Gợi mở, đề xuất ý tưởng trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô
(PNTĐ) - Phân tích những nét đặc sắc, đặc trưng của Hà Nội, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu triết lý phát triển Thủ đô với 5 mệnh đề, 20 chữ: “Phát sáng nhân tài - Khai phóng trí tuệ - Lan toả nhân văn - Hoà điệu tự nhiên - Tiến cùng thời đại”. Triết lý này cần được thể hiện, quán triệt trong toàn bộ quá trình lập và triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô.
Sáng 21/11, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tham dự hội thảo về Trung ương có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô
Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô; của việc cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và của Thành phố về công tác lập Quy hoạch Thủ đô; sự tham gia thực hiện công tác lập Quy hoạch Thủ đô của cả hệ thống chính trị Thành phố.
Đồng thời, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các định hướng quan trọng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo cũng góp phần tuyên truyền tạo sự thống nhất giúp các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn Thủ đô hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác lập Quy hoạch Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố; huy động sự tham gia góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu vào công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội thảo, TS Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: Dự thảo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được gửi xin ý kiến gồm 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hoá.
Các nội dung phương án quy hoạch Thủ đô tập trung xoay quanh 5 trụ cột phát triển: (1) Văn hoá, con người và di sản nghìn năm văn hiến; (2) Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; (3) Hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; (4) Xã hội số, đô thị thông minh; (5) Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Hội thảo hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn và lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học, các quý vị đại biểu khách quý tiếp tục tham luận, thảo luận đóng góp thêm ý kiến để góp phần nâng cao chất lượng Quy hoạch Thủ đô.
Ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng quy hoạch Thủ đô
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe nhiều ý kiến sâu sắc tấm huyết. Quán triệt chủ trương của Đảng; ngẫm kỹ và tiếp thu những triết lý, khung khổ của tiền nhân; với tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, có sự chung tay của cả nước.
PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản có vài ý tưởng về tầm nhìn và khát vọng quy hoạch Thủ đô:
Về địa - thế: Tuân thủ nhận thức/quan điểm/triết lý xưa: Lưng tựa Ba Vì, mặt hướng sông Hồng. Địa giới Hà Nội đã vượt sông Hồng từ trên một thế kỷ trước (1903) và một thế kỷ sau đó đã có đơn vị hành chính đô thị là quận (2004), nay có thêm một số quận, nhưng về “thế” vẫn cần xác định mặt hướng sông và là sông Hồng. Điều này sẽ liên quan đến quy định về chức năng, vai trò, xu hướng phát triển của khu vực tả ngạn sông Hồng.
Song, việc lấy sông Hồng làm mặt tiền, thế hướng sông Hồng, không cản tầm nhìn của chúng ta đối với việc quy hoạch Thủ Đô và xác định hướng phát triển của Vùng Thủ đô vươn tới biển. Với cự ly chưa đầy 100 km đường chim bay, Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã ở khu vực Bắc Hưng Yên, thành phố Hải Dương, Thành phố Hải Phòng,… cho phép chúng ta nghĩ đến chuyện đó trong tương lai gần. Và trong xu thế chung của thế giới khi biển ngày càng có ý nghĩa quan trọng, thế tựa núi, hướng biển của Thủ đô sẽ nâng thế và lực của quốc gia lên tầm cao mới.
Về trục phát triển: Quy hoạch Hà Nội sẽ có nhiều trục phát triển, nhưng cần nhấn mạnh hơn với một tinh thần nhất quán về trục phát triển sông Hồng: về tâm linh, về môi trường, về giao thông, về cây xanh, về mật độ xây dựng và kiến trúc, về văn hoá...
Trong số các trục phát triển của Hà Nội thì trục sông Hồng có tính kết nối cao, rộng nhất, trên nhiều phương diện. Từ trục phát triển sông Hồng, quy hoạch chi tiết của các quận huyện sẽ lưu ý thêm tới những chi lưu của sông Hồng (sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống ở tả ngạn; sông Đáy (sông Hát), sông Nhuệ, sông Tô Lịch ở hữu ngạn).
Về tương quan giữa các thành tố phát triển. Dù trong những nghị quyết gần đây, yếu tố kinh tế ngày càng được nhấn mạnh, dần đưa lên hàng đầu (trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế - Nghị quyết 15), thì trong quy hoạch Thủ đô vẫn cần quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hoá.
Quy hoạch Hà Nội theo hướng là Thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Hà Nội là thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hoá phát triển, thành phố thông minh; là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; thành phố của các sự kiện văn hoá mang tầm quốc tế thường niên; thành phố hiện đại nhưng thanh bình với con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Về hành chính, cơ chế đặc thù: Nên tham khảo cách tiếp cận theo kiểu tứ trấn xưa. Lúc đó kinh thành thể hiện rất rõ vị trí trung tâm, được đặt ngang với trấn (chứ không phải là tỉnh). Nếu vậy cần tiếp cận theo Vùng Thủ đô chứ không phải là một cấp hành chính như/tương đương tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải quán triệt sâu sắc và thống nhất thực hiện triết lý phát triển Thủ đô.
“Nói một cách giản dị đó là những tư tưởng chủ đạo, những quan điểm có ý nghĩa định hướng, dẫn dắt cộng đồng và con người thực hiện thành công mục tiêu phát triểnThủ đô”, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu.
Triết lý phát triển Thủ đô được hình thành trên cơ sở đánh giá, phân tích đặc điểm địa chính trị, kinh tế của Hà Nội; xuất phát từ việc xác định mục tiêu phát triển và được xác định từ việc đánh giá bản sắc và những lợi thế vượt trội của Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một trong những cơ sở quan trọng để xác định triết lý phát triển của Hà Nội.