Những hiểm họa khó lường

Chia sẻ

Đối với trẻ em, game online luôn tiềm ẩn những hiểm họa khó lường nên các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý, đề phòng để tránh những hậu quả không ai mong muốn xảy ra...

 
GAME ONLINE VÀ SỰ GIA TĂNG CÁC TRÒ CHƠI NGUY HIỂM
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 55 trò game online, trong đó có đến 43 trò game bạo lực, 3 trò game cờ bạc; còn lại là các game khác được cấp phép.
Game được chia làm hai loại. Một là, game flash (còn gọi là game offline – hình thức chủ yếu là một người hoặc một vài người chơi, tương tác chủ yếu với máy tính). Game flash ở cấp độ thấp và thu hút số lượng người chơi không nhiều như 5 anh em siêu nhân, Anh hùng trái đất, Ben 10 cậu bé anh hùng, Ben 10 đua xe… Hai là, game online (Mass Multiplayer Online Game – game trực tuyến nhiều người chơi – tương tác trên môi trường mạng Internet với số lượng rất lớn người tham gia).
 
Những hiểm họa khó lường - ảnh 1Những hiểm họa khó lường - ảnh 2
Từ  những trò chơi giải trí, game online có thể trở thành
hiểm họa khó lường với trẻ em
 
 
Từ đầu năm 2008, sau thời gian nhường chỗ cho các trò như Boom, Audition, Võ lâm truyền kỳ, game online với các màn bắn súng bạo lực đã trở lại mạnh mẽ: VinaGame tung ra game “Biệt đội thần tốc”, FPT Online tung ra game “Đặc nhiệm anh hùng”, VTC Game thì tung ra “Đột kích”,.... Những trò game này có nguy cơ gây nhiều tác hại cho người chơi như yếu tố bạo lực và gây nghiện... Năm 2010, ông Lê Mạnh Hà – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM, nay là Phó Chủ tịch UBND TP ký quyết định quyết định buộc nhà cung cấp VTC ngưng hoạt động game “Đột kích”. Theo ông Lê Mạnh Hà: “Đột kích” là trò chơi có tính bạo lực cao nhất trong thời điểm hiện tại, cần loại bỏ sớm. Sau khi đi vào nề nếp thì những trò tương tự cứ thế mà áp dụng xử lý… Mục tiêu quan trọng nhất là buộc phải ngưng hoạt động toàn bộ các sản phẩm độc hại”.
Điều rất cần chú ý là các game thủ chơi trò này không chỉ là thanh niên, sinh viên, mà hiện nay một số lượng lớn học sinh cấp 1, cấp 2 cũng đã tham gia. Đáng nói thêm nữa là không chỉ phổ biến ở thành phố mà game bạo lực đã len lỏi về tận vùng nông thôn.
Khảo sát thí điểm tại các huyện ngoại thành của Hà Nội như Mê Linh, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, chúng tôi đều gặp các game thủ nhí, phổ biến là các cháu đang học cấp 2 nhưng cũng không ít các cháu học sinh còn chưa đến tuổi quàng khăn đỏ. Khi được hỏi, nhiều cháu cho biết, ban đầu là chơi game trong máy tính, hoặc điện thoại di động, với những trò đơn giản như xếp hình, đua xe ô tô, pikachu, bắn trứng,… lớn thêm một vài năm các cháu chuyển sang các trò chơi từ game flash đến game online. Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các mạng viễn thông di động với các chức năng kết nối “mọi lúc, mọi nơi”, chỉ với chiếc điện thoại di động các cháu đều có thể truy cập mạng Internet để chơi game bất cứ lúc nào. Nhưng khoái nhất vẫn là chơi game online trên máy vi tính hoặc laptop.  
NỖI ĐAU KHÔNG LỜI
 
Game online là trò giải trí được rất nhiều bạn trẻ ưa thích, nhưng từ chỗ chơi để giải trí đến nghiện game và trở thành những hung thủ gây tội ác là một khoảng cách cực kỳ mong manh. Theo thời gian, game bạo lực đã và đang ăn mòn đạo đức, đẩy không ít trẻ em và thanh niên trẻ vào con đường phạm trọng tội ngoài xã hội.
Tiếp xúc thường xuyên với những hình ảnh bạo lực trong game, dần dần người chơi cảm thấy sảng khoái và thích thú… Đến một mức độ nhất định, game biến con người vào cuộc sống như trong game. Khi cuộc sống ảo và cuộc sống thực lẫn lộn, các game thủ sẽ bị ám ảnh trong tâm thức về những hành vi đó. Sẽ không phải quá lời khi không ít người còn cho rằng, game bạo lực là khởi nguồn tội ác. Qua hồ sơ các vụ án gần đây như vụ “Xác chết không đầu ở khu chung cư G4” do hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa là một người nghiện game. Vụ giết người man rợ, cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang do “sát thủ” Lê Văn Luyện thực hiện là để lấy tiền chơi game Kiếm thế.
 
