hương mình, không phải bỏ đi làm ăn xa nữa”- ông Việt nói.
Đến nay, Mai Hịch đã có 11 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, đời sống người dân đã tốt lên nhiều so với thời kỳ làm nông trước kia. Chị Vì Yều, chủ homestay Đan Như ở Hịch 2, xã Mai Hịch giãi bày, để kinh doanh homestay không dễ dàng, bởi ngoài các yếu tố thiên nhiên ban tặng, bản sắc văn hóa thì làm sao để quảng bá cho khách đến là điều rất quan trọng. Tuy nhiên theo chị Yều, việc chuyển đổi mô hình kinh tế sang làm du lịch cũng giúp đời sống gia đình chị ổn định hơn, vì thế chồng chị đã dừng việc đi làm xây dựng ở xa để ở nhà tập trung kinh doanh. Cùng với đó, khi du lịch phát triển, đời sống của bà con dân bản cũng khấm khá hơn và sôi động hơn.
Thay đổi nhận thức của người dân để chuyển đổi mô hình kinh tế sang làm du lịch cộng đồng là một trong những vấn đề nan giải trong phát triển du lịch ở Hoà Bình hiện nay. Không chỉ vì bà con còn nghèo, e dè khi phải vay mượn để đầu tư, mà còn bởi một thói quen cố hữu của bà con là vẫn luôn “hóng” đến các sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền hơn là tự mình làm giàu cho mình. Có vài dự án về hỗ trợ bà con chăn, màn… khi làm homestay, nhưng với họ thế là… chưa đủ. Họ muốn hỗ trợ hoàn toàn, kể cả kinh phí tu sửa nhà cửa…, mới chịu chuyển đổi mô hình kinh tế.
Không phải ai cũng “dũng cảm” như gia đình anh Hà Công Minh, chủ homestay Minh Thơ. Gia đình anh quyết định làm du lịch từ năm 2012, khi có dự án COHED (dự án nâng cao năng lực cho các hộ nông dân nghèo trong hoạt động giảm nghèo bền vững) được triển khai tại Mai Hịch. Anh quyết định đi vay tiền cải tạo nhà. Cải tạo rồi, đi vào hoạt động vẫn không có khách do hồi đó không biết cách quảng bá, Mai Hịch không nhiều người biết đến. Trong khi đó, mỗi ngày
khách đi Bản Lác đông đảo lắm, ngày nào cũng đi qua Mai Hịch. Anh Minh và em trai quyết định mỗi ngày đều mời khách vào homestay của mình đi… vệ sinh miễn phí, để họ biết đến Mai Hịch. Kể từ ngày ấy đến giờ, vào mùa du lịch, mỗi tháng homestay của anh có thể đón đến cả ngàn du khách/tháng, một con số đáng mơ ước với mọi người làm du lịch.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó GĐ Sở VHTT&DL tỉnh Hoà Bình kể, như ở bản du lịch Giang Mỗ, người dân được hỗ trợ rất nhiều để làm du lịch nhưng họ không… nhận ra. “Trước đây đường đi vào bản rất khó, chúng tôi đã xây dựng đường sá, bãi đỗ xe, nhà văn hoá, hỗ trợ thành lập đội văn nghệ để phục vụ du khách, trang bị hệ thống viễn thông, điện…
Nhưng, người dân lại nghĩ rằng phải đưa cho họ tiền hoặc trang bị chăn ga, gối đệm, tủ lạnh… mới là hỗ trợ. Thực tế, Nhà nước cơ bản là hỗ trợ về hạ tầng, ở Hoà Bình, nơi nào làm du lịch sẽ ưu tiên đầu tư trước qua các dự án...”- ông Bùi Xuân Trường nói.
Để khắc phục phần nào các yếu tố này, tại các huyện có các điểm làm du lịch như Tân Lạc, Mai Châu… lãnh đạo huyện cho biết, tới đây sẽ tăng cường các lớp tập huấn làm du lịch cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, vừa qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Có thể nói, đây là hướng đi đúng đắn của tỉnh Hoà Bình khi sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào về phong cảnh, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những vùng khí hậu tuyệt vời, cùng với đó là nguồn lực lớn về bản sắc văn hoá lâu đời của bà con các dân tộc cũng như nền văn hoá Hoà Bình.
