Lao động xuất khẩu xa quê:

Khắc khoải nỗi nhớ Tết

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chấp nhận xa gia đình, quê hương tìm đến vùng đất mới với hy vọng về một tương lai tương sáng, người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài luôn khắc khoải trong mình nỗi nhớ da diết, đếm từng ngày chờ thời khắc hồi hương. Niềm mong mỏi ấy càng bồi hồi, mãnh liệt hơn khi không khí Tết cổ truyền đang rộn ràng “gõ cửa” nơi quê nhà.

Khắc khoải nỗi nhớ Tết - ảnh 1
Các lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong một cuộc thi gói bánh chưng nhân dịp Tết Nguyên đán.

Thấm đẫm “mùi vị”… chẳng thể nào quên
Nhật Bản là thị trường đứng đầu về xuất khẩu lao động của Việt Nam. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đạt khoảng 85.000 người và cả số lượng đang làm việc tại Nhật Bản là trên 300.000 người. Là một nước châu Á nhưng Nhật Bản đã chuyển sang đón năm mới theo lịch phương Tây. Vì thế, thời điểm người Việt Nam đón Tết Nguyên đán, người dân Nhật Bản vẫn tiếp tục công việc, học tập bình thường trong nhịp sống thường ngày. Ngoài những ngày nghỉ Tết dương lịch, những lao động xuất khẩu ở Nhật Bản không được nghỉ vào dịp Tết âm lịch. 

Chị Vũ Thị Mai (32 tuổi, quê Nam Định) đang làm việc tại một công ty thuỷ sản tại tỉnh Saitama, Nhật Bản đã 2 năm nay không về quê đón Tết cổ truyền cùng gia đình. Với chị, mỗi ngày ở bên này “dài lê thê” khi trong lòng lúc nào cũng khắc khoải chờ đến thời điểm hết hạn hợp đồng để về với gia đình. “Những ngày gần đây, gọi điện về cho gia đình thấy người thân kể chuyện sắm Tết. Mọi người xốn xang, bàn nhau chuyện gói bánh chưng, mua cây đào, cây quất. Mình ở bên này nghe cũng xốn xang lắm, cơ mà…”- chị Mai nói.

Với chị Mai, Nhật Bản là đất nước phồn hoa, nơi chắp cánh cho một ước mơ về tương lai tươi sáng cho hai vợ chồng và con nhỏ ở quê nhà nhưng trong tâm chị lúc nào cũng cảm thấy “nhạt nhẽo”, thậm chí nhắc đến không khí Tết tha hương chị cảm thấy chạnh lòng. Ra ngoài đường, chỉ cần nhìn thấy sắc hồng của loài hoa nào đó cũng khiến chị nhớ hương vị Tết da diết. Chị Mai kể, hai năm trước ở Việt Nam, chị làm kế toán cho một công ty chuyên cung ứng nguồn nhân lực nhưng chồng không có công việc ổn định, nên chị chấp nhận theo chồng đi xuất khẩu lao động, để lại con gái mới hơn 1 tuổi ở nhà cho ông bà chăm sóc. Sang Nhật Bản, hai vợ chồng cũng cách nhau gần 700km, vài tháng mới được gặp nhau một lần. Hai cái Tết ở Nhật Bản, chẳng Tết nào hai vợ chồng ở cạnh nhau, chỉ biết sum họp gia đình qua mạng internet.

Khắc khoải nỗi nhớ Tết - ảnh 2
Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai bút đầu năm trong Lễ hội Xuân quê hương 2024 tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản ngày 21/1.

“Hai năm đón Tết quê nơi xứ người là hai lần mình thấm đẫm “mùi vị” của nước mắt, niềm tủi thân chẳng thể nào quên. Tự nhủ với lòng mình, hết hạn 3 năm hợp đồng về nhà, sẽ chẳng bao giờ xa gia đình, xa con gái nữa. Năm đầu tiên, đêm Giao thừa đang ngồi bên mâm cỗ của nhóm người Việt Nam lao động tại Nhật Bản thì nhận được cuộc gọi từ bố mẹ, mở điện thoại ra nghe tiếng con gái bi bô gọi “mẹ…” mà mình chẳng dám nghe thêm, tắt máy chạy vào phòng đắp chăn khóc”- chị Mai nghẹ ngào nói.

Căn nhà trọ rộng chừng 25m2 ở tỉnh Saitama, Nhật Bản được chia làm 3 phòng tách biệt. Chị Mai ở cùng với 2 bạn nữ khác quê Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngày thường chị em đi làm về họp mặt nói chuyện vui vẻ nhưng những ngày cận Tết, không khí yên ắng lạ thường. Ai cũng mang nỗi niềm chung của người tha hương mong mỏi Tết sum vầy bên gia đình. Biết đấy, nhưng chẳng ai dám nói ra vì sợ nước mắt lại rơi!

