Hà Nội bàn giải pháp tăng cường quản lý đất đai và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 3/4, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý I-2025 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, bàn về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và tăng cường quản lý đất đai.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đầu cầu chính đặt tại trụ sở Huyện ủy Đông Anh kết nối với các điểm cầu quận, huyện, thị xã còn lại.

Hà Nội bàn giải pháp tăng cường quản lý đất đai và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - ảnh 1
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ), ngoài các nguyên tắc chung, Hà Nội cũng xác định một số nguyên tắc riêng của Thủ đô để bảo đảm việc thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, thành phố sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để bảo đảm lâu dài; tổ chức lại các đơn vị hành chính có tính đến yếu tố quy hoạch trong tương lai khi thực hiện quy hoạch, cần cụ thể hóa quy hoạch ngay giai đoạn hiện nay (vừa tính hiện tại, tương lai), tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển: Hai đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương...

Thành phố cũng xác định phải bảo đảm giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài, vùng văn hóa Kinh Bắc, vùng văn hóa Sơn Nam Thượng...). Bảo đảm được chức năng của từng địa phương (như đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa...).

Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, theo dự kiến của Trung ương, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại báo cáo về công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đại thông tin, thực hiện Kết luận số 127-KL/TƯ sẽ tạo chuyển biến mạnh, tác động tích cực đến công tác quản lý đất đai. Đồng thời, tạo sự tập trung, thống nhất trong quản lý đất đai; giảm tầng nấc hành chính trung gian; nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý ở cấp xã. Đặc biệt là đẩy mạnh số hóa và hiện đại hóa quản lý đất đai; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thành ủy và UBND thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, bảo đảm việc quản lý đất đai phát huy được tính tích cực, hiệu quả từ công tác sáp nhập.

Hà Nội bàn giải pháp tăng cường quản lý đất đai và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - ảnh 2
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Trong quá trình thực hiện sáp nhập và hợp nhất đơn vị hành chính, UBND thành phố đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường quản lý đất đai và xử lý vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm.

Điều hành phần thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, mặc dù nhiệm vụ chính trị đặt ra nặng nề, khối lượng công việc lớn, nhưng lãnh đạo các quận, huyện, thị xã thể hiện thái độ trách nhiệm rất cao, triển khai công tác nhanh, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.

“Lãnh đạo thành phố biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện, thị xã. Thủ tục hành chính chuyển lên Văn phòng UBND thành phố rất nhanh gọn và nhiều. Nên nếu không kịp thời điều chỉnh phương thức làm việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” thì chính cấp thành phố sẽ cản trở công việc, không đáp ứng được yêu cầu” - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về các biện pháp tăng cường quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính.

Chủ tịch UBND các quận, huyện cho biết, đã xử lý nghiêm đối với các vi phạm phát sinh, đồng thời cam kết duy trì tốt công tác quản lý, giữ ổn định tình hình và bảo đảm hiệu quả quản lý đất đai trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính, không để xảy ra gián đoạn, buông lỏng.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án Khu công nghệ cao sinh học (diện tích 140ha), quyết tâm để khởi công dự án vào tháng 9-2025, những ngày này, cán bộ quận, phường vẫn ngày đêm làm việc, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân và triển khai các phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Trình bày báo cáo về việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Cù Ngọc Trang cho biết, qua khảo sát sơ bộ công tác quản lý tài liệu lưu trữ tại một số đơn vị cho thấy tài liệu nhiều, hồ sơ phần lớn vẫn được bảo quản trong các tủ sắt đặt tại phòng làm việc. Điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, hầu hết các đơn vị chưa bố trí được phòng, kho hoặc bộ phận lưu trữ đảm bảo.

Việc này dẫn đến tình trạng tài liệu bị xuống cấp, khó tập hợp, hệ thống hóa tài liệu, mất nhiều thời gian tra tìm. Hiện nay, việc quản lý và tra tìm hồ sơ, tài liệu chủ yếu vẫn sử dụng cách thức truyền thống bằng sổ sách, giấy tờ và theo các danh mục được lập thủ công.

Tài liệu của các đơn vị hầu hết chưa được lập thành hồ sơ, không được sắp xếp đúng quy định nghiệp vụ, không xác định giá trị tài liệu trước khi lưu trữ. Tình trạng tại từng cấp như sau: tại cấp TP, nhìn chung tài liệu được quan tâm chỉnh lý và số hóa một khối lượng nhất định.

Tại cấp huyện, tài liệu lưu trữ phần lớn chưa được chỉnh lý hoặc đã được chỉnh lý một phần nhưng chất lượng chỉnh lý còn hạn chế, một số đơn vị đã triển khai số hóa một phần.