Mới chỉ chạm tới một phần của tảng băng chìm
Ông Phạm Quốc Bản – Giám đốc Sở TTTT HN đã từng khẳng định, trong tổng số gần  3.400 đại lý Internet qua các lần kết quả kiểm tra mới đây cho thấy nhiều đại lý hoạt động quá giờ (sau 23h), thậm chí là suốt ngày đêm. Mặc dù Sở TTTT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đường truyền cắt dịch vụ lúc 23 giờ nhưng các đại lý lại “lách” bằng cách sử dụng thuê bao cá nhân.
Thực tế việc quản lý game online tại HN cũng đang là thách thức với cơ quan chức năng. Hình thức quản lý theo 3 quản (quản lý giờ chơi, người chơi và nội dung chơi) 1 nâng (nâng cao chất lượng game online trong nước với nội dung lành mạnh liên quan đến giáo dục truyền thống, lịch sử) mà Bộ TTTT đưa ra từ mấy năm qua chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân theo ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử là, chúng ta chưa áp dụng việc quản lý bằng chứng minh nhân dân điện tử đối với người dân nên việc khai báo thông tin cá nhân của người sử dụng Internet dễ qua mặt cơ quan chức năng.  Từ cuối năm 2011, Bộ TTTT đã xây dựng dự thảo quản lý game online trong đó đề cập đến khá nhiều vấn đề đang gây tranh cãi và bức xúc hiện nay như hạn chế giờ chơi mỗi ngày của khách hàng từ 5h/ngày theo Thông tư 60 năm 2006 xuống không quá 3h; quản lý vật phẩm ảo và điểm thưởng để không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền hoặc tài sản có giá trị giao dịch thực dưới bất kỳ hình thức nào… Biện pháp này được xem là khá mạnh và quyết liệt nhưng đáng nói, hiện nay những quy định trên vẫn dừng ở… dự thảo. Bên cạnh hàng loạt các giải pháp kiểm soát trẻ tiếp cận với game online từ phía gia đình, nhà trường và xã hội thì hành lang pháp lý với quy định chặt chẽ là điều kiện đủ để đưa game online phát huy được những cái lợi hơn là để quá nhiều bất cập lấn át như hiện nay.  
Vũ Nga

Nhắc tới những vụ án mà hung thủ còn quá ngây thơ như dưới đây sẽ khiến chúng ta phải giật mình cảnh giác: Vụ bắt cóc tống tiền dẫn đến việc sát hại dã man cháu bé Tuấn Anh 4 tuổi, mà thủ phạm của vụ án là anh họ Nguyễn Đình Cử 14 tuổi nghiện game nặng; vụ cô học trò Nguyễn Bích Huyền 14 tuổi ở Đồng Nai do không có tiền chơi game đã giết cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh mới lên 3 tuổi để lấy đôi bông tai. Một vụ án đau lòng khác đã xảy ra ở Quỳ Châu, Nghệ An hung thủ là Nguyễn Khánh Cường, bực tức vì không có tiền chơi game đã giết chết em ruột của mình là Nguyễn Khánh Thoại (SN 2002) và dùng dao chém nhiều nhát vào mẹ đẻ của mình là bà Nguyễn Thị Vân khiến bà bị trọng thương và hôn mê tại chỗ. Vụ Tống Văn Cường (SN 1991), ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định bóp cổ bà để lấy 44.000 đồng đi chơi game. Vụ Nghiêm Viết Thành, học sinh lớp 12, TP Hải Dương giết cha chỉ vì bị cấm và không cho tiền chơi điện tử; Vụ Lê Quý Thông (SN 1994), thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đánh chết bà nội để lấy 200.000 đồng đi chơi game...
Mới đây nhất, ngày 7-2-2012, Dương Phương Thuấn, trú tại thôn Thiên Phúc, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, học sinh lớp 8, do nghiện game online đã ra tay sát hại cháu Nguyễn Đình Đào, sinh năm 2000, là học sinh lớp 6A Trường THCS Trung Chính để cướp xe đạp.
Mạng Intrernet hiện nay là quá phổ biến, các cháu tuổi từ mẫu giáo đều có thể dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận. Nhưng chỉ cần vài thao tác bấm máy, click chuột, rất nhiều website mang nội dung kích động bạo lực, rùng rợn, ma quái và thậm chí cả website khiêu dâm sẽ đến với các cháu. Ở độ tuổi mẫu giáo, tuổi thiếu nhi, các cháu rất dễ bị đầu độc.
Phụ huynh Nguyễn Anh Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội), trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô: “Theo tôi, vấn đề nào cũng có hai mặt, game bạo lực là có hại, đồng thời vẫn có những trò game kích thích khả năng quan sát và trí thông minh của trẻ nhỏ. Vấn đề là cha mẹ không nên lơ là, mất cảnh giác. Chính việc cha mẹ cho phép các cháu tự do chơi game mà không quản lý hay hướng dẫn đã khiến các cháu hành động một cách bột phát theo bản năng để gây ra những hậu quả đáng tiếc mà báo chí đã nêu nhiều trong thời gian qua”.

 
 
Kiều Khải

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.