Anh Nguyễn Văn Hạnh (28 tuổi, quê Thanh Hoá) sang làm việc tại một nhà máy tại Thành phố Tokyo, Nhật Bản từ năm 2020. Ngày Tết ở quê nhà, lao động được nghỉ nhưng bên này anh vẫn miệt mài tăng ca ở công trình. Bởi, với anh Hạnh rời xa quê hương đến Nhật Bản lao động là sự đánh đổi, cố gắng chăm chỉ tích góp để sau này về quê hương có được ít vốn liếng mở cửa hàng kinh doanh. “Mấy hôm nay, mẹ tôi liên tục gọi điện sang hỏi thăm. Bà kể ở quê đang chuẩn bị đủ bánh chưng, kẹo, quất… để đón Tết rất sôi nổi. Bà bảo Tết này nhà mình lại thiếu con. Dù tôi cố động viên nhưng rồi cả hai mẹ con phải gác điện thoại trong nghẹn ngào”- anh Bình chia sẻ.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuyên, quê ở tỉnh Hưng Yên nhiều năm sinh sống và làm việc ở Thành phố Pohang thuộc tỉnh Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc xúc động khi nhắc đến Tết cổ truyền: “Chúng tôi rất mong muốn được về quê hương ăn Tết cùng với người thân nhưng do công việc bận rộn, đi lại tốn kém, không có điều kiện nên đành phải chấp nhận đón Tết xa nhà. Thông thường lao động Việt Nam ở Hàn Quốc chỉ được nghỉ Tết 2 ngày, một số công ty linh động cho nghỉ thêm 1 ngày nữa. Những ngày đó vợ chồng tôi cùng nhau đi mua nguyên liệu làm bánh chưng, làm giò... rồi chuẩn bị đồ cúng Giao thừa. Ăn Tết ở Hàn Quốc về vật chất đầy đủ, Việt Nam có gì thì ở đây có thứ đó. Duy chỉ có tình cảm gia đình, phút giây đoàn tụ, đầm ấm bên người thân trong thời khắc Giao thừa là không có được. Do múi giờ ở Hàn Quốc sớm hơn so với Việt Nam hai giờ nên đồng hương xứ Nhãn ở đây cũng như những người Việt khác, mỗi dịp Tết Nguyên đán thường có thói quen đón Giao thừa 2 lần, cả của nước sở tại và của Việt Nam”.

Tìm hương vị quê nhà nơi đất khách
Tết cổ truyền với “bánh chưng xanh, câu đối đỏ” trong trái tim những người con xa xứ thật đỗi thiêng liêng. Không chỉ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, mà ở bất kỳ nước nào khác trên thế giới, người lao động Việt Nam vẫn tranh thủ mọi điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động vui Tết, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Họ tranh thủ giờ phút nghỉ ngơi, hẹn nhau gặp mặt bên mâm cơm với đầy đủ bánh trưng, dưa hành, giò, chả… để cùng nhau bước qua năm mới nơi đất khách quê người. 

Khắc khoải nỗi nhớ Tết - ảnh 3

Một trong những tỉnh có cộng đồng lao động người Việt Nam đông tại Nhật Bản là Fukuoka. Những ngày cuối năm, các bạn trẻ là công nhân, thực tập sinh phân công nhau tranh thủ lúc hết giờ làm chạy đi tìm mua lá cờ Việt Nam và những thứ cần thiết để làm các món ăn, quà bánh mứt truyền thống. Fukuoka bình thường vốn yên ắng nay lại náo động bởi những đoàn xe đạp của người Việt Nam đua nhau đi "chợ Tết". Các bạn cũng sẽ tìm cách chia nhau xin nghỉ phép theo đúng quy định công ty để gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Ở Nhật không thể đốt củi nấu bánh được. Những người Việt Nam xa xứ vượt qua trở ngại đó bằng cách chia nhỏ số bánh ra các nồi cơm điện và nấu. Thoạt nhìn ai cũng bật cười nhưng rồi ai cũng hiểu rằng chỉ cần có mùi bánh chưng, bánh tét là đã có 90% "mùi Tết"!

Từ ngày 18 - 21/1 vừa qua, Tổng Lãnh sự quán cùng Hội người Việt Nam tại Fukuoka và Hiệp hội Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại Kyushu tổ chức khai mạc Lễ hội Tết Xuân quê hương 2024 tại Công viên Tenjinchuo. Bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka cho biết, “Xuân Quê hương 2024” là sự kiện mang tính thường niên thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo kiều bào và người dân khu vực Kuyshu-Okinawa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng. Ngoài việc nỗ lực tái hiện một cách chân thực và trọn vẹn nhất các hoạt động văn hóa truyền thống của Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán như viết câu đối, chơi cờ người, ném còn, múa sạp… Sự kiện đã giúp bà con kiều bào và bạn bè quốc tế được hòa mình vào không khí của mùa xuân, kết nối tình cảm và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Chị Vũ Thị Mai cho biết, cũng như năm ngoái, Tết năm nay, dù bận công việc nhưng chị và nhóm bạn sẽ quây quần làm bữa cơm Tất niên. Để có cảm giác không xa nhà, mọi người sẽ đặt các nguyên liệu như lá dong, thịt lợn, gạo nếp, đậu rồi cùng nhau gói bánh chưng, làm những món ăn Việt như nem rán... Những nhu yếu phẩm mang đậm hồn quê hương đều có thể tìm mua ở chợ Việt tại Nhật. Dù không được tươm tất như ở nhà nhưng cũng ấm áp hơn rất nhiều. 

Chị Hà Thị Nhung (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa), đang sống tại Nga, chia sẻ : “Với tâm niệm Tết là phải sum vầy, đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình, người thân, sau giờ làm việc, về đến nhà, mình và các thành viên trong gia đình luôn cùng nhau quây quần bên mâm cơm ngày Tết; dành thời gian xem không khí Tết trong nước, nói chuyện với người thân, bạn bè qua mạng xã hội. Thông qua đó, cũng giúp mình được cảm nhận mùa xuân, không khí rộn ràng, tươi vui của Tết cổ truyền ở quê nhà…”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.