“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại không gian thân thuộc của Nhà xuất bản Kim Đồng, triển lãm “Gặp tôi trong tương lai” chính thức khai mạc, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng những nội dung sách thiếu nhi sáng tạo, mang đậm tinh thần bình đẳng giới và tôn vinh quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của trẻ em.

268 ý tưởng, một bức tranh đa sắc về nghề nghiệp

Sáng kiến “Gặp tôi trong tương lai” do The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC) khởi xướng, phối hợp cùng ECUE-VGEM và NXB Kim Đồng thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ sáng kiến Investing in Women của Chính phủ Australia. Mục tiêu của chương trình là khơi dậy tinh thần tự do khám phá nghề nghiệp của trẻ em, phá bỏ những định kiến giới vốn đang âm thầm định hình lựa chọn nghề nghiệp của các em từ rất sớm. Trong hệ sinh thái xuất bản và giáo dục hiện nay, đây vẫn là một khoảng trống lớn cần được lấp đầy bằng những câu chuyện chân thật, đa chiều và giàu sức gợi mở.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 1
Lấy cảm hứng từ những “con thuyền ý tưởng” ra khơi, Trưng bày “Gặp tôi trong tương lai” mở ra một không gian sắp đặt sáng tạo để giới thiệu 268 ý tưởng sáng tác sách thiếu nhi về chủ đề quyền tự do khám phá và lựa chọn nghề nghiệp vượt qua khuôn mẫu giới của trẻ em.

Từ ngày 21/4 đến 18/5/2025, chương trình kêu gọi sáng tác sách thiếu nhi đã thu hút 268 ý tưởng gửi về từ các cá nhân và nhóm sáng tác, thuộc nhiều độ tuổi, giới tính và vùng miền khác nhau. Trong đó, 34% đến từ trẻ em dưới 18 tuổi – minh chứng rõ nét cho tinh thần chủ động và khả năng sáng tạo mạnh mẽ của các “cây bút nhí”. 66% còn lại là các tác giả trưởng thành - họa sĩ, nhà giáo dục, phụ huynh và những người quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới, giáo dục nghề nghiệp.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 2

Các ý tưởng không chỉ thể hiện sự đa dạng trong lựa chọn nghề nghiệp mà còn mang đến góc nhìn mới mẻ về những nghề quen thuộc hoặc ít phổ biến, đặc biệt là những nghề thường bị gán định bởi giới tính. Từ đó, chương trình lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về quyền được tiếp cận công bằng trong định hướng nghề nghiệp, giúp trẻ em nuôi dưỡng đam mê và xây dựng tương lai không giới hạn bởi khuôn mẫu hay hoàn cảnh sống.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 3
Người tham gia chương trình Kêu gọi sáng tác “Gặp tôi trong tương lai” cùng nhìn lại tất cả ý tưởng được gửi về chương trình. 

Trong khuôn khổ lễ khai mạc trưng bày, bà Cathy McWilliam - Bí thư thứ nhất về Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Những câu chuyện chúng ta kể cho các em thiếu nhi hôm nay sẽ định hình lực lượng lao động trong tương lai. Khi các em thấy cả phụ nữ và nam giới làm nhiều nghề khác nhau từ nhỏ, các em sẽ dễ dàng nắm bắt nhiều cơ hội hơn khi lớn lên”.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 4
Bà Cathy McWilliam - Bí thư thứ nhất về Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam - chia sẻ tại Khai mạc Trưng bày “Gặp tôi trong tương lai”.

Cùng quan điểm, ông Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE khẳng định: “Thông qua những cuốn sách thiếu nhi, chúng tôi muốn giới thiệu các hình mẫu nghề nghiệp đa dạng để tháo gỡ định kiến ngầm ẩn trói buộc ước mơ của trẻ. Đây không chỉ là sáng kiến kêu gọi sáng tác, mà là một hành trình nuôi dưỡng niềm tin vào chính bản thân các em”.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 5
Ông Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE - phát biểu khai mạc Trưng bày “Gặp tôi trong tương lai”.

5 ý tưởng xuất sắc nhất

Sau quá trình đánh giá kỹ lưỡng từ Hội đồng thẩm định gồm đại diện ICBC, ECUE-VGEM, Ban biên tập NXB Kim Đồng và các chuyên gia văn hóa, chương trình đã chọn ra 5 ý tưởng nổi bật nhất để phát triển thành sách thiếu nhi. Đây là những tác phẩm hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi cách nhìn về nghề nghiệp, giới tính và vai trò xã hội trong tâm hồn trẻ nhỏ:

“Bà cụ non” của tác giả Nguyễn Thu Yến kể về hành trình của cô bé 8 tuổi gặp gỡ 12 người phụ nữ Việt Nam đang làm việc trong các ngành nghề ít được truyền thông nhắc đến, nhưng lại có nhiều đóng góp thầm lặng. Qua đó, tác phẩm truyền đi thông điệp về sự tự hào và trân trọng nguồn cội.

“Hạt mầm nhỏ suy tư” của tác giả thùy cốm là một truyện ngắn triết lý dành cho trẻ em, qua hình tượng một hạt mầm đang phân vân: “Mình sẽ thành gì nhỉ?” - một ẩn dụ khơi gợi suy tư về quá trình lớn lên và lựa chọn bản thân.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 6
Các tác giả và nhóm tác giả có ý tưởng được lựa chọn vào vòng xuất bản. 

