Góc khuất mưu sinh của những phụ nữ đánh giày trên đường phố

Bài và ảnh: Bắc Lưu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hình ảnh những người phụ nữ miệng tươi cười, xách theo giỏ phụ kiện đánh giày rong ruổi khắp phố phường Hà Nội mưu sinh không còn xa lạ. Công việc tưởng chừng như chỉ dành cho cánh đàn ông lại được các chị làm một cách thuần thục, tỉ mỉ.

Góc khuất mưu sinh của những phụ nữ đánh giày trên đường phố - ảnh 1
Nghề đánh giày đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người phụ nữ nhưng cũng là những cám dỗ, nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào. 

Rong ruổi với nghề mưu sinh

Chị Nguyễn Thị Hoa (38 tuổi, quê huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) làm nghề đánh giày ở khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) được khoảng 5 năm nay. Một ngày, công việc của chị thường bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm, chẳng cố định thời gian ăn uống, nghỉ ngơi.

Chị Hoa chia sẻ: “Sáng sớm, tôi ra khu vực bến xe, đến nửa buổi thì lang thang các quán cà phê, trà đá vỉa hè. Trưa lại vào các quán ăn, chiều đến rong ruổi trong các khu phố. Đến tối, tôi thường đến những địa điểm vui chơi, giải trí…”. Dù mệt nhưng cứ phải rong ruổi như thế mới có khách.

Mới đầu, chị Hoa tưởng như đây chỉ là công việc phụ giúp chồng nuôi con nhưng dần dần lại trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình. Ngày nào có nhiều khách, chị đánh được gần 50 đôi giày, còn những ngày mưa rét được chừng 10-20 đôi, trừ chi phí sinh hoạt mỗi tháng chị Hoa gửi về cho gia đình từ 9-13 triệu đồng. 

“Để có được thu nhập từng ấy thì phải thật sự chăm chỉ, không ngại nắng, mưa, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Mình đi đến đâu cũng có đồng hương, nếu muộn mà xa phòng trọ quá thì ở nhờ đến hôm sau đi làm tiếp” - chị Hoa kể.

Theo chị Hoa, những người phụ nữ quê chị lên thành phố Hà Nội tìm kế sinh nhai không phải hiếm. Cũng vì ở quê không có việc làm, ai cũng có gia đình, mang trên mình gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền; nhưng để có được chút tiền gửi về cho gia đình thì phải thực sự chăm chỉ, tiết kiệm. Hầu hết phụ nữ lên thành phố mưu sinh đều lựa chọn bán hàng rong, nhưng chị Hoa chọn nghề đánh giày vì sức khoẻ yếu, do không đeo hàng chục cân trên người để đi bán khắp phố phường được. 

“Mới đầu cũng bỡ ngỡ, ngại ngùng lắm nhưng lâu rồi cũng quen. Mình tìm niềm vui trong công việc, hạnh phúc với đồng tiền chân chính mình kiếm được với hy vọng các con sau này có tương lai tươi sáng hơn”- chị Hoa nghẹn ngào.

Trong quãng thời gian rong ruổi khắp phố phường Hà Nội đánh giày, mỗi khách hàng đều đem lại cho chị Hoa kỷ niệm. Bởi với chị, đánh giầy không đơn thuần là đem lại sự tươi mới cho đồ vật vô tri mà đó còn là thứ nói lên con người, tính cách của chủ nhân sử dụng nó.

 “Tôi từng ấm ức phát khóc khi thấy khách hàng cứ mở miệng ra là gọi “cái con đánh giày”, rồi “bọn đánh giày” một cách miệt thị. Ngồi đánh giày, nghe họ bàn tán về mình mà đau lắm chứ. Tôi làm cái nghề này cũng vì suy nghĩ làm nghề gì thì làm, miễn là kiếm tiền chính đáng, nhưng gặp trường hợp như thế, là phụ nữ ai chẳng tủi thân. Đến bây giờ chỉ cần nhìn vào mỗi đôi giày là tôi có thể đoán được phần nào tính cách, địa vị xã hội của người đi. Người đi giày thể thao thì có tính cách năng động; người đi giầy tây thì thường làm văn phòng; giày có nhiều bụi bẩn thì người đó cũng như tôi hay phải đi lại; đôi giày còn mới nhưng gót mà mòn thì người đó thường có tính cách giữ gìn, cẩn thận, chung thuỷ…” - chị Hoa say sưa nói về những điều mình đúc rút được từ công việc bản thân đang làm.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đánh giày không phải là công việc của cánh mày râu mà nó chỉ thực sự phù hợp cho người cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi đánh giày cũng phải tuân theo quy trình nhất định, có như thế đôi giày mới sạch, bóng bẩy. Ví như chỉ cần bỏ qua giai đoạn lau sạch giầy trước khi đánh si thì đôi giày dù có làm thế nào đôi giày cũng không sạch được hay không phải cứ đánh nhiều xi thì đôi giày sẽ bóng bẩy…

