Nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân: Dấu ấn của bản lĩnh và tinh thần vì cộng đồng
(PNTĐ) - Qua từng nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ đại biểu luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và tâm huyết, tận tụy với đất nước. Nhiều nữ đại biểu được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm giao trọng trách giữ cương vị lãnh đạo và hoàn thành xuất sắc, góp phần viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiền (năm 1946-1960), đại biểu Nguyễn Thị Thập đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình bền bỉ, được Nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu liên tục từ khóa I đến khóa VI. Bà còn được Đảng và Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV; được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI (1960-1981).
Trên cương vị đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thập đã có những đóng góp quan trọng, trong đó nổi bật là kiến nghị với Đảng, Nhà nước xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình (ban hành ngày 13/01/1960) cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam, nữ bình đẳng và nhiều chính sách khác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thập (tên thật Là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908, mất năm 1996) quê ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tham gia cách mạng năm 1929 và đến năm 1931, bà được vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam dài nhất (từ năm 1956 đến 1974), bà Nguyễn Thị Thập luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ nữ, và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để cho ra đời các phong trào lớn, nổi bật là “Ba đảm đang”… Bà còn là Mẹ Việt Nam Anh hùng vì có 2 người con trai là Liệt sĩ, là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Được mệnh danh là “nữ tướng huyền thoại”, bà Nguyễn Thị Định là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, năm 1980 bà được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992.
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi bà Nguyễn Thị Định: "Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta".
Bà Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, mất năm 1992, bà quê ở Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre. Từ năm 1936, bà đã tham gia hoạt động cách mạng; những năm 1960 tên tuổi của bà còn gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sau năm 1976, bà trở thành nhà quản lý và nhà lãnh đạo trung thực và liêm khiết, đặc biệt chăm lo đến những người dân nghèo khổ. Bà đã được Nhà nước Việt Nam và nước ngoài tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý. Ngày 2/9/1995, Nguyễn Thị Định được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Định là một bản anh hùng ca, gắn liền với cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ; là người trí dũng song toàn, trung thành với sự nghiệp của Đảng, yêu tổ quốc, nhân dân.
Sau hơn 7 thập kỷ, số nữ đại biểu Quốc hội đã ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng, và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Đặc biệt, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà được biết đến là vị nữ Chủ tịch Quốc hội tài năng, quyết đoán, uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, nhưng lại vô cùng duyên dáng, đằm thắm.
Trên cương vị là nữ Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã xử lý và điều hành một khối lượng công việc khổng lồ. Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ đặc biệt ấn tượng với nữ Chủ tịch Quốc hội trong chủ trì, điều hành các phiên họp phiên toàn thể, phiên chất vấn tại Quốc hội. Thông qua đó, lượng thông tin rất nhiều, thời lượng vừa phải nhưng mà đã đưa được tất cả những kiến nghị của cử tri, những yêu cầu của đại biểu để giải quyết công việc góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực: xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả này góp phần quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
Là đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội 5 khóa, từ khóa X đến khóa XIV, bà Tòng Thị Phóng đã đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, một tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng công tác quần chúng của Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội...
Không chỉ đảm nhiệm tốt cương vị là lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bà Tòng Thị Phóng còn rất đam mê nghiên cứu, tìm hiểu và mong muốn giữ gìn, tôn tạo và xây dựng những giá trị của văn hóa, nghệ thuật để lưu truyền cho con cháu mai sau. Bà Tòng Thị Phóng luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số, chăm lo cho công tác dân tộc. Bà đã có quá trình nghiên cứu, sưu tầm, tham gia hoạch định các chính sách về giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Được sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, bà đắm mình trong các điệu múa, vòng xòe say đắm lòng người trong tiếng trống chiêng âm vang rừng núi, cùng với những cảm nhận sâu sắc về giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bà đã dày công nghiên cứu, xem xét 16 điệu múa xòe của người Thái để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mang đậm tính đoàn kết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA cho Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ngày 10/9/2020 (ảnh Hải Ninh)
Năm nay đã 83 tuổi, bà Vũ Thị Phê (ở Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) từng là đại biểu HĐND tỉnh Hà Tây, đại biểu HĐND tỉnh Hà Sơn Bình, bà vẫn còn nguyên vẹn ký ức về một thời: “Nhân dân còn khổ, đất nước còn khó khăn nên làm cán bộ lãnh đạo hay đại biểu HĐND cũng vất vả lắm, “thượng vàng hạ cám” việc gì cũng xắn tay làm”.
