Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô - ảnh 1
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm hộ gia đình chăn nuôi bò sữa ở xã Minh Châu, huyện Ba Vì trong năm 2023.

Khó khăn thử thách lòng người

Xã Minh Châu cách trung tâm TP Hà Nội chừng 50km, với 7.000 nhân khẩu sống trên diện tích tự nhiên 563,33ha, trong đó đất canh tác là 284,09ha. Con đường chính vào xã Minh Châu phải đi qua đập tràn Thủ Độ, huyện Ba Vì đoạn sông Hồng này được người dân gọi là kênh Đường. Một con đường khác đến với xã đảo này là qua phà Minh Châu, một ngày chỉ có vài chuyến, nếu không nhanh thì phải chờ cả tiếng đồng hồ. Trước đây vào mùa lũ từ tháng 5-9, xã Minh Châu bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề sông nước, vào được tới nhà phải di chuyển bằng thuyền. Ngày nay, khi các đập thuỷ điện được xây dựng, nước sông cạn hơn, phần lớn thời gian trong năm có thể đi qua đập tràn bằng đường bộ.

Trước đây, người dân xã Minh Châu từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô, họ phải xa nhà đi đào vàng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc với hy vọng đổi đời. Cơn sốt ấy diễn ra 20 năm về trước. Nào ngờ, có tiền sinh tật. Số tiền họ kiếm được đều đã “đốt” cả vào lô đề, cờ bạc và nàng tiên nâu. Vậy là, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai người phụ nữ. Họ quay trở về với cuộc sống cũ, hàng ngày ì ạch quanh gánh, từ sáng tinh mơ ra sức kéo xe thồ chất đầy nông sản cho kịp chuyển đò đưa tới phiên chợ sớm nơi thành thị. Cuộc sống chẳng thay đổi là bao.

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô - ảnh 2
Một góc xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì nhìn từ trên cao.

Nhớ lại thời gian ấy, chị Nguyễn Thị Huyền (48 tuổi, người dân xã Minh Châu) cho biết: “Ngày ấy, chúng tôi tranh thủ thời gian trong khi đợi đò đêm để chợp mắt. Buổi ngày ra đồng, đêm lại thồ hàng đi bán, vất vả lắm. Đàn ông nếu không đi đào vàng thì chỉ ăn rồi ngủ và tụ tập nhau uống rượu, bia. Đêm nào may mắn lắm thì nhờ được họ buộc cho mấy thùng hàng lên xe. Bất hạnh nhất là những người phụ nữ có chồng bị nghiện. Họ chắt chiu, dành dụm từng đồng bạc lẻ từ những phiên chợ đêm, để rồi lại bị những ông chồng “đốt” sạch vào ma túy. Không chỉ nghiện hút, hiểm họa HIV-AIDS còn luôn rình rập…”.

Cuộc sống của bao gia đình người dân xã Minh Châu quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đầy khó khăn ấy ngày nay bước sang trang mới khi người dân tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng đất phù sa màu mỡ để phát triển nông nghiệp giá trị cao. Nhiều năm trở lại đây, xã Minh Châu phát triển chăn nuôi bò sữa, số lượng bò gần 5.000 con, chiếm một nửa là bò sữa cho sản lượng hơn 20 tấn sữa/ngày. Bên cạnh đó, người dân kết hợp trồng cỏ voi tạo nguồn thức ăn cho bò sữa ngay trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 382,9 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2021. Trong đó, tổng diện tích đất gieo trồng là 269,03ha, thu nhập trong trồng trọt ước đạt 62,2 tỷ đồng. Tổng mức thu nhập bình quân đầu người xã Minh Châu hiện đạt 58 triệu/năm.

 Anh Nguyễn Danh Tuấn (ở khu 7, thôn Chu Châu) cho biết, hiện chăn nuôi 30 con bò sữa cho thu nhập khá hơn nhiều so với trước đây. Ngày làm việc bắt đầu từ 7h bằng việc đi cắt cỏ. Đến 16h vắt sữa rồi đi bán.
Sau nhiều năm mong mỏi, trước Tết Giáp Thìn 2024, người dân xã Minh Châu đã được đón nguồn nước sạch nhờ sự quan tâm của lãnh đạo huyện Ba Vì và UBND TP Hà Nội. Chủ tịch UBND xã Minh Châu, ông Nguyễn Danh Đạt cho hay, năm 2019 xã được công nhận về đích nông thôn mới với nhiều sự thay đổi, khi “điện - đường - trường - trạm” được Nhà nước đầu tư đồng bộ. Năm 2000 xã có điện lưới, đường giao thông đến trụ sở xã và liên thôn đã được bê tông hóa và thắp sáng đến 7 đơn vị khu dân cư.

