Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền TP Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Cùng đó, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.

Về áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi), theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo luật và cho rằng để thực hiện có hiệu quả quy định này, đề nghị xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với chính quyền TP Hà Nội khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; vai trò của chính quyền TP Hà Nội và cơ chế xử lý trong trường hợp giữa bộ, ngành và chính quyền thành phố có ý kiến khác nhau về nội dung của chính sách.

Các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền - ảnh 1
Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Ảnh: Chinhphu.vn 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô. Đó là: xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch; giao HĐND thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể...

Bên cạnh khu vực “làng nghề”, dự thảo Luật quy định tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của “làng có nghề” để tạo nền tảng thúc đẩy thiết kế sáng tạo, qua đó góp phần xây dựng thành phố sáng tạo. Ngoài ra, để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, dự thảo Luật cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Dự thảo Luật cũng cho phép thành phố Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư; cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để phát triển khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa. "Quy định này sẽ giúp việc phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch tại các khu phố cổ, khu phố cũ, kinh tế đêm hay khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại Thủ đô Hà Nội. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có các khu phố cũ, phố cổ đã hình thành các khu vực cải tiến thương mại để thu hút du lịch, phát triển các hoạt động thương mại, đem lại nguồn thu cho người dân địa phương và Nhà nước như: Canada, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Singapore, Đức...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Xuân La (23/11/1964 – 23/11/2024), ngày 23/11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”. Đây là phường đầu tiên của quận Tây Hồ về đích “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”.