Góp ý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):
Giao thông công cộng (TOD) giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị
(PNTĐ) - Góp ý vào hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, chính giao thông công cộng TOD là lối đi hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.
Mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam
Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết ban hành và hồ sơ dự án luật theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành trung quan tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Thứ nhất, tại Điều 31 về phát triển nhà ở. Theo đại biểu điều này có liên quan đến Chương V, cải tạo xây dựng lại chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 này, sẽ có nhiều chính sách, quy định mới để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải tạo lại các chung cư ở các đô thị, trong đó có Hà Nội.
Vì thế, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo luật nên rà soát, nếu cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay thì mới đưa vào quy định trong dự thảo Luật Thủ đô.
Trường hợp nếu các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô về vấn đề này mà không có nội dung mới so với Luật Nhà ở (sửa đổi) thì không nên quy định lại để tránh sự trùng lặp.
Thứ hai, tại Điều 39 về phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD. Theo phân tích của Bộ Tư pháp, trong Báo cáo 318 bổ sung đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo Luật Thủ đô, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị nén, góp phần giảm tắc đường, tránh cho người dân, doanh nghiệp của thủ đô không bị thiệt hại từ nguyên nhân này khoảng 23.300 tỷ đồng/năm đến 27.900 tỷ đồng/năm.
Chính TOD là lối đi hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.
Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên.
Vì vậy, có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại như: Giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng tài chính, tài nguyên môi trường,... từ thực tiễn TP Hồ Chí Minh đã áp dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội khóa XV.
Cần có thiết chế mới đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD
Đại biểu Tô Ái Vang có 2 kiến nghị đến cơ quan soạn thảo. Cụ thể, một là, nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới được quy định trong Luật Thủ đô, mô hình này có sự khác biệt nào so với những quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu này.
Hai là, với mô hình TOD, cần có thiết chế mới nào để có sự chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ hơn nữa cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD này.
Ba là, tại Điều 46 về vùng Thủ đô. Tại Điều 46 có 3 khoản và nên gộp lại thành 1 khoản đưa về Điều 3 - Giải thích từ ngữ để làm rõ hơn thế nào là vùng Thủ đô.
Thứ tư, tại khoản 3 Điều 46 trong dự thảo Luật Thủ đô quy định: "Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước". Nội dung này được thực hiện theo mục tiêu hướng đến trong Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước.
Riêng về lĩnh vực kinh tế ngân sách năm 2023, trong số 63 tỉnh thành, dự kiến mới chỉ có 18 địa phương thu đủ bù chi và nộp ngân sách về Trung ương theo Nghị quyết số 70 của Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Tô Ái Vang cho biết, hiện nay đã có khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội. Đặc biệt, có khoảng 30 quốc gia là đối tác quan trọng thuộc Liên minh châu Âu, có tiềm lực rất lớn về tài chính, công nghệ.
Ngoài ra, Hà Nội hướng tới hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp cũng như thiết lập quan hệ với các nước Bắc Âu.
“Đây sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Bắc Âu và doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu tìm hiểu môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh ở Hà Nội nói riêng và kết nối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay”-đại biểu chia sẻ.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2023, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vì thế, đại biểu kiến nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm 1 chương để làm rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đặc biệt là cả nước trong thời gian tới.
“Tôi rất ủng hộ sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô Hà Nội, ưu tiên trước hết cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội và vùng Thủ đô Hà Nội, sau đó cần thể hiện rõ vai trò là trung tâm động lực tăng trưởng phát triển để Thủ đô Hà Nội có sự liên kết và sẻ chia với các vùng, các địa phương khác theo tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”-đại biểu Tô Ái Vang khẳng định.
Một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hoặc khác với pháp luật hiện hành
Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hình rõ chính sách phát triển đô thị và nhà ở tại Thủ đô, trong đó tập trung sửa đổi các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.
ThS. Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng là mô hình khá thành công ở Hồng Kông, Singapore và các tỉnh phía Đông của Trung Quốc. Kinh nghiệm của các dự án phát triển đô thị đường sắt công cộng gắn với phát triển bất động sản của Hồng Kông đã tạo ra đô thị mới ở phía Nam của Hồng Kông là Disney Land và Ocean Park của Hồng Kông, làm gia tăng giá trị thặng dư của bất động sản ở khu vực này và đây là một bài học kinh nghiệm rất quý để xây dựng đường sắt đô thị cho Thủ đô Hà Nội trong thu hút nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, phát triển giao thông, đô thị.
Ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hoặc khác với pháp luật hiện hành để tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển hoặc khai thác tốt các thế mạnh của Thủ đô, như Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu: “Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế…”. Cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù thì dự thảo Luật cũng đã đẩy mạnh việc phân quyền cho chính quyền thành phố từ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ (hiện có 18 nội dung phân quyền từ thẩm quyền của cơ quan trung ương cho chính quyền TP Hà Nội); phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền của TP Hà Nội.