Sơn Tây: Tưng bừng Hội thi bánh tẻ truyền thống Phú Nhi lần thứ 2
(PNTĐ) - Sáng 1/3, tại không gian sân khấu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Đảng uỷ, UBND phường Phú Thịnh tổ chức Hội thi “Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi” lần thứ 2 - năm 2025.
Phát biểu khai mạc hội thi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết: Phú Nhi xưa là một thôn cổ có từ cuối thế kỷ XIX thuộc huyện Quảng Oai trấn Sơn Tây nay thuộc phường Phú Thịnh, Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Nơi có làng nghề truyền thống bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng, được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống năm 2007, cũng là Làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây.

Nhấn mạnh rằng “đây là niềm tự hào của người dân nơi đây khi đã gìn giữ và phát triển đặc sản của quê hương thành sản phẩm làng nghề bán được trên thị trường” Phó Chủ tịch Lê Đại Thăng cho biết: Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Bánh tẻ Phú Nhi".
Thực hiện Đề án 299 về “Hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2019 - 2021 định hướng đến năm 2025”; Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 về “Hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2019 - 2021 định hướng đến năm 2025”, hiện có 17 hộ sản xuất bánh tẻ Phú Nhi được đầu tư cơ sở sản xuất, được sử dụng tem, nhãn sản phẩm nhằm quảng bá và phát triển thương hiệu Bánh tẻ Phú Nhi.



Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, Hội thi bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi thể hiện nét văn hóa truyền thống của địa phương, là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các hộ làm nghề bánh tẻ trên địa bàn phường Phú Thịnh, để từng bước đưa sản phẩm Bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hoá có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề bánh tẻ, đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Ngoài ra, đây còn là dịp để Thị ủy, UBND thị xã, Đảng ủy, UBND phường nắm được những ưu điểm, những tồn tại cần khắc phục trong hoạt động phát triển làng nghề, để kịp thời đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đặc sản quê hương Phú Thịnh.

Để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất bánh tẻ trong làng nghề, Phó Chủ tịch UBND thị xã Lê Đại Thăng đề nghị Đảng uỷ - UBND phường Phú Thịnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, đặt nhiệm vụ quảng bá, giữ gìn thương hiệu bánh tẻ đi đôi với nhiệm vụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm, nâng cao tay nghề làm bánh tẻ. Các hộ sản xuất bánh tẻ cần luôn tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếp tục nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu “bánh tẻ Phú Nhi”, quảng bá và mở rộng thị trường.
“Tôi tin tưởng Hội thi “Bánh tẻ truyền thống làng nghề Phú Nhi” lần thứ hai năm 2025 sẽ là cơ hội để khẳng định tâm huyết, sự nỗ lực, quyết tâm và cống hiến hết mình của làng nghề, của quê hương Phú Thịnh nói riêng, góp phần phát triển ngành dịch vụ, du lịch của thị xã Sơn Tây trong thời gian tới nói chung”- Phó Chủ tịch UBND thị xã Lê Đại Thăng nhấn mạnh.


Chị Kiều Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thịnh cho biết: Hội LHPN phường tham gia gian hàng bán bánh tẻ, bánh rợm chay, phục vụ nhu cầu của các bà các cô. Bánh tẻ chay là nhân bánh không có thịt, nhân nấm hương, mọc nhĩ, giò chay (đỗ tương). Lực lượng tham gia hội thi chủ lực là phụ nữ, đều là hội viên phụ nữ. Tham gia làm nghề làm bánh tẻ ở địa phương cũng chủ yếu là phụ nữ.




Trước đây thủ công đun củi hấp, nay là nồi hấp điện vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, có cài đặt thời gian nên không phải canh trông như trước. Quy trình làm bánh cũng cải tiến, như thái nguyên liệu mọc nhĩ, thịt bằng máy; bột khuấy bằng máy giúp giảm bớt sức lao động lại đảm bảo chất lượng bánh đồng đều hơn. Chỉ có khâu gói bánh vẫn dùng tay. Gói lá dong bên trong, lá chuối bên ngoài. Dịp Tết mỗi nhà làm bán hàng nghìn bánh mỗi ngày.

