Gương vỡ... lại lành

Bài và ảnh: AN AN
Chia sẻ

Gương vỡ... lại lành  - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Mùi (bên phải)

Bà Nguyễn Thị Mùi, Hội LHPN phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được biết đến là người khéo léo trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột tại cơ sở. Bà Mùi luôn đa dạng cách hòa giải, lúc âm thầm kín đáo, lúc “mưa dầm thấm lâu” để giải quyết xung đột, bức xúc xảy ra giữa các cặp vợ chồng. 

Bà Mùi kể, hai vợ chồng chị T trong khu phố nơi bà sinh sống đã có 4 con, con lớn ngoài 20 tuổi, con bé học cấp 2. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng chị T được phường tạo điều kiện để mở một quán nước nhỏ để có thêm thu nhập. Buổi trưa hôm ấy, hàng xóm láng giềng nghe tiếng vợ chồng chị cãi vã, đánh đập nhau nên đã báo cho chính quyền đến can thiệp.

Bà Mùi chưa kịp xuống thì đã thấy chị T vội vã chạy đến nhà bà (nơi đặt địa chỉ tin cậy cho phụ nữ bị bạo hành) khóc lóc, kể lại sự tình. Chồng chị T đi đánh bạc về đòi tiền vợ, nhưng chị không có tiền nên đã bị chồng đánh. Bà Mùi vừa an ủi chị, vừa để chị T tạm lánh ở nhà mình đồng thời kết hợp cảnh sát khu vực vào làm việc với chồng chị T. Ban đầu, người chồng vẫn nhất quyết cho rằng do vợ không nghe lời nên mới đánh. Thế nhưng, sau khi lập biên bản, nghe bà Mùi phân tích đúng sai, chồng chị T đã hiểu và xin lỗi, đồng thời cam kết không đánh vợ. 

Từ sau sự việc đó, bà Mùi vẫn cùng các đồng chí cảnh sát khu vực giám sát, theo dõi hàng ngày. Nhận thấy chồng chị T đã thay đổi, không còn đánh bạc nữa, tu chí làm ăn, giúp vợ trông coi quán nước, bà Mùi mới yên tâm. Nhiều lần đi ngang qua quán nước nơi chị T đang bán, bà Mùi lại hỏi chuyện gia đình. Chị T xúc động, phấn khởi cảm ơn nhờ bà và các đoàn thể mà cuộc sống gia đình chị “gương vỡ lại lành”.

Một vụ việc khác mà bà Mùi đã hòa giải thành công tưởng chừng như không thể hòa giải được. Năm 2015, vợ chồng chị M vì ghen tuông nên xảy ra mâu thuẫn. Sau khi nắm được tình hình, bà Mùi đã gặp gỡ, chia sẻ, gỡ rối cho chị M, đồng thời, cũng nhẹ nhàng khuyên chồng chị về việc cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. 

“Tôi nhận thấy không có chuyện ngoại tình nên đã âm thầm gặp chị M để hóa giải những ghen tuông trong lòng chị. Đồng thời, bà cũng lựa lời khuyên chồng chị hãy minh bạch trong các mối quan hệ, tránh việc vợ nghi ngờ” - bà Mùi nói.

Bà Mùi khuyên, vợ chồng cần phải học kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong đó, phụ nữ cần khéo léo trong chăm sóc con cái, trong ứng xử với các thành viên trong gia đình để vun vén xây dựng gia đình. Chị em cần tế nhị khi giải quyết những mâu thuẫn giữa vợ và chồng để hôn nhân bền vững hơn. Khi xung đột xảy ra, hai bên cần bình tĩnh, ngẫm xem mình sai chỗ nào rồi ngồi lại nói chuyện, hoá giải mâu thuẫn. Việc giữ hạnh phúc gia đình đôi khi cần người vợ nhẫn nhịn và người chồng biết cách sẻ chia, thấu hiểu. “Đối với những cặp vợ chồng còn đang nóng giận, tôi nhắc họ bình tĩnh để xem cách cư xử của mỗi người. Đối với các hành vi đánh vợ gây thương tích, chúng tôi phải nghiêm khắc để không tái diễn hành vi này nữa” - bà Mùi nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

(PNTĐ) - Khi mới về nhà chồng, có những cô dâu vẫn “vô lo vô nghĩ” vì bếp nhà đã có mẹ chồng lo. Ngày Tết, cũng một tay mẹ chồng quán xuyến, bày biện. Nhưng rồi biến cố ập tới mang mẹ chồng đi xa, các cô dâu nhận thêm trọng trách mới, đảm đang lo Tết cho nhà mình và cho cả nhà chồng.
Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

(PNTĐ) - Đàm Hằng đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ là diễn viên được biết đến qua nhiều bộ phim truyền hình, và gần đây ấn tượng nhất là chị Hoa “ế chồng” trong phim “ Lối về miền hoa”... Ngoài đời, cô là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái 14 tuổi. Không ngại nói về quyết định ly hôn của mình, ngược lại, Đàm Hằng còn coi ly hôn là bước ngoặt giúp cô mạnh mẽ hơn, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trở thành một phiên bản mới hoàn thiện hơn.
Người con gái đặc biệt của mẹ

Người con gái đặc biệt của mẹ

(PNTĐ) - Đó là lời động viên đầy cảm động của mẹ dành cho Hoàng Thị Phương - người bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh để lại. Nhận được sự an ủi và động viên của mẹ, chị Phương nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo đặc biệt để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.