“Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng“: Tác phẩm kinh điển về mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng
(PNTĐ) - Hoạ sỹ, tác giả người Anh Robert Beer đã biên soạn nhiều cuốn sách về nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Trong đó, Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng là ấn phẩm đầy đủ, được biết đến nhiều nhất của ông. Cuốn sách không những hệ thống hóa các hình tượng trong nghệ thuật Phật giáo, mà còn cung cấp bối cảnh lịch sử và văn hóa xung quanh mỗi chủ đề, tóm lược nguồn gốc và tiến trình phát triển về dạng hình và ý nghĩa. Đây là tác phẩm kinh điển không chỉ cho những người quan tâm tới Phật giáo Kim Cương Thừa, văn hóa Tây Tạng, mà còn dành cho giới họa sỹ, nhà thiết kế và bất cứ ai đang hướng về phương Đông để đi tìm ý nghĩa cuộc sống.
Tác phẩm kinh điển về mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng
Mười hai chương sách được trình bày theo các chủ đề khác nhau. Mở đầu bằng các yếu tố phong cảnh, hoa, động vật và các chủ đề tường thuật - bốn chương đầu tiên giới thiệu bố cục nền của tranh thangka Phật giáo. Chương V bàn về vũ trụ quan, với phần cuối chương là hệ thống kinh mạch luân xa Phật giáo. Chương VI tới Chương IX miêu tả thủ ấn (mudra), tài bảo của Chuyển Luân Thánh Vương (chakravartin), các nhóm biểu tượng cát tường, vật phẩm cúng dàng và pháp khí nghi lễ gắn liền với bản tôn an bình. Chương X bàn về pháp khí và vũ khí tôn giáo. Phần lớn Chương XI miêu tả pháp khí, y phục, sức trang hoàng và những biểu tượng cúng dàng nghĩa địa gắn liền với bản tôn phẫn nộ… Chương cuối cùng bao gồm hai mươi tư trang vẽ các họa tiết, hoa văn và thiết kế đường viền.
Công trình nghiên cứu về nghệ thuật tâm linh Tây Tạng này là kết quả của tám năm miệt mài vẽ tranh, của một đời chiêm nghiệm về nguồn gốc và ý nghĩa ẩn tàng trong từng đường nét của họa sĩ Robert Beer. Hàng nghìn chi tiết đơn lẻ bố cục thành 169 Minh Họa, gần như bao trùm toàn bộ biểu tượng và yếu tố đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng. Phần lớn minh họa được tái hiện ở kích thước nguyên bản. Tất cả đều được vẽ bằng bút lông nét nhỏ và mực tàu trên nền giấy mỹ thuật, họa sĩ chỉ sử dụng bút kỹ thuật cho các nét thẳng và đường tròn. Mỗi bức tranh tốn từ năm mươi tới hai trăm giờ để hoàn thành.
Tác giả Robert Beer cho biết: “Ngược lại với rất nhiều năm dành cho hình minh họa, câu chữ trong sách được viết trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều… Hầu hết thông tin trong cuốn sách được chắt lọc từ bốn nguồn khảo cứu. Nguồn đầu tiên dựa trên khía cạnh kiến thức, đúc rút sau khi đọc một số lượng lớn những văn bản ít người biết, với nội dung về truyền thống, lịch sử và sự phát triển của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Nguồn thứ hai dựa trên khía cạnh hình ảnh trực quan sau khi nghiên cứu hàng nghìn bức thangka Tây Tạng. Nguồn thứ ba dựa trên khía cạnh trực giác, có được sau khi vẽ đi vẽ lại các biểu tượng, khi dấu ấn của những hình ảnh này “tự hiển lộ bản chất”, giống như một nhà thám hiểm bắt đầu quen thuộc với địa hình xung quanh và có thể tự xác định vị trí của mình. Nguồn thứ tư dựa trên khía cạnh tâm linh, sau khi thực sự thấu hiểu rằng những biểu tượng này chính là cách biểu lộ thanh tịnh nhất của Phật Pháp”.
