Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3 - ảnh 1
Với những người phụ nữ bán hoa rong ở Hà Nội, ngày 8/3 chỉ mong sao bán được nhiều hàng, kiếm thu nhập cho gia đình. 

Mỗi phụ nữ là một bông hoa đẹp

Hầu hết người bán hàng đều là dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận Hà Nội. Có lẽ do việc ruộng đồng không đủ trang trải cuộc sống, họ rủ nhau ra Hà Nội kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Chị Lê Thị Hà (45 tuổi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hàng ngày không kể mưa hay nắng, trên chiếc xe đạp cà tàng oằn mình bởi những loại hoa chị rong ruổi khắp các ngõ ngách Thủ đô. Cứ thế, chị sáng đi tối về, buổi trưa ăn vội ổ bánh, uống ngụm nước, rồi lại tất tả giữa cái lạnh đầu xuân. Trước câu hỏi: "8/3 có ai tặng hoa cho các cô không? - chị Hà vui vẻ chỉ vào chiếc xe cũ kỹ, nói: “Đây! Tất cả chỗ này...".

Trả lời xong, chị Hà cười tươi xua tan đi sự mệt nhọc vốn hiện hữu trên khuôn mặt của người lam lũ. Chị chia sẻ: "Ngày 8/3 là ngày của giới trẻ hay của những gia đình có điều kiện, chứ đối với những chị em làm nghề như chúng tôi có bao giờ dám nghĩ đến đâu. Thấy họ được tặng hoa, được đi chơi, tôi cũng thấy thích, nhưng biết làm sao được, âu cũng là cái số của từng người".

Đứng giữa phố Xuân Diệu với gánh hoa đủ loại: Hoa hồng, hoa ly, hoa hướng dương... chị Nguyễn Thị Ngát (42 tuổi, quê ở Hưng Yên), người từng có 5 năm bán hoa rong ở Hà Nội chia sẻ: "8/3 là ngày chúng tôi mong ngóng lắm nhưng không phải mong được tặng hoa mà là mong bán hết hoa thật nhanh để được về sớm với gia đình. Vì lỡ không bán hết thì số hoa ế vẫn là của tôi cả mà, cần gì chồng con phải tặng (cười)".

Trung bình mỗi ngày chị Ngát kiếm được khoảng 300.000 đồng tiền lãi từ việc bán hoa rong. Số tiền đó được chia ra thành từng khoản rõ ràng: 60.000 đóng tiền trọ, 36.000 tiền ăn, còn lại giành dụm nuôi con học đại học. Để có được nhiều hoa bán trong ngày 8/3, chị Ngát phải đặt hàng với các đầu mối trước một tuần, đến ngày thay vì 4 giờ sáng như bình thường thì chị phải thức dậy sớm hơn 2 - 3 tiếng đồng hồ để lấy hàng nếu như không muốn chịu cảnh chen chúc.

 Chị tâm sự: “Ngày 8/3, người ta được ở nhà với chồng, với con còn chúng tôi thì phải bươn trải ngoài đường bán hoa đến tối mịt mới về. Nếu con không đi học đại học thì có lẽ ở quê làm ruộng cũng đủ sống đấy. Nhưng con cái đi học, trăm khoản phải dùng đến tiền nên đành tha hương lên thành phố mưu sinh thôi". 

Quảy đôi quang gánh với những cành hoa trong thúng, chị Phan Thị Mến (quê Thái Bình), đang ở trọ tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngày nào cũng vậy, chị tỉnh giấc từ 3 giờ sáng để chuẩn bị những chiếc bánh giò thơm ngon mang đi bán. Để bán được hết hàng, chị phải đi bộ qua nhiều tuyến phố, hôm nào may mắn thì bán được hết sớm còn không cũng đến tối muộn mới về. “Chồng tôi ốm đau quanh năm không thể đi làm được, tôi là phụ nữ nhưng phải đứng lên gánh vác những công việc nặng nhọc, phải xa nhà kiếm tiền trang trải cho con cái ăn học, sinh hoạt hàng ngày, thuốc men cho chồng” - chị Mến chia sẻ.