Tại cấp xã, phần lớn tài liệu được đặt hỗn hợp tại các kho, chưa có sự phân loại, chưa được chỉnh lý và số hóa do thiếu nhân sự chuyên trách về lưu trữ. Hiện tại Hà Nội chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung.

Thực hiện các chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy Hà Nội, Đảng ủy UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công lập Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội”. Mục tiêu đề ra số hóa kết hợp với sắp xếp lại hồ sơ tài liệu để phục vụ cho việc bỏ cấp huyện, sáp nhập xã theo tiến độ tại Kết luận số 127-KL/TW. Đồng thời, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung, bao gồm tài liệu của các cơ quan khối Đảng, khối chính quyền và khối đoàn thể trên địa bàn TP, đảm bảo dữ liệu được tập trung, liên thông, chia sẻ, tái sử dụng. Nâng cao hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất quản lý điều hành. Tạo nền tảng dữ liệu vững chắc để hình thành hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phục vụ người dân, DN và xã hội.

Việc số hóa tài liệu được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ số hóa tài liệu của cơ quan trên địa bàn TP gồm 5 ưu tiên (Ưu tiên 1: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối Đảng và chính quyền cấp huyện. Ưu tiên 2: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối Đảng và chính quyền cấp xã. Ưu tiên 3: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối Đảng cấp TP. Ưu tiên 4: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối chính quyền cấp TP. Ưu tiên 5: chỉnh lý, số hóa tài liệu khối đoàn thể của 3 cấp). Phục vụ tính cấp bách của việc sắp xếp lại các cơ quan cấp huyện, cấp xã theo Kết luận số 127-KL/TW, trong giai đoạn trước 30/6/2025, Đề án sẽ tập trung triển khai các ưu tiên 1 và ưu tiên 2. Đối với các ưu tiên còn lại, TP giao Trung tâm Phục vụ hành chính công xây dựng kế hoạch triển khai tập trung, chi tiết.

Giai đoạn 2: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung TP, trong đó, một số nội dung sẽ được thực hiện song song với Giai đoạn 1. Về đối tượng số hóa (trong giai đoạn trước 30/6/2025) gồm: số hóa toàn bộ tài liệu lưu trữ của các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể của cấp huyện và cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội có giá trị lưu trữ vĩnh viễn, tài liệu thường xuyên tái sử dụng.

Đối với các tài liệu đã số hóa, đã đảm bảo chất lượng theo quy định, sẽ đồng bộ dữ liệu, không số hóa lại, tránh lãng phí thời gian và ngân sách. Đối với các tài liệu đã chỉnh lý, đã đảm bảo chất lượng theo quy định, sẽ tiến hành số hóa, không chỉnh lý lại. Đối với các tài liệu đã chỉnh lý, nhưng chưa đảm bảo chất lượng, gây khó khăn cho quá trình số hóa, sẽ tiến hành chỉnh lý lại nhưng áp dụng đơn giá thấp hơn. Đối với các tài liệu còn lại, sau khi được chỉnh lý, sẽ được bàn giao cho đơn vị có thẩm quyền quản lý (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính) để tiếp tục lưu trữ.

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.000 phụ nữ tham gia diễu hành tôn giá trị áo dài Việt Nam

Hơn 1.000 phụ nữ tham gia diễu hành tôn giá trị áo dài Việt Nam

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 1985 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 115 năm Ngày quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2025), 95 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2025, sáng 29/3, tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, TƯ Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo, Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện Diễu hành áo dài. Đây cũng là sự kiện hưởng ứng "Tuần lễ áo dài" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động trên toàn quốc.
Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Nữ tướng Nguyễn Thị Định

(PNTĐ) -  Ngày 28/3/2025, tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội do đồng chí  Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội - làm Trưởng đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Hội LHPN Hà Nội thăm, tặng quà tri ân những tấm gương phụ nữ tiêu biểu tham gia Đội quân tóc dài và phong trào Đồng Khởi

Hội LHPN Hà Nội thăm, tặng quà tri ân những tấm gương phụ nữ tiêu biểu tham gia Đội quân tóc dài và phong trào Đồng Khởi

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình công tác tại các tỉnh Tây Nam Bộ, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội  đã có mặt tại tỉnh Bến Tre - vùng đất anh hùng gắn liền với phong trào Đồng Khởi, biểu tượng tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân miền Nam - địa chỉ đỏ trong chuỗi các hoạt động giáo dục truyền thống được Hội LHPN Hà Nội lựa chọn hướng đến kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.