Bà Kiều thị Thoa, Tổ dân phố Phú Nhi 1 cho biết: Tổ dân phố Phú Nhi 1 tham gia gian hàng có bánh khổng lồ chiều dài 1m15, nặng 11kg, nhiều nhân, bánh to bột nhiều, hộ gia đình ông Tô Văn Tiến và bà Lưu thị Tuyết Lan làm.

Ông Trần Quang Khánh, Tổ trưởng Tổ dân phố Hồng Hậu cho biết: Tổ dân phố có 5 hộ làm bánh tẻ thu hút nhiều lao động ở địa phương, mỗi hộ 5-7 người làm là lao động ở địa phương, chủ yếu người cao tuổi làm. Hiện nay, chủ yếu là làm công đoạn cọ lá, rửa lá, lau khô và gói. Công lao động 250.000-300.000 đồng/ngày. Bánh tẻ được qua nhiều công đoạn cầu kỳ.
Ngày nay, nhiều gia đình ở địa phương vẫn làm bánh tẻ vào các dịp lễ tết để nhớ lại ký ức xưa và lưu giữ nghề. Toàn tổ dân phố Hồng Gấm hiện có 321 hộ với 1.262 nhân khẩu. Ông Khánh cho hay, nghề làm bánh tẻ vất vả, người thợ phải ngồi nhiều, bánh được làm ra nên ăn nóng và sử dụng trong ngày thì ngon hơn.

Chị Kiều Linh Linh ở Tổ dân phố Hồng Hậu cho biết, ngoài bánh tẻ gian hàng của tổ dân phố còn có bánh rợm, bánh gai, kẹo lạc, kẹo, kẹo dồi, bánh mochi...

Cô giáo và học sinh Trường Mầm non Phú Thịnh cũng mang đến nhiều sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây như: Bánh chè lam, chè kho, chè con ong bánh tẻ, bánh sắn là những sản phẩm do chính tay các cô giáo làm ra.
Còn các cô giáo Trường Tiểu học Phú Thịnh cũng mang đến gian hàng tại hội thi với hơn 19 sản phẩm là bánh tẻ, bánh đúc, kẹo lạc, vừng, củ cải khô, trứng gà, nón lá, túi cói Đường Lâm... Đây là những đặc sản của Sơn Tây để phục vụ người dân, du khách đến với hội thi.



Sau 3 phần thi, Ban tổ chức đã lựa chọn và trao các giải: Giải Nhất thuộc về đội Tổ dân phố Phú Nhi 2; giải Nhì thuộc về đội Tổ dân phố Phú Nhi 3 và đội Tổ dân phố Hồng Hậu; giải Ba cho các đội Trường Mầm non, Hội Nông dân, Phú Nhi 1; các đội Đoàn Thanh niên, Trường THCS Phú Thịnh, Trường Tiểu học Phú Thịnh đoạt giải khuyến khích. Đội thi Tổ dân phố Hồng Hậu đoạt giải Mâm bánh đẹp nhất; Đội thi Trường Mầm non Phú Thịnh đạt giải Màn chào hỏi ấn tượng nhất.
Tại hội thi, Ban tổ chức đấu giá mâm bánh của đội đoạt giải Nhất (đội Tổ dân phố Phú Nhi 2) và mâm bánh tẻ khổng lồ (nặng 200kg với 300 chiếc bánh tẻ, trong đó có 5 chiếc bánh to nhất có kích thước 90cm, đường kính gần 20cm).

Sau các vòng trả giá, từ mức khởi điểm là 10 triệu đồng, giá trúng đấu giá là 40 triệu đồng thuộc về anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây). Số tiền này sẽ được sử dụng hỗ trợ các hộ làm bánh tẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Thịnh để đầu tư máy móc phục vụ quá trình sản xuất..