Có còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?

Chia sẻ

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, rất khó để chứng minh có hành vi hiếp dâm và cũng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Vụ việc đã xảy ra quá lâu

TS.LS Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân, quyền bất khả xâm phạm về danh dự nhân phẩm. Bởi vậy trường hợp công dân bị xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, đến thân thể mà cụ thể là bị xâm hại tình dục thì có quyền làm đơn trình báo tố giác tội phạm gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Pháp luật khuyến khích mọi công dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, khuyến khích tố cáo tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà NộiTS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Bởi vậy, việc nhà thơ D.T.P tố cáo ai đó cưỡng hiếp là quyền của công dân được hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra có thể sẽ thụ lý tin báo. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có làm rõ được căn cứ để khởi tố hay không là vấn đề rất khó bởi sự việc đã quá lâu. Đồng thời cũng phải xem lại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ cho thấy nội dung tố cáo là đúng.

Khi có thông tin về tội phạm hoặc có đơn thư trình báo tố giác tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để có kết luận, xử lý theo quy định của pháp luật. Quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra có trách nhiệm thu thập các thông tin tài liệu có liên quan, lấy lời khai của người tố cáo, người bị tố cáo, người làm chứng, thu thập các dấu vết để lại trên hiện trường và các tài liệu đồ vật khác có liên quan để xác định sự thật khách quan, làm cơ sở giải quyết vụ việc.

Luật sư Cường phân tích, theo nội dung bản tường trình những người chứng kiến vụ việc còn có một số nhà thơ, phóng viên là đồng nghiệp của chị D.T.P. Ở thời điểm đó, theo đánh giá của ông N.L.T, họa sỹ báo Văn nghệ thời đó thì: Đó là một “sự việc rất không bình thường tại một cơ quan của Hội nhà văn Việt Nam, một tờ báo có uy tín của cả nước”. Sau đó, vụ việc này được lãnh đạo của báo Văn nghệ xem xét và cho rằng đó là “xô xát” giữa hai người.

Như vậy, kèm theo nội dung tố cáo thì có một bản photo lời khai của người làm chứng, trong văn bản này cũng ghi nhận có nhiều người chứng kiến sự việc. Tuy nhiên sự việc chỉ thể hiện là hai người chồm lên nhau và tay để ở vị trí cổ, có tiếng kêu cứu... Sau đó cơ quan lại xác nhận là sự việc chỉ là "xô xát" chứ không phải là hiếp dâm nên không đưa ra cơ quan chức năng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Với thông tin như vậy thì có thể vụ việc đã được giải quyết cách đây hơn 20 năm rồi và do không có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan chức năng đã không khởi tố vụ án hình sự. Bởi vậy, lần này khi người trong cuộc tố cáo và gửi đơn tới Cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra sẽ xác minh đơn, trường hợp vụ việc đã được xác minh giải quyết mà không có chứng cứ gì mới đồng thời đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra sẽ trả lời đơn chứ không thụ lý tin báo theo quy định pháp luật.

Pháp luật quy định ngoài trường hợp phạm tội quả tang có căn cứ rõ ràng có thể khởi tố ngay thì các trường hợp khác có đơn thư tố cáo, tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ phân loại đơn, nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì mới thụ lý tin báo và tiến hành xác minh theo quy định” – luật sư Cường thông tin.

Khó xác định hành vi hiếp dâm

Theo TS.LS Đặng Văn Cường, thực tế cho thấy, đối với những vụ án hiếp dâm mà đối tượng chưa thực hiện được hành vi quan hệ tình dục với nạn nhân thì rất khó để chứng minh tội phạm. Mặc dù pháp luật có quy định trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng đã hoàn thành về hành vi, tội hiếp dâm không bắt buộc phải có hậu quả nhưng chứng minh hành vi hiếp dâm mà đối tượng thực hiện hành vi quan hệ tình dục, không bắt được quả tang thì đó là thách thức cho cơ quan bảo vệ pháp luật. 

