Nhọc nhằn mưu sinh trong bệnh viện Bạch Mai

Chia sẻ

ĐSGĐ-Có lẽ trong tất cả các bệnh viện Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai là nơi duy nhất “có đất” cho bệnh nhân và người nhà mưu sinh...

 
 Với một khuôn viên rộng rãi, lại tập trung nhiều cơ sở khám chữa bệnh: Bệnh viện Việt – Nhật, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Quốc gia, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương… nơi đây đã trở thành cứu cánh cho bệnh nhân với đủ các nghề từ nhặt ve chai, bán hàng nước, và muôn hình vạn trạng những nghề khác. Có thể gọi chung đó là “thương hiệu” hàng “xách tay” made in Bệnh viện Bạch Mai. 
 
***
 
Đang thiu thiu ngủ trưa dưới gốc cây sấu đại thụ đối diện khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai, tôi bỗng giật bắn mình khi có cánh tay gầy, đen đúa, khô quắt như que củi chạm vào. Chỉ vài giây sau, tôi đã trấn tĩnh lại, vì đó là anh Tú quê ở tỉnh Hưng Yên, bệnh nhân chạy thận dài ngày ở đây mà tôi đã biết. Anh vùng vằng bỏ bữa, còn bên cạnh là chị Quý, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, đang động viên anh cố gắng ăn trưa. Tôi lắng tai nghe cuộc đối thoại của họ. Chị Quý giọng dỗ dành: “Anh ăn một bát hay lưng bát thôi cũng được, để còn có sức, chứ bỏ ăn thế này…”.  Nói đến đây, chị nghẹn giọng. Còn anh Tú vẫn chưa hết dỗi hờn thì phải: “Em đừng động viên anh, cứ để anh chết quách cho xong. Sống thế này, khổ quá. Em còn có gia đình, anh thì… không biết sẽ chết rũ ở xó xỉnh nào”.
 
Sau đó, anh Thành, anh Dũng kể lại tôi mới rõ, anh Tú từ Hưng Yên ra chạy thận. Hai tháng đầu chị vợ còn đến chăm. Đến tháng thứ ba thì mất tăm. Hỏi ra mới biết chị ta đã theo người khác, bỏ lại ông chồng bệnh tật không ai chăm sóc. “Kể ra thằng Tú nó đừng suy nghĩ quá, cứ ăn uống đầy đủ thì cũng không đến nỗi nửa người nửa ma thế này đâu – Anh Dũng vừa nói vừa tỏ vẻ cáu giận – Anh em đã động viên nó mãi rồi, có người vào đây chạy thận hơn mười năm vẫn giữ được sức khỏe. Còn nó, chả mấy mà về âm phủ”. Giận vậy mà rồi lại thương, anh Dũng cùng dỗ dành anh Tú để cố ăn vài thìa cơm qua bữa.
 
Bẵng đi ít lâu, khi tôi trở lại, không còn thấy anh Tú nữa. Có lẽ anh đã không còn trên cõi đời này chăng? Và tôi dõi tìm trong số những người đang bán nước chè theo lối “du kích” kia cái dáng người quen thuộc của chị Quý.
 
Nhọc nhằn mưu sinh trong bệnh viện Bạch Mai - ảnh 1
"Mưu sinh" trong bệnh viện Bạch Mai
 
Không phải là bệnh nhân có thâm niên chạy thận lâu nhất ở đây, nhưng chị lại biết đủ mọi phận đời đang nhọc nhằn mưu sinh dưới những tán cây sấu già và khắp cả khuôn viên khu bệnh viện này. Quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, quanh năm chân lấm tay bùn quần quật làm lụng. Đùng một cái, chị nhập viện, xét nghiệm xong, bác sĩ yêu cầu chị phải chạy thận định kỳ. Một tuần ba lần chạy. Mỗi tháng nộp 500 nghìn đồng viện phí, ngoài khoản bảo hiểm đã được Nhà nước hỗ trợ, còn đủ thứ chi phí phát sinh. Thế rồi người trước rỉ tai người sau, chị ra phố, sắm ấm ủ nước chè, cùng chục cốc nhựa, thêm một chiếc làn cói, vậy là đủ bộ đồ nghề bán hàng nước “xách tay”. Mùa đông chè nóng, mùa hè chè đá. Đôi khi, chị còn lận thêm mươi bộ áo mưa giấy để khi cơn mưa bất chợt đổ xuống thì có hàng ngay bán cho khách cần.
 
Quanh khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai này, khi sôi động thì rộn ràng như chợ với đủ thứ nghề: đánh giày, bán hàng nước, bán bánh mỳ, nhặt ve chai, thậm chí cả “cò” cho thuê áo vào cửa Bệnh viện Việt – Nhật cũng ly kỳ…
 
Khoa Tim mạch là lãnh thổ lâu năm của chị Hạnh, chị Chúc, chị Tám, biết điều thì bán tránh ra, còn nếu xâm phạm thì bị chửi té tát. Trước cửa số 4 Bệnh viện Việt – Nhật có chị Luật tối tối bán nước chè. Ngày thứ Bảy, người đến khám bệnh tập trung ở đa khoa, vậy là cùng tập trung nhau đưa ngô luộc “xách tay”, bánh mỳ “xách tay”, nước chè “xách tay”… mời khách.
 
