Tiểu thương thấp thỏm mong đào, quất được giá

Bài và ảnh: Cảnh Nghi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời điểm này, những cành đào, cây quất, chậu hoa đang nhộn nhịp khắp các con phố Hà Nội mang không khí Tết cổ truyền đến mọi nhà. Đó cũng là niềm hy vọng của nhiều tiểu thương và người trồng cây cảnh về một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Tiểu thương thấp thỏm mong đào, quất được giá - ảnh 1
Bà Phạm Thị Hà bên chiếc xe đạp bán cành đào.

Mất ngủ mong cây đừng rớt giá

Để có được gian hàng bán đào tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), anh Bùi Trọng Mạnh (36 tuổi, quê Thái Bình) đã phải làm công việc chuẩn bị từ hơn 2 tháng trước. Kể từ khi nhận đào tại vườn tới nay, mỗi ngày anh chỉ ngủ được hơn 4 tiếng. "Sau đại dịch Covid-19, sức mua của người dân giảm trầm trọng, họ thắt chặt chi tiêu, cân đo đong đếm từng đồng nên việc kinh doanh không mấy thuận lợi, cả năm làm cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu. Để kiếm thêm chút tiền, lo cho gia đình cái Tết đủ đầy, tôi cùng mấy anh em bàn bạc góp vốn làm một gian hàng bán đào. Chúng tôi đã đổ vào gian hàng này gần 500 triệu rồi, lo lắng thấp thỏm lắm có ngủ nghê được mấy đâu, vừa làm vừa sợ "mất Tết", vì chỉ cần thời tiết thay đổi bất thường hoặc vắng khách là hỏng. Trông trời, trông đất, trông cây, trông người, thời điểm bứng gốc đào từ vườn về gian hàng rồi đưa vào chậu tôi mất ngủ 3 ngày nay vì chỉ sợ xảy ra vấn đề" - anh Mạnh kể.

Anh Mạnh tập trung vào phân khúc đào tầm trung, có giá từ 2 - 10 triệu đồng/cây. Để tiện trông nom, bảo vệ, chăm sóc đào, anh Mạnh đã dựng lán tại gian hàng. Từ lúc đưa đào từ vườn về cũng là lúc anh cùng bạn bè bắt đầu chuỗi ngày dầm sương chịu rét, cơm đường cháo chợ. 

Anh Mạnh chia sẻ: "Giờ giấc những ngày này đảo lộn cả, anh em thay phiên nhau làm từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya. Phải thức đêm để trông cây, tưới tắm cho cây, vừa thiếu ngủ vừa mệt, nhiều lúc mệt quá ngủ gục trên ghế lúc nào cũng chẳng biết. Nhưng mình đã làm thì phải chấp nhận, nghĩ đến gia đình, đến cái Tết đủ đầy hơn để mà làm động lực, cố gắng vượt qua thôi".

Cũng tại khu đô thị Ciputra, anh Phạm Văn Nam (33 tuổi, quê Nam Định) chủ một gian hàng bán đào khác lại mang nỗi niềm lo lắng nhiều hơn vì sợ rằng có khả năng năm nay sẽ phải bù lỗ, bởi sức mua của người dân kém. Anh Nam trăn trở: "Vụ đào năm nay, tôi thấy sức mua của người dân giảm sút nhiều so với mọi năm. Thường thì sang đầu tháng Chạp đã có nhiều người đến mua, thuê đào về chơi, nhộn nhịp lắm. Năm nay thưa thớt lắm, kể cả khách quen thường niên cũng chưa thấy động tĩnh gì. Từ khi chuyển cây ra gian hàng đến nay (mùng 3 tháng Chạp) tôi mới bán được 3 cây, khách tới mua mặc cả lên xuống, sau khi trừ các chi phí đi thì gần như là không có lãi. Hy vọng rằng gần Tết sẽ đông khách hơn, chứ cứ như thế này thì cám cảnh lắm, bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức đổ vào đây rồi”.

Tiểu thương thấp thỏm mong đào, quất được giá - ảnh 2
Anh Trịnh Công Mạnh lo ngại rằng đào thế năm nay sẽ khó bán hơn mọi năm

Anh Nam cho hay, nếu không kịp thu hồi vốn trước ngày 28 Tết thì buộc phải hạ giá để bán tháo, không cầu lãi chỉ cầu hòa. Bởi lẽ, đối với những tiểu thương như anh, nếu không bán hết thì cũng không biết mang đào đi đâu. Nhiều người cứ nghĩ không bán hết thì mang bán lại hoặc trả lại cho chủ vườn là xong, nhưng họ đâu có tính đến chi phí vận chuyển rồi nhân công các thứ cho việc đó. Thậm chí chi phí để mang đào về vườn còn lớn hơn giá trị của đào.

