Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển
(PNTĐ) - Nhiều vấn đề thời sự được các chuyên gia đặt ra như, làm thế nào để có đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô; phát triển giao thông công cộng; tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội trong phát triển nông nghiệp...
Đặc biệt quan tâm đến vai trò của đường sắt đô thị (ĐSĐT) đối với giao thông vận tải nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội thông tin, việc phân cấp để Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư với các dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) là một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.
Theo tính toán của Bộ Tư pháp, phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để phát triển đô thị nén, góp phần giảm giao thông cơ giới, tắc đường, ô nhiễm môi trường… Chỉ riêng việc giảm tắc đường đã tránh cho Hà Nội không bị thiệt hại từ 23.300 - 27.900 tỷ đồng, tương đương từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm.
Đơn cử như tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ngay khi được đưa vào khai thác đã thể hiện được tính ưu việt vốn có của một phương thức vận tải nhanh, khối lớn, hiện đại, góp phần giảm mật độ và sức ép giao thông trên dọc hành lang tuyến. Bên cạnh đó, ĐSĐT cũng là giải pháp dài lâu cho các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường...
Ông Lê Trung Hiếu đánh giá, hầu hết các yêu cầu để có thể triển khai hoạt động phát triển định hướng giao thông công cộng đã được đề cập đầy đủ và hoàn chỉnh trong dự thảo luật với sự phân cấp cụ thể, đặc biệt là cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Thủ đô có tính bền vững cao.
Cũng trong chương trình, các khách mời, chuyên gia đã đề cập các giải pháp phát triển không gian ngầm, không gian xanh; các trục không gian sông Hồng, sông Tô Lịch, không gian văn hóa hồ Tây… cùng nhiều nội dung cụ thể khác để phát triển thành phố xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Thời gian qua, nông nghiệp giữ vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế Thủ đô, nhưng thực tế sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ ban hành chính sách, cơ chế riêng cho ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để nông nghiệp Hà Nội phát triển theo hướng đô thị sinh thái.
Để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội trong phát triển nông nghiệp, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề ra nhiều nhóm giải pháp nổi trội, đặc thù, trong đó có chính sách xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, Hà Nội cần xây dựng nông nghiệp theo hướng sinh thái, nhưng nông nghiệp sinh thái phải mang bản sắc riêng, vì là Thủ đô nên không giống các địa phương sản xuất nông nghiệp.
Do đó, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) ban hành về phát triển nông nghiệp sẽ mở ra “cánh cửa” mới cho nền nông nghiệp Thủ đô phát huy tiềm năng, lợi thế về nhân lực, khoa học công nghệ, vốn đầu tư, tạo bước đột phá, hướng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn...
Đặc biệt, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra loạt giải pháp nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, dự thảo Luật đề xuất giao Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm.
Hà Nội cũng được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.
Hà Nội cũng sẽ được quyền quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất nông nghiệp; cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung.
Nếu như Luật thông qua sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này; nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển, mang bản sắc riêng theo hướng liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm; tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội xây dựng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.
Hơn nữa, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội sẽ thay đổi rõ nét và sớm trở thành hình mẫu lý tưởng về phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo môi trường sống lý tưởng...