Chị Hoa cho hay: “Phụ nữ đánh giày thực ra có cái thú vị. Có khách từng bị cuỗm đôi giày bạc triệu nên họ cảnh giác lắm. Mình đòi ngồi ra một chỗ để đánh cho tiện nhưng họ nhất định không chịu. Đến lúc họ thấy mình làm tỉ mỉ, đàn bà con gái lại thật thà nên họ cho thêm tiền và còn giải thích “thật sự tôi không đa nghi thế đâu” làm tôi buồn cười nhưng chỉ cười rồi nhận tiền ra về”. Rồi có lần tôi gặp một đám cưới, chú rể hớn hở xách ra đôi giày cưới, nhờ tôi đánh với lời nhắn nhủ “chị giúp em ấn tượng với đằng nhà gái nhé”. Nghe xong, tôi nghẹn ngào, vừa làm vừa ngắm nghía đôi giày từng chút một để không làm phụ lòng khách… Mỗi đôi giày đánh được, tiền công vẫn thế nhưng cảm xúc đem đến mỗi lần như thế nó lạ lắm”.
“Cạm bẫy” đằng sau mỗi đôi giày
Chị Hoa ở cùng với 2 người phụ nữ khác, họ cũng làm nghề đánh giày. Họ bảo, người phụ nữ nào chẳng muốn ở nhà “giữ lửa”, chăm con nhưng cũng vì ở quê công việc thu nhập không ổn định nên mới quyết định ra thành phố kiếm sống. Công việc đánh giày mang đến cho chị em nguồn thu nhập khá và tương đối ổn định. “Giày trao, tiền trả”, quy luật của nghề đánh giày trước nay vẫn thế. Song các cạm bẫy thì không thế. Có người nhiều kinh nghiệm sống, đủ để đối phó với các tình huống hiểm nguy bất ngờ. Bên cạnh đó còn biết bao cô gái chỉ tầm tuổi 18-20 cũng hành nghề đánh giày, tuổi đời non nớt, liệu họ có đủ sức vùng vẫy, né tránh?

Góc khuất mưu sinh của những phụ nữ đánh giày trên đường phố - ảnh 2
Đánh giày không chỉ là công việc dành cho cánh mày râu.

Đằng sau hạnh phúc mỗi khi gửi tiền về nhà thì đó là những nguy hiểm luôn chực chờ mà không phải ai cũng thoát ra được. Ở nơi phồn hoa đô thị, chỗ nào cũng có góc khuất. Với nghề đánh giày cũng thế, mỗi khu vực là một địa bàn cát cứ riêng có “thế lực ngầm” đứng phía sau. Những câu chuyện như cá nhân đứng ra bảo kê, nuôi ăn ở cho một nhóm đánh giày rồi hằng ngày đưa họ ra ngoài đường kiếm tiền đem về cho “chủ nhân” không còn là hiếm. Với những người như chị Hoa, muốn yên ổn làm ăn thì mỗi tháng phải trích ra một khoản nộp cho họ cũng là điều hết sức bình thường.

Có những đôi giày trị giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Người nào chỉ cần một phút tham lam, bị vật chất làm mờ mắt mà tìm cách chiếm đoạt sẽ “không hẹn ngày trở về”. 

Chị Phạm Thị Yến (42 tuổi, quê Hà Nam) từng được khách đưa cho 10 đôi giày để làm mới lại. Đôi nào cũng có giá trên 10 triệu đồng. Nhận được đơn hàng lớn, chị Yến vui mừng chắc mẩm được 150.000 đồng. Nhưng dù đã rất cẩn thận, phân loại ra từng đôi, đánh xong đôi nào đưa khách kiểm tra đôi đó nhưng cuối cùng chị Yến vẫn bị khách bảo thiếu mất 1 đôi rồi làm um lên giữa phố. Lo sợ đến phát khóc, chị Yến cố gắng giải thích nhưng người khách ấy không chịu nghe và còn đòi mời công an vào cuộc nếu như không chịu đền 3 triệu đồng cho đôi bị mất. 

Thật may mắn, chị Yến được người dân xung quanh hỗ trợ, cho trích xuất camera trong suốt quá trình làm việc gần đó. Chứng minh được vị khách chỉ đưa cho 10 đôi và nhận lại đúng từng ấy chiếc giày sau gần 3 tiếng đánh xong. Bấy giờ, vị khách không chối cãi được đành trả chị 150.000 đồng rồi bỏ đi nhanh chóng. 
Rồi những ngày làm khuya, chị Yến còn gặp khách nghiện ma tuý gọi lại đánh giày. Nhưng khi vừa tới nơi người này rút kim tiêm ra doạ, xin tiền. Thân cô thế cô, giữa trời tối hoang vắng, chị Yến đành đưa túi tiền ít ỏi kiếm được trong ngày chỉ với hy vọng thoát thân. Trước khi đi, vị khách này còn tranh thủ lấy luôn cả hộp xi đánh giày và mấy miếng lót giày của chị.

Điều đáng sợ hơn là khi gặp phải khách hàng có dụng ý xấu. Họ lợi dụng việc đánh giày để mời gọi, dụ dỗ làm đủ những điều phi pháp hay trái với luân thường đạo lý. Một người đồng nghiệp của chị Hoa từng trong hoàn cảnh gặp khách gọi vào nhà đánh 5 đôi giày. Nhưng khi vừa bước vào nhà, người khách ấy lại có những hành động thiếu chuẩn mực, lúc ấy chị mới giật mình hô hoán, may mắn thoát ra được. Hay như những cô gái trẻ hơn, gặp “tú bà” nhờ đánh giày rồi lân la bắt chuyện, dụ dỗ bằng những lời ngon ngọt, hứa hẹn thu nhập cao, tương lai tươi sáng. 

“Không phải ai cũng tỉnh táo để thoát ra được những cám dỗ đó, nhất là với người trẻ. Tôi cũng biết về một vài câu chuyện đau lòng. Thực sự đáng thương nhiều hơn đáng trách. Kiếm tiền không phải là chuyện đơn giản, người phụ nữ phải ra ngoài lăn lộn thì càng khó khăn hơn. Nhưng đành tự nhủ lòng mình, nghề nào cũng có góc khuất, chỉ là có đủ kinh nghiệm, tỉnh táo để giữ được mình hay không!”- chị Yến tâm sự.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.