Bà Phạm Thị Đường: Nữ chiến sĩ kiên cường, nữ bí thư đảm đang
(PNTĐ) - Ở vùng quê giàu Cách mạng, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà, có bà Phạm Thị Đường 95 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, người đã có những năm tháng vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương. Người phụ nữ trí tuệ, tài ba, nhiệt tình ấy luôn cống hiến hết mình và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân giao phó. Bà Phạm Thị Đường làm tấm gương sáng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Thưa bà, với 95 năm tuổi đời, bà đã có 75 năm tuổi Đảng, bà đã có những năm tháng thanh xuân sống, lao động và chiến đấu hết mình vì sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần mang lại sự bình yên cho đất nước, cho quê hương. Xin bà chia sẻ về thời kỳ đầu “bén duyên” với cách mạng, với Đảng?

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê thuộc vùng đồng chiêm trũng, huyện phía Nam Hà Nội, giữa lúc quê hương bị giặc Pháp xâm lược. Kẻ thù tàn bạo tấn công, chiếm đóng ở khắp nơi, chúng hòng biến làng quê tôi thành "khu trắng". Cán bộ và nhân dân xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà vẫn kiên quyết, kiên trì vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu, bám trụ, giữ làng.
Hồi năm 1948-1949, lúc bấy giờ, làng quê bị giặc Pháp xâm chiếm, những thanh niên mới lớn như chúng tôi đều hăng hái tham gia vào các hoạt động của Đội du kích xã để bảo vệ gia đình, làng xóm và quê hương mình. Chúng tôi sinh hoạt theo các tổ, ban ngày thì hăng say sản xuất, đêm đến lại hoạt động, đi đào hầm bí mật, rào làng kháng chiến không cho quân giặc vào làng. Chúng tôi còn đi phá các con đường mà giặc Pháp đến, để ngăn cản chúng cướp của, giết dân.
Trong quá trình hoạt động, tôi cùng chị em hăng hái, tích cực làm ngày làm đêm, nhiều hôm còn nhịn ăn. Tôi được tín nhiệm phân công làm Đội trưởng Đội Du kích xã Đồng Tân, làm Thôn Đội phó và tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Đồng Tân từ năm 1949 đến năm 1950. Đến đầu năm 1950, tôi được kết nạp vào Đảng. Khi ấy được trở thành đảng viên là vinh dự, tự hào to lớn và phải rất trách nhiệm với Đảng, với nhân dân.
Khi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bà đã có những cống hiến như thế nào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, và xây dựng quê hương?

Đến đầu năm 1951, quân giặc đốt phá làng, chúng cướp của, chiếm đóng, dân làng phải đi sơ tán, gia đình tôi cũng đi sơ tán, tôi ở lại với anh em dân quân du kích, cán bộ chi bộ. Từ năm 1951 đến năm 1952 tôi được phân công làm Bí thư Phụ nữ xã Đồng Tân và là quân báo của xã (được Đảng bộ phân công mang Nghị quyết của Đảng bộ xuống chi bộ nơi tạm chiến).
Cũng trong thời gian này tôi bị địch bắt. Chúng lôi tôi đi khắp nơi, bốt Giẽ, bốt Tía,… rồi bị giam ở nhà tù Hoả Lò. Trong thời gian bị giam cầm, tra tấn, chúng cắt cả tai, tôi vẫn luôn trung kiên, trung thành với Đảng, với nhân dân.
Đến tháng 7/1954, trong đợt trao đổi tù binh với Pháp, tôi được ra tù và trở về quê hương, tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.
Hồi ấy, thời gian mới về, tôi còn được thử thách qua nhiều nhiệm vụ, xem có trung thành với Đảng không, có hoàn thành nhiệm vụ không. Hồi ấy tôi làm đủ các việc, dân quân du kích huấn luyện cho anh em chị em, đoàn thể thì làm các nhiệm vụ…
Năm 1954-1957, tôi được phân công làm Bí thư Phụ nữ xã, Uỷ viên Uỷ ban, Chính trị viên phó xã đội xã Đồng Tân.
Năm 1957 đến năm 1965 tôi tiếp tục làm Bí thư Phụ nữ xã; Ủy viên ủy ban, đảng viên phụ trách đơn vị Vọng Tân. Năm 1965 đến năm 1968 tôi làm Phó Chủ tịch Uỷ ban xã, Trưởng Công an xã, Thường vụ Đảng ủy xã Đồng Tân.
Bấy giờ, nhân dân trong các thôn, xóm chưa có kinh nghiệm chăm sóc mạ xuân nên diện tích mạ gieo cấy bị chết gần hết. Các hợp tác xã đều rơi vào tình trạng thiếu mạ nên hầu hết các đội sản xuất cấy không kip thời vụ và không hết diện tích. Đời sống của xã viên từ sau tết Nguyên đán càng gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Đảng uỷ một mặt cử cán bộ đi Hoà Bình mua một số nhu yếu phẩm về phân phối cho xã viên, mặt khác Đảng uỷ lãnh đạo các hợp tác xã cố gắng mở rộng diện tích trồng hoa màu và cây vụ đông, một số hợp tác xã đã mạnh dạn đưa cây khoai tây trồng trong vụ đông ở thửa ruộng cao để khắc phục khó khăn trước mắt. Đây là những tiền để đầu tiên để tiến lên mở rộng diện tích cây vụ đông sau này.
Tranh thủ thời gian để ổn định sản xuất sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của giặc Mỹ, tháng 12/1968, Đảng bộ Đồng Tân tiến hành Đại hội lần thứ V và đề ra một số nhiệm vụ về sản xuất nông nghiệp, mua bán tín dụng, văn hoá xã hội, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, củng cố các tổ chức đoàn thể, công tác xây dựng Đảng...
Đại hội bầu ra Ban chấp hành mới của Đảng bộ, tôi được bầu làm Bí thư Đảng bộ xã. Sau đại hội Đảng bộ xã, phong trào thi đua được phát động sôi nổi và rộng khắp, đặc biệt là công tác tuyển quân.
Trong suốt quá trình làm việc, bà đã liên tục làm Chủ tịch Hội Phụ nữ, Bí thư Phụ nữ rồi đến Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tân, đặc biệt bà đã là tham gia tích cực vào phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Xin bà chia sẻ về về điều này?

Năm 1968 đến năm 1973 tôi làm Bí thư Đảng ủy xã; Bí thư Phụ nữ xã Đồng Tân. Năm 1974 đến năm 1977 tôi làm Đảng ủy viên, Hội trưởng hội Phụ nữ xã Đồng Tân.
Năm 1965, trước vận mệnh của đất nước, đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ kính yêu từ phong trào “Ba đảm nhận”, ngày 22 tháng 3 năm 1965 TW Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Phong trào được Bác Hồ rất quan tâm, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang” cho đúng với phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó; 3 nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác thay thế nam giới đi chiến đấu. Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu. Đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu.
Trong thời kỳ cả nước sục sôi ấy, chúng tôi cũng luôn nỗ lực làm việc để đóng góp cho Tổ quốc, tôi được Đảng giao nhiệm vụ công tác Hội Phụ nữ, luôn tổ chức cho chị em đảm đang sản xuất, công tác để thay thế anh em yên tâm đi chiến đấu. Trong gia đình, các chị em khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu và luôn đảm đang phục vụ chiến đấu.
Bản thân tôi cũng có chồng là bội đội, đi chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia… Tôi vừa động viên chị em trong xã, trong thôn, còn phải tự động viên chính mình lo cho tốt việc nhà, việc của địa phương để chồng tôi và các đồng đội yên tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1977 đến năm 1979 tôi được phân công làm Đảng ủy viên, Hội trưởng hội Phụ nữ, Trưởng Kiểm soát xã Đồng Tân.
Từ năm 1980 đến nay tôi nghỉ hưu và là Đảng viên chi bộ thôn Vọng Tân thuộc Đảng bộ xã Đồng Tân. Năm nay, tôi được nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác, tôi đã được Đảng, Nhà nước tặng: Huy chương Kháng chiến hạng I. Huân chương Kháng chiến chống mỹ hạng II. Tháng 10/1997 tôi được tặng Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đầy. Tôi còn được tặng Huy hiệu vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Nhiều bằng khen và giấy khen của Hội phụ nữ các cấp.
Năm nay, tôi 95 năm tuổi đời, tôi vinh dự được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Nhờ những nỗ lực của bản thân, sự trợ giúp của gia đình, đặc biệt là người chồng cũng là bộ đội Cụ Hồ, và 5 người con, tôi đã được những năm tháng cống hiến hết mình, từ trong Cách mạng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đến hoà bình xây dựng quê hương giàu đẹp.
Bao năm nay, con cháu chắt tôi cũng tiếp bước truyền thống gia đình, tham gia công tác, phục vụ ở các ngành quân đội, công an, địa phương và xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn bà!