“Pháp luật quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Các chứng cứ để chứng minh hành vi hiếp dâm không chỉ phụ thuộc vào lời khai của người bị hại, lời khai nhận tội của bị can (nếu có) mà còn phải phụ thuộc vào các chứng cứ khách quan khác như lời khai của người làm chứng, các dấu vết để lại trên cơ thể, kết luận giám định...

Do pháp luật quy định tội hiếp dâm (trước đây là Điều 111 Bộ luật Hình sự 1999, nay là Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015) là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được nhằm thực hiện hành vi quan hệ tình dục là cấu thành tội phạm. Tuy nhiên nếu hành vi quan hệ tình dục chưa thực tế diễn ra thì các chứng cứ để chứng minh ý thức chủ quan của đối tượng (nhằm quan hệ tình dục trái ý muốn của nạn nhân) là rất khó” – luật sư Cường phân tích.

Thực tiễn cho thấy với những vụ việc hiếp dâm mà nạn nhân đã bị đối tượng dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được để quan hệ tình dục trái ý muốn và ngay sau đó nạn nhân lập tức trình báo sự việc với cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra lấy lời khai của hai bên, lời khai người làm chứng (nếu có), thu thập được các dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân và cơ thể nghi phạm, phát hiện tâm lý hoảng loạn sợ hãi của nạn nhân hoặc có tiếng kêu cứu la hét, có hành vi bỏ chạy, khi giám định pháp y tình dục phát hiện dấu vết trầy xước, sung huyết, tụ máu ở âm đạo của nạn nhân hoặc có thể thu giữ được tinh dịch của nghi phạm trong âm đạo nạn nhân thì đó là những vụ việc rõ ràng, có chứng cứ pháp lý chắc chắn để buộc tội. 

Còn đối với những vụ việc không bắt quả tang, một thời gian lâu sau nạn nhân mới tố cáo, nạn nhân đã tắm giặt hoặc giữa hai bên không có cào cấu cắn xé, la hét, bỏ chạy, không còn để lại dấu vết gì hoặc hành vi chỉ là va chạm vật lộn nhưng chưa có hành vi quan hệ tình dục thì rất khó để chứng minh đây là vụ hiếp dâm.

"Trong trường hợp có căn cứ để thụ lý tin báo thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ có dấu vết nào để lại trên cơ thể nạn nhân có thể thu thập được hay không? những người làm chứng có nhìn thấy hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn hay không? hay chỉ là hành vi xô xát? Tại sao đến bây giờ nạn nhân mới tố cáo? 

Nếu chỉ là lời khai một bên, người làm chứng không nhìn thấy hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn, và không có chứng cứ nào khác cho thấy có hành vi quan hệ tình dục "chưa đạt" thì dù trước đây cơ quan chức năng chưa giải quyết thì đến này cũng rất khó có thể kết luận đây là hành vi hiếp dâm.

Bởi vậy, do căn cứ về hành vi hiếp dâm theo nội dung đơn thư này là chưa rõ ràng, có thể đã được cơ quan chức năng giải quyết từ 20 năm trước và đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên rất có thể nạn nhân gửi đơn đến cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra cũng chỉ xem xét phân loại đơn, hướng dẫn chứ chưa chắc đã thụ lý tin báo theo quy định pháp luật" - luật sư Cường lo ngại.

Mới đây, vụ việc nhà thơ D.T.P – từng là phóng viên báo Văn nghệ, trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã tố cáo trên facebook cá nhân về việc từng bị ông L.N.A, hiện là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ cưỡng hiếp và vu khống cách đây 23 năm gây xôn xao dư luận xã hội.

Theo nhà thơ D.T.P, chị vào công tác tại báo Văn nghệ từ năm 1996 với vị trí phóng viên. Trong thời gian công tác tại báo Văn nghệ, chị đã nhiều lần bị thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức từ năm 1999, trong đó, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 14/4/2000 đã được nhiều người chứng kiến...

 QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.