Mỗi người phụ nữ Việt Nam là một bông hoa đẹp, lan toả tình yêu thương, nhân ái, sự ấm áp và khát vọng cống hiến cho gia đình và xã hội. Mỗi năm cứ đến ngày 8/3, các đấng "mày râu" lại có dịp bày tỏ tấm lòng bằng những lời chúc, món quà đầy ý nghĩa gửi tới mẹ, vợ, người yêu hay bạn bè. Điều đó thể hiện sự tôn vinh vẻ đẹp và sự hy sinh của người phụ nữ mà cả thế giới dành cho họ. Vì thế mà những ngày này, khắp các con phố ở Hà Nội nơi nào cũng ngập tràn gánh hoa tươi, đem hương sắc thiên nhiên đến với đất trời trao tặng đến người phụ nữ trong ngày tôn vinh “phái đẹp”.
Thế nhưng đối với những người phụ nữ bán hoa rong ở Hà Nội vì cuộc sống mưu sinh nên “không hoa, không quà” ngày 8/3. Họ vẫn miệt mài cùng xe đạp và thúng hoa chở mùa qua phố. Những người mẹ, người chị đó sở hữu cả một xe hoa với đủ loại, đủ màu sắc nhưng lại chẳng có bông hoa nào trong số đó thuộc về mình. Với họ, niềm vui là một ngày làm việc tất bật với thu nhập tăng thêm và tình yêu, hy vọng của những khách hàng tìm đến với mong muốn đem tới hạnh phúc cho “nửa kia” của mình. 
Niềm vui giản đơn trong ngày dành cho phụ nữ
Nói về điều ước của mình trong ngày 8/3, chị Mến cũng như bao người phụ nữ khác, có hoa có quà trong những ngày này là một niềm vui, hạnh phúc tô điểm thêm cho cuộc sống nhưng để lựa chọn thì chị vẫn mong cuộc sống gia đình đủ đầy, sung túc hơn. Chị Mến 6 năm rồi gắn liền với những gánh hoa trên phố, cũng gần như cả cuộc đời không biết đến hoa ngày mùng 8/3 là gì. Chị kể, chồng cũng theo chị nhập hoa về bán rong nhưng mỗi người một ngả, có khi gặp nhau giữa đường cười cái rồi lại thôi. Thành thử, mùng 8/3 chồng bận "tặng" hoa cho người khác, mà chị cũng mải "trung gian" đưa hoa đến tay những người phụ nữ ngoài kia. Thế nên là, chị cười rồi bảo niềm vui của ngày Quốc tế phụ nữ đó là nhìn những cánh hoa của mình được trân quý trong vòng tay của những cô gái may mắn khác. 

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3 - ảnh 2
Lê Thị Hà (42 tuổi, quê ở Hưng Yên) tất bật chuẩn bị hoa cho một ngày lễ, đem tình yêu, sự quan tâm, niềm hạnh phúc tới nhiều gia đình. 

“Những ngày lễ sẽ lấy nhiều hoa hơn ngày thường, nếu như không bán hết thì cũng coi như tự bỏ tiền ra mua hoa tặng mình mang về nhà cắm. Phòng trọ rộng khoảng 15m2, ở 3 người đều đi bán hoa. Nếu mà cả 3 người đều không bán hết hàng thì cuối ngày phòng lại ngập tràn hoa tặng mình…” - chị Mến cười.

Cũng như chị Mến, chị Nguyễn Thị Dương (47 tuổi, quê Bắc Giang) có hoàn cảnh khó khăn nên về Hà Nội thuê trọ rồi ngày ngày đi bán hoa. Có những sáng lạnh buốt thịt da phải đi cắt hoa, gai đâm vào tay đau muốn khóc nhưng thấy những hạt sương rơi từ cánh hoa đẹp khiến tôi yêu hoa từ đó. Những ngày này chị Dương bán được nhiều hoa hơn và giá cũng cao hơn một chút. Là phụ nữ, dù không được tặng hoa nhưng mình bán hoa cho người khác, thấy mọi người tấp nập cười nói chọn hoa nên cũng vui hơn vì cảm giác như đem niềm vui cho mọi người. 

Chị Dương bày tỏ: “Thật vui khi mọi người đến mua hoa, không chỉ vì nhiều người chọn mua hoa của tôi mà điều này chứng tỏ họ thực sự quan tâm đến những người phụ nữ của mình”.

Nói về kỷ niệm trong ngày 8/3, chị Dương nhớ lại thời điểm năm 2022, khi đứa con trai 12 tuổi đi học về cầm theo bông hoa hồng trên tay nói “con tặng mẹ”. Hỏi ra mới biết, con chị Dương lấy chút tiền tiết kiệm ít ỏi của mình ra để mua quà tặng mẹ. “Những người như chúng tôi sinh ra ở làng quê có khi đến ngày sinh của mình còn chẳng nhớ chứ chưa nói đến mong được tặng quà trong ngày Quốc tế Phụ nữ. Bản thân tôi hôm ấy chỉ nghĩ đơn giản như bao ngày khác, bán được nhiều hàng lại xong sớm nên tranh thủ về chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho chồng con chứ không nghĩ mình sẽ nhận được quà. Khi con trai cầm bông hoa trên tay về nhà, ban đầu cứ nghĩ con mình đang độ tuổi lớn chắc mua hoa tặng cho người bạn gái nào đó nhưng khi cháu nói “con tặng mẹ” mà sống mũi cay cay, nhận ra con mình đã lớn và biết quan tâm tới những người thân của mình”- chị Dương xúc động kể lại.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Khắc khoải nỗi nhớ Tết

Khắc khoải nỗi nhớ Tết

(PNTĐ) - Chấp nhận xa gia đình, quê hương tìm đến vùng đất mới với hy vọng về một tương lai tương sáng, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn khắc khoải trong mình nỗi nhớ da diết, đếm từng ngày chờ thời khắc hồi hương. Niềm mong mỏi ấy càng bồi hồi, mãnh liệt hơn khi không khí Tết cổ truyền đang rộn ràng “gõ cửa” nơi quê nhà.