Ước mơ của cán bộ và nhân dân địa phương luôn mong muốn có được nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân thay thế nguồn nước giếng khoan đang dùng tại địa phương nhằm giảm thiểu ô nhiễm của nguồn nước (như Báo Phụ nữ Thủ đô đã từng phản ánh). Đến đầu năm 2022, xúc tiến thi công các đường nhánh, trục chính cấp nước trên địa bàn xã. Trong quá trình thi công gặp phải khó khăn chưa biết lấy nguồn cấp nước nước sạch từ đâu vì đặc thù địa hình địa phương ở bãi giữa sông Hồng rất khó khăn. Đầu năm 2024, địa phương mới có quyết định việc thi công tuyến nước sạch D160 qua sông Hồng phục vụ cấp nước sạch cho nhân dân xã Minh Châu.

Trong thời gian gần một tháng, với 13 mũi khoan ngày đêm, đến ngày 28/1/2024 khoan thành công từ bờ xã Chu Minh sang bờ xã Minh Châu và tổ chức lắp đường ống nước đến 4/2/2024 hoàn thành và đưa nước sạch vượt sông Hồng sang xã đảo Minh Châu. Sau khi đưa đường dẫn nước cho 10 hộ dân đầu tiên sử dụng nước sạch trên địa bàn xã. Trong quý I/2024, đơn vị thi công phấn đấu nắp xong 100% hộ dân xã Minh Châu được dùng nước sạch. 

“Đây là một nỗ lực của các cấp, các ngành mới làm được kỳ tích đưa nước sạch qua sông Hồng trước bao khó khăn, bất cập trong quá trình thi công”- Chủ tịch UBND xã Minh Châu chia sẻ.
Hướng tới vùng đất du lịch sinh thái
Gia đình Nguyễn Văn Hiệp nhờ chăn nuôi bò sữa mà dựng được căn nhà mới khang trang ở xã Minh Châu, đây là minh chứng cho nỗ lực vượt khó của gia đình anh. Nhưng cũng như nhiều hộ dân đang sinh sống ở đây, anh Hiệp bày tỏ mối băn khoăn bấy lâu chưa được tháo gỡ, đó là nhà cửa sát khu vực chăn nuôi dẫn tới ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe… nếu toàn xã quy hoạch được khu vực trang trại chăn nuôi bò ra phần đất nông nghiệp may chăng mới giải quyết được câu chuyện nan giải này.

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô - ảnh 3
Trồng cỏ voi không những tạo thêm thu nhập cho người dân xã Minh Châu mà còn tạo ra nguồn thức ăn cho hàng nghìn con bò sữa đang được nuôi trên địa bàn.

“Nhà tôi là một trong những hộ đầu tiên nuôi bò sữa, tính đến nay đã 13 năm. Giá mỗi con bò không hề ít (khoảng 70-80 triệu đồng) nhưng người dân phải đối diện nhiều nguy cơ, trong đó có dịch bệnh. Chương trình khuyến nông của huyện cho mỗi hộ vay từ 300 - 500 triệu đồng, đó cũng là một thuận lợi lớn. Tuy nhiên, khó khăn do vị trí địa lý và thiên tai gây ra nhiều cách trở. Có năm, mới tháng 4 nước sông đã dâng cao, cô lập toàn xã. Xã chưa có quy hoạch xây dựng trạm thu gom sữa nên mùa mưa lũ, bà con vẫn phải mang sữa qua phà, đò để nhập” - anh Hiệp chia sẻ.

Chính lãnh đạo xã Minh Châu cũng thừa nhận, đúng là địa phương còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Về chăn nuôi, việc quá tải chất thải gây dồn tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe con người và vật nuôi, gây ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh. Do vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chưa thực hiện đưa dự án chăn nuôi bò và tiêu thụ sản phẩm từ bò của địa phương.

Để khắc phục vấn đề này, chính quyền và người dân xã Minh Châu cần thay đổi nhận thức trong định hướng phát triển, bởi đây là xã đảo duy nhất của Thủ đô. Vì vậy, cần có lộ trình, xây dựng quy hoạch xã, dựa vào các căn cứ khoa học và dự báo phát triển của một xã đảo của vùng văn hóa xứ Đoài. Đồng thời chú ý tới quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê kè vùng lũ. 

Theo thông tin từ lãnh đạo xã Minh Châu, do đặc điểm khác biệt của xã đảo, theo định hướng của Thành phố, xã sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái, giảm dần số hộ chăn nuôi, đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện xã xây dựng đề án với cơ chế đặc thù dành riêng cho xã đảo như đầu tư giao thông nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; chính sách giảm học phí, hỗ trợ phí đò qua sông đối với học sinh và khuyến khích giáo viên đến dạy tại xã; xây dựng cầu nối xã Minh Châu với xã An Tường, tỉnh Vĩnh Phúc...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.
Khắc khoải nỗi nhớ Tết

Khắc khoải nỗi nhớ Tết

(PNTĐ) - Chấp nhận xa gia đình, quê hương tìm đến vùng đất mới với hy vọng về một tương lai tương sáng, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn khắc khoải trong mình nỗi nhớ da diết, đếm từng ngày chờ thời khắc hồi hương. Niềm mong mỏi ấy càng bồi hồi, mãnh liệt hơn khi không khí Tết cổ truyền đang rộn ràng “gõ cửa” nơi quê nhà.