Đến thăm nhà vườn Dung Hà ở xóm Đông, thôn Vân Trì (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) với hàng trăm loại hoa, cây cảnh từ mini có giá vài chục nghìn đồng đến các chậu hoa tiền triệu đều được chăm sóc tỉ mẩn và cho hoa đẹp. Chị Tô Mai Dung, chủ vườn cho hay, hầu hết giá hoa, cây cảnh năm nay đều tăng do vật tư phân bón, giá nhân công chăm sóc và chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, mức tăng chưa có gì đột biến. Các loại độc, lạ với giá hơn chục triệu đồng/cây rất khó bán. Thay vào đó, các loại cây đẹp, vừa mắt, có giá tầm 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, năm nay hoa giấy chậu với thế huyền, thế tròn... khá hút khách bởi đẹp, bền, đủ màu sắc. Với thị trường hoa cao cấp (lily, tulip, lan hồ điệp...), do công lao động và vật tư sản xuất tăng nên các loại hoa này năm nay cũng sẽ tăng giá 10-15% so với năm trước.
Hạnh phúc giản đơn
Người đi bán cây Tết chia làm hai nhóm: Nhóm những người nông dân tự trồng mang đi bán và nhóm thương lái nhập cây để kinh doanh bán lại kiếm lời. Ngồi nhìn dòng người tấp nập đi lại trên con phố rồi lại đưa mắt qua hàng quất đang chờ chủ nhân mới của mình, anh Hải - một tiểu thương buôn quất khẽ thở dài: “Năm nay ế ẩm quá. Kiểu này chỉ chết người bán như chúng tôi thôi! Đã xách túi đi buôn cây cảnh thì ai chẳng muốn bán hết hàng và được giá cao. Những người tự trồng tự bán còn dễ thở vì nếu không bán được, có thể mang gốc về chăm sóc chờ cái Tết tiếp theo. Còn đi buôn như chúng tôi mà ế hàng  chỉ có đường bán rẻ, bán tháo hoặc vứt bỏ thôi”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ gian hàng bán hoa, cây cảnh tại đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, nhu cầu chơi cây quất của người dân đã giảm nhiều so với mọi năm, do vậy mà ông chỉ dám nhập về những cây nhỏ, giá thành thấp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, hoặc các cây quất tiểu cảnh để bàn với giá khoảng từ 150.000 - 300.000 đồng cho dễ bán. 

"Chưa nói tới người mua, ngay cả người đi xem cũng giảm hẳn so với những năm trước. Chưa có Tết nào mà cảnh buôn bán lại ế ẩm như năm nay. Lượng người mua thời điểm này so với mọi năm phải giảm 40 - 60%, trong khi các chi phí như: Mua cây, vận chuyển, bốc dỡ hàng, lại tăng hơn trước. Gia đình bỏ vào đây hơn 200 triệu, đến nay chỉ bán được một vài cây. Gia đình đang rất là lo cho năm nay kinh tế rất khó khăn" - ông Sơn thở dài.

Bà Phạm Thị Hà (58 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) là lao động tự do, để có thêm thu nhập chi tiêu trong dịp Tết, bà chọn cách nhập cành đào từ vườn rồi bán lại cho người đi đường trên chiếc xe đạp của mình. Do không có chỗ bán cố định, bà phải thường xuyên di chuyển từ vườn đến những nơi đông người qua lại, bất kể mưa nắng, gió rét.

"Không có việc làm ổn định, cũng đã lớn tuổi nên bình thường ai thuê gì thì tôi làm nấy hoặc đến phiên chợ sớm rồi mua đi bán lại mớ rau, con cá kiếm sống qua ngày. Đợt gần Tết, tôi mua đào cành về bán, nếu may mắn gặp khách thì mỗi cành cũng lời được 20 - 30 nghìn, ngày bán được tầm 10 cành  thì cũng gọi là có công. Tôi thường dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe ra vườn đào nhập hàng rồi di chuyển đến khu vực quanh chợ Hà Đông để đứng bán. Nhiều hôm vắng khách, phải chở đào về nhà để hôm sau bán tiếp. Khách dễ tính thì không sao, gặp phải khách khó tính, họ kì kèo mặc cả, nâng lên rồi đặt xuống, cành gãy, hoa nụ bị dập, rụng nhiều khi phải bỏ đi, thế là mất nửa ngày công. Thời tiết lập xuân, mưa phùn gió bấc, đứng bán ở đường mặc áo phao, kèm cả áo mưa nhưng nhiều khi vẫn rét run. Thế nhưng, nghĩ đến việc mình dành được chút tiền, mua cho con cháu được bộ áo mới chơi Tết, sắm được ít đồ đạc trong nhà là tôi lại cảm thấy vui. Như mình là còn may mắn, còn làm được, còn giúp đỡ con cháu được là mừng rồi"- bà Hà tâm sự.

Theo đánh giá của các hộ kinh doanh hoa, cây cảnh, thời tiết mưa rét vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn không phải là nguyên nhân chính khiến sức tiêu thụ hàng hóa chậm, mà chủ yếu là tình hình kinh tế trong năm qua gặp nhiều khó khăn khiến người dân, doanh nghiệp không quá "mạnh tay" vào mua sắm hoa, cây cảnh trưng Tết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.