Ấn bản tiếng Việt
Bản tiếng Việt do dịch giả Jigme dịch và chú giải. Tiếp xúc với bản gốc từ năm 2013, từ việc dịch một vài đoạn văn để hỗ trợ người thân tu tập, dịch giả dần bị cuốn hút bởi những hình vẽ uyển chuyển, những lớp nghĩa đa tầng ẩn chứa trong từng chi tiết, từng hoa văn. Những năm sau đó, sau khi đến thăm những vùng đất thấm đượm văn hóa Phật giáo ở miền Bắc Ấn Độ và Nepal, được chiêm bái các thánh địa và tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật Kim Cương Thừa trong mỹ thuật thangka, bích họa, kiến trúc, điêu khắc và đồ thủ công mỹ nghệ… dịch giả Jigme đã dành thời gian dịch toàn bộ ấn phẩm đồ sộ này, qua 4 lần hoàn thiện lớn, kéo dài tới 10 năm. Ngoài ra, dịch giả còn là người thiết kế, dàn trang ấn bản tiếng Việt, dựa trên bản gốc.
Dù cuốn sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhưng ấn bản tiếng Việt của Đông A là bản dịch duy nhất có thêm 3 nội dung mới, sau khi thống nhất với tác giả, gồm:
1. Phụ lục: 24 hình vẽ tác giả minh họa cho cuốn sách Nghệ Thuật Vẽ Thangka Tây Tạng: Phương Pháp và Chất Liệu (Tibetan Thangka Painting: Methods and Materials). Trong số này, hình minh họa bản tôn được diễn tả trên lưới hình họa với số đo cụ thể, cùng tư thế, thủ ấn và pháp khí chính xác như sách miêu tả.
2. Chú giải: Dài 34 trang, giải thích và bổ sung thông tin cho hơn 260 thuật ngữ và tên riêng được nhắc đến trong sách. Thuật ngữ hoặc tên gốc tiếng Phạm (Skt.) và tiếng Tạng (Tib.) được dịch giả chú thích sau từ tiếng Việt tương ứng.
3. Chỉ mục: Dài 34 trang, liệt kê toàn bộ thuật ngữ, tên riêng và từ khóa quan trọng, cũng như vị trí của chúng trong sách. Từ khóa tiếng Phạm và tiếng Tạng luôn được chỉ dấu sang từ tiếng Việt tương ứng (nếu có), giúp độc giả tiện tra cứu bằng cả từ gốc và từ chuyển ngữ.
Ấn bản tiếng Việt cũng là ấn bản chính xác nhất về thuật ngữ của cuốn The Encyclopedia of Tibetan Symbols and Motif, đã sửa hết các lỗi trong ấn bản gốc năm 1999 và 2013. Tác giả cũng là người trực tiếp giúp đỡ và hỗ trợ để dịch phẩm này đơm hoa kết quả.
Robert Beer là họa sỹ người Anh, sinh năm 1947 tại Cardiff, miền Nam xứ Wales.
Năm 1970, ông tới Ấn Độ và Nepal. Ở đó, ông đã thâm nhập vô cùng sâu sắc vào địa hạt mỹ thuật thangka và theo học với một số họa sỹ Tây Tạng lừng danh nhất thời bấy giờ. Năm 1976, ông trở về sống ở London và miệt mài phát triển tay nghề, tích lũy kiến thức. Suốt gần 40 năm qua, những thiết kế tinh tế của ông đã tô điểm cho vô số ấn phẩm và hiện vật tâm linh, góp phần định hình nghệ thuật Tây Tạng và Nepal đương đại. Không dừng lại ở đó, sự cống hiến của ông còn vượt ra ngoài lĩnh vực nghệ thuật - ông trở thành người bảo trợ và cố vấn cho các họa sỹ tài năng ở Thung lũng Kathmandu, cùng họ chung tay bảo tồn di sản văn hóa và truyền thống đồ sộ nơi đây.