Chưa kể, Hoà Bình nằm ở vị trí thuận lợi, vừa ở cửa ngõ Tây Bắc, lại tiếp giáp với Hà Nội, dễ dàng gắn kết với các vùng du lịch khách như Thanh Hoá, Mộc Châu… Thế nên, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội Du lịch Hoà Bình, mới nhấn mạnh thêm rằng, Hoà Bình phấn đấu “là bếp ăn, nơi ngủ đêm của người Hà Nội”.
Theo ông Hà Văn Thắng, hiện nay các doanh nghiệp du lịch ở Hoà Bình đều rất có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn liền với bản sắc dân tộc cho các điểm du lịch. Bởi nếu để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tự phát sẽ không đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cũng như định hướng chung, mà các doanh nghiệp sẽ tham gia với vai trò nòng cốt vào việc đầu tư hạ tầng, thiết chế văn hoá, áo quần trang phục đón tiếp khách… để gìn giữ bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, một ví dụ điển hình chính là khu du lịch cộng đồng Ngòi Hoa (Tân Lạc), khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đã yêu cầu người dân giữ nguyên kiến trúc nhà sàn của người Mường, có quy ước, hương ước để xây dựng làng Mường cổ này trở thành làng du lịch cộng đồng đón khách.
Ở nhiều nơi khác tại Hoà Bình hiện cũng đang thực hiện chặt chẽ việc giữ gìn kiến trúc nhà sàn, bản sắc văn hoá để đảm bảo việc bảo tồn văn hoá cũng như phát huy vẻ đẹp của nó trong làm du lịch như vậy. Cách làm này giúp Hoà Bình ngày càng có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước khi họ muốn tìm đến hình thức du lịch xanh, du lịch trải nghiệm và đến với những vùng đất thấm đẫm sắc màu văn hóa bản địa.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoà Bình cho biết thêm: “Trong thời gian tới chúng tôi cũng xác định để bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc tỉnh Hoà Bình gắn với phát triển du lịch, tỉnh cũng đã có quy hoạch các khu vực để phát triển du lịch. Chúng tôi có lòng hồ Hoà Bình diện tích 52 ngàn ha đã có quy hoạch cụ thể, sẽ làm đường vòng quanh hồ, kết nối giao thông đường thủy và bộ, xây dựng các khu du lịch huyện Lạc sơn kết nối với huyện Kim Bôi.
Để phát triển du lịch thì trước hết phải phát triển hạ tầng, trong đó giao thông là quan trọng, rồi điện, nước, viễn thông…. Đồng thời chúng tôi cũng coi trọng chuẩn bị nguồn nhân lực cho du lịch. Trong thời gian tới, chúng tôi tăng cường quảng bá du lịch và bản sắc văn hóa của Hòa Bình để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước”.
Cũng theo ông Toàn, hiện Hoà Bình cũng đang xây dựng các đề án, dự án quan trọng để phát triển văn hóa, như sẽ xây dựng bảo tàng các di chỉ của nền văn hóa Hoà Bình, phục dựng làng Mường cổ tại xóm Lũy Ải xã phong phú huyện Tân Lạc.
Với thuận lợi là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội, Hòa Bình đã có chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc liên kết với các tỉnh đồng Bằng sông Hồng trong phát triển du lịch. “Vừa rồi, chúng tôi đã khởi công cáp treo từ chùa Tiên của Lạc Thủy sang chùa Hương của Mỹ Đức, Hà Nội. Hệ thống cáp treo dài 3km kết nối vùng du lịch tâm linh giữa hai địa phương. Đây là việc làm mà chúng tôi tiếp tục khai thác và phát huy”- ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định.
Hiện nay, toàn tỉnh Hoà Bình đang có 71 dự án du lịch, với số vốn đầu tư là 36 nghìn tỉ đồng. Tỉnh có nhiều chương trình kế hoạch để hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để phục vụ đầu tư.
Còn nhớ, sau đại dịch Covid-19, từ quý 2 năm 2022, khi được mở cửa đón khách du lịch, Hoà Bình là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc mở cửa du lịch sớm nhất, đã đón gần 3,2 triệu du khách, doanh thu năm 2022 là 3.600 tỉ từ du lịch, đón 100 ngàn du khách quốc tế. Con số này trong năm nay và những năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Phát triển du lịch bền vững sẽ tạo nên sức bật lớn cho Hoà Bình những năm không xa, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hôm nay.