Chuyện mưu sinh của họ nhìn vậy nhưng không phải đều xuôi chèo mát mái. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho bệnh viện, đội ngũ bảo vệ nhiều lần ra tay dẹp. Thấy bảo vệ đến thì lẩn. Vắng bóng bảo vệ họ lại ra bán. Có lần chị Quý chạy bảo vệ thở không ra hơi. Cảm giác bị dồn vào chân tường, người phụ nữ bé nhỏ chưa đến 40 kg, vốn dĩ hiền lành như con sâu cái kiến, lại thêm bệnh tật, dừng lại xin. Chỉ nghe thấy tiếng người bảo vệ càu nhàu. Bỗng như con nhím xù lông dữ tợn, chị trợn mắt nhìn người bảo vệ, giọng chanh chua: “Anh có giỏi thì thử động vào tôi xem. Tôi mà lăn ra đây, anh liệu kéo cả nhà ra mà chăm tôi nhá”.
 
Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân, người bảo vệ bỏ đi. Kể đến đây, chị Quý cười giải thích với tôi: “Bảo vệ làm nhiệm vụ của họ. Chị làm vậy là không đúng đâu, nhưng bần cùng lắm những người như chị mới phải bán hàng lén lút thế này. Mà có phải mình bán hàng quốc cấm, độc hại gì đâu. Chị đã biết ý tránh đi rồi, thì đừng có dồn đuổi, cực chẳng đã chị mới phản ứng vậy”. Từ sau lần đó, chuyện chị Quý cứ râm ran trong những người bán hàng “xách tay” ở Bệnh viện Bạch Mai.
 
Nhọc nhằn mưu sinh trong bệnh viện Bạch Mai - ảnh 2
"Mưu sinh" trong bệnh viện Bạch Mai
 
***
 
Không phải là bệnh nhân như chị Quý, chị Chung quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cùng mẹ lên chăm sóc bố chạy thận suốt 11 năm. Sau ngày bố chị mất (tháng 7 năm 2012), lo xong tang lễ, gặp uẩn khúc trong gia đình, để lại hai đứa con ở quê, chị lại tiếp tục trở lại nghề bán hàng “xách tay” của mình.
 
Với mấy sào ruộng, ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn không đủ sống, chồng chị ra Hà Nội làm phụ hồ để có thêm thu nhập. Chẳng bao lâu, anh đã quen hơi bén tiếng với người phụ nữ khác. Họ cùng sinh sống với nhau dưới một mái nhà. Anh chồng không ly hôn với chị Chung nhưng vẫn không rời xa người phụ nữ thứ hai. “Chồng em ở với cái người kia dưới Hà Đông, từ đó lên đây có bao xa, thế mà chưa bao giờ qua thăm em lấy một lần”. Giờ đây, chị gắn bó cùng Bệnh viện Bạch Mai và căn phòng trọ hơn 1 triệu đồng với bà mẹ và hai người khác. Bốn người phụ nữ ấy tựa vào nhau để lần hồi kiếm sống, mong com cóp được những đồng vốn nhỏ nhoi gửi về cho con cái ở quê đang tuổi học hành.
 
Chị Chung nói bâng quơ rằng hai đứa con trai ở quê, thằng lớn học lớp 5, thằng bé học lớp 3 đã được bố nó nuôi. Nhưng nhìn sâu vào đôi mắt người mẹ ấy, để thấy chị an tâm sao nổi. Ngày ngày, chị xách hai túi nilon gọn nhẹ, trông chẳng khác gì người nhà vào thăm bệnh nhân. Một bên túi đỏ, trong là chục bắp ngô luộc. Một bên túi xanh, để dăm chai nước lọc. Người vào bệnh viện thấy trên ghế này, quanh gốc cây kia, người ăn ngô người uống nước mà chẳng hiểu ở đâu ra. Lắng tai nghe mới lại thấy có tiếng rao nho nhỏ: “Ngô luộc không các bác ơi”, “Nước uống không anh chị ơi”. Đó là chị Chung và những người cùng cảnh ngộ như chị.
 
Sáng sớm, chị đạp xe đến chợ đầu mối Long Biên, mua ngô xanh về. Giá mỗi bắp 4.000 đồng. Sau khi bóc bẹ, cắt tỉa gọn gàng, luộc lên, chị bán cho khách với giá 6.000 đồng. Mỗi ngày, trung bình chị bán được 20 bắp ngô như vậy. Ngày nào hết sớm, 12 giờ trưa chị về phòng trọ ăn uống, nghỉ trưa. Ngày muộn, chị nán ở lại lâu hơn, thêm 30 phút, dù còn hàng vẫn về nghỉ.

***
 
Quy luật tạo hóa, con người ta sinh ra phải có bệnh. Những người như anh Tú, chị quý, anh Dũng, chị Chung, chị Luật… cứ hết lớp này lại lớp khác thay nhau mưu sinh tại Bệnh viện Bạch Mai. Xa gia đình, xa con cái, mỗi tháng họ lại cố công dành dụm ít tiền mang về cho con cái ở nhà. Và, cũng có người hôm nay còn thấy, ngày mai đã vĩnh viễn rời xa cuộc sống này để về với miền xa thăm thẳm. Nơi đấy, họ như ánh ban mai, như những vì sao đêm lấp lánh, ghé xuống dưới những vòm sấu cổ thụ…
 
 Bẵng đi ít lâu, khi tôi trở lại, không còn thấy anh Tú nữa. Có lẽ anh đã không còn trên cõi đời này chăng? Và tôi dõi tìm trong số những người đang bán nước chè theo lối “du kích” kia cái dáng người quen thuộc của chị Quý.
 
 
Bạch Mai, ngày 11-5-2013
 
    Kiều Khải
             (Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)
 

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.