Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù vì “Nhận hối lộ”

NAM ANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 15/1, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái cùng 7 đồng phạm trong vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra tại cơ quan này tiếp tục với phần luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục) mức án từ 12 – 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. 

Đối với 2 bị cáo bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Tô Mỹ Ngọc (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) từ 5 – 6 năm tù; Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát) từ 30 – 36 tháng tù.

Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù vì “Nhận hối lộ” - ảnh 1
Các bị cáo tại toà.

Nhóm cựu cán bộ NXB Giáo dục bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” bị VKS đề nghị xử phạt như sau: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing) mức án từ 20 - 24 tháng tù; Đinh Quốc Khánh (cựu Phó trưởng phòng In, Phát hành) mức án 23 tháng 4 ngày tù; Hoàng Lê Bách (Phó tổng giám đốc) mức án từ 30 – 36 tháng tù cho hưởng án treo; Lê Hoàng Hải (Phó tổng giám đốc) mức án từ 30 – 36 tháng tù cho hưởng án treo; Phạm Gia Thạch (thành viên HĐQT) mức án từ 30 - 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật của NXB Giáo dục Việt Nam. 

Theo đề nghị của Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh, bị cáo Nguyễn Đức Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định. Cụ thể, Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực…

Trong quá trình thực hiện các gói thầu, Nguyễn Đức Thái đã nhận hối lộ của hai nhà thầu Phùng Vĩnh Hưng và Minh Cường Phát tổng số tiền 24,9 tỉ đồng.

Theo VKS, việc đưa - nhận tiền diễn ra có tính chất quy luật, diễn ra trong nhiều năm. 

Đối với các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS xét thấy các bị cáo ở nhóm tội này không biết việc đưa nhận tiền của cựu Chủ tịch NXB Giáo dục nhưng vì chủ trương chung mà thực hiện hành vi triển khai tổ chức, trái quy định pháp luật. Trong đó, bị cáo Thủy tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Thái để cung cấp thông tin có lợi cho 2 doanh nghiệp nêu trên…

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. VKS nhận thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của NXB Giáo dục…

Tuy nhiên, khi đề nghị mức án, VKS cũng cho biết cần phân hóa vai trò, nhân thân, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của từng bị cáo. Trong đó, VKS xác định bị cáo Nguyễn Đức Thái giữ vai trò chính, thực hiện hành vi sai phạm nhiều lần nhưng từ giai đoạn điều tra, bị cáo đã tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo, nộp lại tiền nhận hối lộ và 50 triệu đồng nhằm khắc phục hậu quả. Ngoài ra, quá trình công tác, bị cáo có nhiều sáng kiến, nhiều thành tích...

Đối với bị cáo Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh, theo VKS, vì để doanh nghiệp được ký nhiều hợp đồng kinh tế mà các bị cáo đã thực hiện hành vi sai phạm. VKS nhận thấy hai bị cáo đã nhận thức hành vi phạm tội từ giai đoạn điều tra, nên đã khắc phục hậu quả. 

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thái bày tỏ sự tôn trọng quan điểm luận tội của đại diện VKS, đồng thời mong HĐXX cân nhắc, xem xét các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được sớm trở về với gia đình, xã hội. 

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Thái, VKS đã có mức đề nghị quá nặng và mong VKS, HĐXX cân nhắc đến bối cảnh phạm tội. Thời điểm 2016 – 2017, NXB đối diện với nhiều khó khăn, ông Thái chưa hề có kiến thức về xuất bản Sách giáo khoa nhưng do sự điều động, phân công nên đã về nhận chức tại NXB Giáo dục.

Với mong muốn đảm bảo SGK được đồng bộ, ổn định về chất lượng, bị cáo Thái đồng ý với chủ trương cho 2 doanh nghiệp nêu trên tham gia chào thầu. Thực tế, ông Thái chỉ đồng ý về mặt chủ trương, không can thiệp vào kết quả trúng thầu. Việc bị cáo Ngọc và Minh đưa tiền cảm ơn là do họ tự chủ động trích hoa hồng từ lợi nhuận. 

Với bối cảnh xảy ra, luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không xuất phát từ động cơ vụ lợi; từ đó, luật sư mong VKS, HĐXX cân nhắc, xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Thái.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục