“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

Bài và ảnh: Thảo Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc - ảnh 1
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông (BĐBP tỉnh Điện Biên) thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Theo chân đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đến với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên trong những ngày đầu tháng 4/2024, có thể cảm nhận rõ rệt không khí náo nức, rạo rực trước thềm ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Lòng chảo Điện Biên năm xưa giờ đã khoác lên mình diện mạo mới của một thành phố trẻ trung, năng động, đầy sức sống. Góp sức vào công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh, những năm qua, BĐBP tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa tích cực giúp bà con phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống.

“Lá chắn thép” ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa
Đại tá Nguyễn Thanh Dịu - Chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên cho biết: “Là tỉnh biên giới ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn tỉnh hiện có 4 huyện biên giới, 29 xã biên giới. Sau phân giới, cắm mốc đoạn biên giới Việt - Trung và tăng dày, tôn tạo cột mốc tuyến biên giới Việt - Lào (năm 2013), hiện nay, BĐBP tỉnh Điện Biên quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài 455,573km với 160 vị trí/176 mốc quốc giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc”.

Trong lịch sử ra đời, hoạt động và trưởng thành của BĐBP Điện Biên, với những diễn biến chính trị phức tạp, tình hình địa bàn biên giới không ổn định, nhiệm vụ chính trị của đơn vị hết sức nặng nề, phức tạp và khó khăn. Đặc biệt, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma tuý và tội phạm - một trong những vấn đề điểm nóng của địa bàn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, tội phạm ma túy có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức, đường dây phạm tội trong và ngoài nước, tính chất hoạt động, phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động, liều lĩnh. Ứng phó với khó khăn trên, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh luôn chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, không ngại khó, ngại khổ và nguy hiểm, phát huy đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. 

Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, BĐBP tỉnh  Điện Biên đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Hà Nội, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên... để hỗ trợ bà con xây, sửa “mái ấm tình thương”, tặng quà vật phẩm, thuốc men, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo và học sinh các xã biên giới. Đồng thời, BĐBP cũng chỉ đạo các Đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch, phối hợp với Hội LHPN các xã trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em; kế hoạch hóa gia đình; triển khai những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động... Qua đó, khơi dậy tinh thần dân tộc, thi đua yêu nước của hội viên; ý chí tự vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội, củng cố tăng cường vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia cùng BĐBP trong quản lý bảo vệ an ninh biên giới.

Nhớ lại một chuyên án mình từng tham gia thực hiện, Thượng uý Lê Huy Hoàng, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Thanh Luông (BĐBP tỉnh Điện Biên) kể: “Tháng 10/2023, chúng tôi nhận được nguồn tin có đối tượng từ Việt Nam sang Lào lấy ma tuý mang về nước tiêu thụ. Ngay lập tức, đơn vị lên kế hoạch, đi khảo sát các cung đường họ có thể từ Lào về, sau đó chọn địa điểm, đảm bảo yêu cầu đánh bất ngờ. 21h tối ngày 28/10, anh em đội mưa rừng, đi bộ 6 tiếng lên khu vực biên giới để thực hiện chuyên án. Trời tối, mọi người vừa đi vừa mò đường vì địa hình ban đêm rất phức tạp, lại thêm trời mưa, vắt cắn khắp người. Chưa kể, mật phục đối tượng không thể đứng chỗ đẹp hay nằm võng mà phải ngồi hoặc nằm trên lá để nguỵ trang, tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tới gần 7 giờ sáng ngày 29/10 phát hiện 2 đối tượng, anh em mật phục chia làm 3 tổ để vây bắt. Kết quả, đã vây bắt thành công, thu được gần 500gr heroin và ma tuý tổng hợp”. 

Việc vây bắt các đối tượng này phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo an toàn cho cả lực lượng đánh án và đối tượng bị bắt. Bởi trong người họ thường lúc nào cũng có vũ khí nóng. Xác định nếu bị bắt sẽ phải chịu hình phạt ở khung cao, nên khi bị phát hiện, các đối tượng chống trả rất quyết liệt, sẵn sàng nổ súng vào lực lượng chức năng. Khi tác chiến, chỉ cần chậm 1 giây hoặc lựa chọn khu vực địa hình triển khai không phù hợp, việc khống chế đối tượng sẽ gặp khó khăn, thậm chí đe doạ an toàn cho cán bộ, chiến sĩ.

 Tuy nhiên, nhờ sự mưu trí, anh dũng và chủ động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, không chỉ sự an toàn của lực lượng đánh án được đảm bảo, trong 3 năm (từ 2021-2023), BĐBP tỉnh Điện Biên đã chủ trì và phối hợp đấu tranh 489 chuyên án, vụ án, bắt giữ 591 đối tượng (51 chuyên án); thu giữ 711kg ma túy các loại. Riêng quý I/2024, BĐBP tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện bắt giữ 37 vụ/43 đối tượng (trong đó có 4 chuyên án), tang vật thu giữ 4.298,95gram heroin, 137.796 viên ma tuý tổng hợp, 3.600 cây thuốc phiện (phá nhổ 124 cây thuốc phiện) và nhiều tang vật khác có liên quan.
Đồng hành cùng bà con phát triển kinh tế, xã hội
Đại tá Nguyễn Thanh Dịu chia sẻ, không chỉ tham gia bảo vệ chủ quyền biên cương, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, BĐBP tỉnh luôn chú trọng việc tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ và nhân dân nắm vững và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế, giúp đỡ nhân dân ở hai bên biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc - ảnh 2
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn cùng bà con đồng bào dân tộc chăm sóc cây trồng, phát triển kinh tế.

Trong năm 2023, đơn vị đã tổ chức 1.618 ngày công giúp dân lao động sản xuất; phối hợp làm và sửa 37km đường thôn, bản; tu sửa 15,5km kênh mương thủy lợi; thu hoạch và chăm sóc hoa màu 77,7ha; phối hợp trồng rừng, khai hoang phục hóa 80 ha; giúp dân sửa chữa và làm mới 52 căn nhà; giúp 321 hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo; vận động, phối hợp thăm hỏi, tặng quà già làng, trưởng bản, người có uy tín, các gia đình chính sách và nhân dân trên địa bàn trị giá hơn 4,7 tỷ đồng…

Đơn vị đã thực hiện mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”, nhằm nhân rộng mô hình hay, thiết thực, hiệu quả. Cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2023, các đơn vị đã ủng hộ được 5.400kg gạo hỗ trợ các gia đình khó khăn trên địa bàn khu vực biên giới, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

Là một trong những người được nhận sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn (BĐBP tỉnh Điện Biên), anh Lò Văn Sơn (SN 1985, trú tại bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) cho biết, gia đình anh có hoàn cảnh khá éo le. Vợ anh sức khoẻ yếu, 10 năm nay phải đi bệnh viện chạy thận nhân tạo. Con trai bị tai nạn lao động ở Hà Nội, giờ không làm việc được; những người con còn lại đều đi lấy chồng hoặc làm ăn xa. Thiếu nhân lực nên dù có mấy trăm mét vuông đất vườn để làm kinh tế, nhưng sức một mình anh cũng không thể làm xuể.

 “May nhờ có các cán bộ, chiến sĩ biên phòng Mường Pồn mấy năm qua tận tình xuống hỗ trợ, cùng gia đình phát quang cây cỏ, đào hố, trồng và chăm bón cây… nên đến nay vườn bưởi, vườn cam của gia đình đã lớn, hứa hẹn một mùa thu hoạch năng suất, giúp gia đình tôi bớt khó khăn. Quả thật, không có cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, rất khó để gia đình tôi có được thành quả này” - anh Sơn bày tỏ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.
Khắc khoải nỗi nhớ Tết

Khắc khoải nỗi nhớ Tết

(PNTĐ) - Chấp nhận xa gia đình, quê hương tìm đến vùng đất mới với hy vọng về một tương lai tương sáng, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn khắc khoải trong mình nỗi nhớ da diết, đếm từng ngày chờ thời khắc hồi hương. Niềm mong mỏi ấy càng bồi hồi, mãnh liệt hơn khi không khí Tết cổ truyền đang rộn ràng “gõ cửa” nơi quê nhà.