Nhắc nhớ về những người phụ nữ làm nên lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam như bà Nguyễn Thị Thập, bà Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Bình,… bà Phê cười hiền: “Những bậc tiền bối ấy chính là những tấm gương, là động lực để chúng tôi noi theo”.
Khi được hỏi rằng, trên cương vị cán bộ lãnh đạo tỉnh hay đại biểu HĐND tỉnh với số lượng nữ đại biểu ít hơn đại biểu nam thì tiếng nói có “lép vế hay không”. Bà Phê lắc đầu, cười hiền: “Tùy thuộc vào trình độ và bản lĩnh của người nữ đại biểu, nữ lãnh đạo thôi. Tôi cũng có bằng đại học Nông nghiệp, luôn chịu khó học hỏi, lắng nghe, được cho là ăn nói đâu ra đó nên cũng không bị ai coi thường”.
Ký ức năm xưa, nữ đại biểu HĐND tỉnh nhớ rõ: "Ngày tôi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh 2 khóa (tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Hà Tây), cũng là 2 khóa đại biểu dân cử, khi xuống xã cứ rời ô tô là đi thăm đồng, lội ruộng, gặp gỡ bà con nhân dân, lê la chẳng khác nông dân.
Hồi ấy, đất nước còn khó khăn, cán bộ cũng nghèo, lãnh đạo cũng cặm cụi làm mà lương thì thấp. Xuống với dân thì ăn mặc giống dân chứ không ăn mặc diện đâu. Đã vậy, ăn cũng ít đỡ tốn của dân. Có người cho gạo, tôi bảo để dành, khi nào tôi xuống xã thì nấu cơm cho ăn là được. Nói vậy thôi chứ cũng không xuống ăn đâu, chỉ là từ chối thẳng e là thiếu tinh tế. Ngày xưa, không chỉ nữ mà cả nam đại biểu HĐND, ai nấy đều giản dị, vất vả mà đầm ấm tình người".
Nhà khoa học, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV (nhiệm kỳ 2011-2016). Bà đã dành trọn tâm sức để tham gia các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước.
Nay, bước vào tuổi 80, bà An vẫn đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Nữ Trí thức thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, luôn phát biểu nhiệt huyết tại nhiều hội nghị, hội thảo, các các hoạt động lấy ý kiến nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phát triển cộng đồng và bình đẳng giới, phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Trong nhiệm kỳ của mình, nữ đại biểu Bùi Thị An đã có nhiều chất vấn, ý kiến thẳng thắn trên các diễn đàn Quốc hội, HĐND thành phố về các vấn đề liên quan đến lãng phí, tham ô, kiến nghị tăng cường hoạt động giám sát. Qua đó, bà để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong lòng cử tri, nhân dân Thủ đô và cả nước.
Bà An cho biết: Trong vai trò là đại biểu dân cử, người đại biểu đã có cam kết phải dành thời gian để nắm bắt ý kiến của nhân dân. Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của một đại biểu dân cử, là cầu nối giữa nhân dân với Quốc hội, với HĐND nên phải hiểu những gì liên quan đến dân, phải hiểu người dân mong gì. Đối với các nữ đại biểu Quốc hội, ở cương vị nào cũng phải sắp xếp công việc và việc gia đình một cách khoa học để hoàn thành trách nhiệm mà Nhân dân giao.