“Bắt lấy thanh âm” của nhóm tác giả C404 là câu chuyện xúc động về trẻ em điếc - những em nhỏ đã phải “bắt lấy thanh âm” bằng đôi tay, bằng ánh mắt, để rồi lần đầu tiên biết đến hai tiếng “Bố”, “Mẹ” qua ngôn ngữ ký hiệu. Tác phẩm là tiếng nói mạnh mẽ về quyền được học tập, được mơ ước của mọi trẻ em, không phân biệt điều kiện hay khả năng.

“Ngày mai đá sẽ nở hoa” của Phạm Thị Thùy Trang lấy cảm hứng từ Dậu – cô bé người Dao tại vùng cao Hà Giang với ước mơ trở thành thầy thuốc giữa những khó khăn chồng chất của đồng bào dân tộc thiểu số. Tác phẩm lột tả sự bền bỉ, dũng cảm vượt lên nghịch cảnh và định kiến để giữ gìn tri thức y học dân gian của cha ông.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 7
Hoạt động tương tác mời gọi người tham gia cùng “lên thuyền” trên dòng sông ý tưởng và “ra khơi” tiếp tục lan tỏa thông điệp của chương trình “Gặp tôi trong tương lai” đến cộng đồng.
“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 8

Cuối cùng, bộ sách tranh tương tác “Gặp tôi trong tương lai” của tác giả Chà tạo nên trải nghiệm vừa chơi vừa học cho trẻ em thông qua sticker, hình ảnh và những tình huống gợi mở. Đây là cách tiếp cận mới giúp các em hình dung nghề nghiệp một cách linh hoạt, sáng tạo và đầy cảm hứng.

Bà Phạm Thị Hoài Anh - đồng sáng lập ICBC chia sẻ: “Chúng tôi thực sự hạnh phúc vì chương trình nhận được sự tham gia nhiệt thành từ cộng đồng, đặc biệt là các tác giả trẻ. Sự đa dạng về góc nhìn đã phản chiếu tinh thần tự do khám phá và theo đuổi nghề nghiệp của trẻ em qua lăng kính mới mẻ, sâu sắc”.

Song song triển lãm, loạt sự kiện bên lề cũng được tổ chức như “Hòa nhạc hoàng hôn” vào tối 29/6 với sự tham gia của VYMI Ensemble, hay buổi đọc sách “Vang danh nghề cổ” diễn ra vào sáng 5/7/2025, đưa trẻ em đến gần hơn với các làng nghề truyền thống, nơi lưu giữ di sản và khơi dậy ước mơ về những nghề cha truyền con nối.

“Gặp tôi trong tương lai”: Khi ước mơ nghề nghiệp của trẻ em lên tiếng - ảnh 9

“Gặp tôi trong tương lai” không chỉ là một sự kiện, mà là bước khởi đầu của hành trình kể chuyện với sự thấu cảm, cởi mở và tiến bộ. Hành trình ấy đang từng bước trao cho trẻ em quyền được nhìn thấy, được lắng nghe và được ước mơ một cách trọn vẹn, bởi mỗi ước mơ xứng đáng được nuôi dưỡng, bất kể nó được gieo mầm từ đâu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Gặp tôi trong tương lai” - Hành trình kể chuyện bằng sách thiếu nhi

“Gặp tôi trong tương lai” - Hành trình kể chuyện bằng sách thiếu nhi

(PNTĐ) - “Gặp tôi trong tương lai” là một sáng kiến do The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC) khởi xướng, với sự đồng hành của ECUE-VGEM và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Chương trình nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) - một sáng kiến của Chính phủ Australia.
“Khi bà nội mặc Bikini“: Cuốn sách phát hành nhân dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam

“Khi bà nội mặc Bikini“: Cuốn sách phát hành nhân dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam

(PNTĐ) - Trong một thế giới mà phụ nữ lớn tuổi thường bị đóng khung trong hình ảnh của sự hiền hậu, lặng lẽ và cam chịu, tiểu thuyết “Khi bà nội mặc bikini” của tác giả Đài Loan Bành Tố Hoa mang đến một cái nhìn đầy tươi mới, đậm tinh thần nữ quyền - vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ.
Cánh cửa dẫn vào chiều sâu văn hóa Nhật Bản

Cánh cửa dẫn vào chiều sâu văn hóa Nhật Bản

(PNTĐ) - Ngôn ngữ luôn là một trong những biểu hiện rõ ràng và đặc sắc nhất của văn hóa một dân tộc. Với Nhật Bản – quốc gia nổi tiếng bởi sự dung hòa giữa truyền thống và hiện đại – hệ thống chữ viết Kanji không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là kho tàng phản ánh sự tiếp biến văn hóa trong lịch sử dài hàng nghìn năm.
Hương từ chữ bay ra...

Hương từ chữ bay ra...

(PNTĐ) - Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề báo. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt Giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm làm nghề. Mẹ cười bảo: “Để mãi trong ngăn bàn ở cơ quan.