Gửi tiền vào ngân hàng: Làm thế nào để đảm bảo an toàn?

P.V (anninhthudo.vn)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau hàng loạt vụ tiền tiết kiệm lên tới nhiều tỷ đồng của khách gửi tại ngân hàng bị ‘bốc hơi’, nhiều người đặt câu hỏi, khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại tổ chức tín dụng cần làm gì? Làm thế nào để đảm bảo an toàn tiền gửi?

Gửi tiền vào ngân hàng: Làm thế nào để đảm bảo an toàn? - ảnh 1
Khi gửi tiền tại ngân hàng, khách hàng không nên ký sẵn vào chứng từ trống

Mất tiền do lộ thông tin, ký sẵn chứng từ trống

Thời gian qua có không ít cá nhân bị mất tiền gửi online vì để lộ thông tin cá nhân. Người gửi không bảo mật tốt thông tin cá nhân, làm lộ mã OTP do nhấn vào các đường link lạ, không an toàn, trang rác có chứa vi rút, mã độc… nên đã tạo điều kiện cho các hacker xâm nhập và đánh cắp tài khoản tiền gửi online của người gửi.

Bên cạnh đó, một số khách hàng đã bị mất tiền do ký sẵn chứng từ quan trọng. Vì ngại mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt, khách hàng ký sẵn vào các chứng từ quan trọng để cán bộ ngân hàng có thể linh hoạt xử lý mà không để ý đến nội dung giấy tờ mình ký tên. Điều này đã tạo điều kiện cho các nhân viên ngân hàng có ý đồ xấu lợi dụng để rút tiền của khách hàng - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn luật sư Hà Nội nhận định.

Không chỉ có vậy, có khách hàng đã bị mất tiền do không gửi trực tiếp tại ngân hàng mà nhờ họ hàng, người quen gửi tiền tiết kiệm hộ hoặc qua những người tự xưng là nhân viên ngân hàng…

Để đảm bảo an toàn khi gửi tiết kiệm, cá nhân khi có ý định gửi tiền tại ngân hàng tuyệt đối không ký sẵn chứng từ trống. Khi giao dịch gửi hay rút tiền tại quầy cần ký vào giấy tờ ghi rõ nội dung giao dịch. Nhân viên ngân hàng khi giao dịch phải tuân thủ đúng quy trình và đưa giấy cho khách hàng ký. Khách hàng cũng cần đọc kỹ nội dung rồi mới ký vào giấy tờ giao dịch để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, khách hàng cần kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi như họ tên và địa chỉ của người gửi và đồng sở hữu, loại tiền, số tiền gửi, ngày gửi tiền, kỳ hạn gửi, ngày đến hạn, lãi suất, phương thức trả lãi…

Bởi trong một số trường hợp, nhân viên ngân hàng nhập nhầm số tiền gửi hoặc cố tình chiếm đoạt tiền gửi nếu sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi bị lỗi, không đầy đủ thông tin. Khách hàng không kiểm tra sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi sẽ không phát hiện ra cho đến khi mất tiền trong sổ tiết kiệm.

Khi phát hiện bị mất tiền phải làm gì?

Cũng theo luật sư Thu, khi gửi tiết kiệm, khách hàng cần kiểm tra tài khoản hàng tuần, hàng tháng qua dịch vụ Internet Banking hoặc Mobile Banking. Nếu phát hiện bị mất tiền gửi, khách hàng có thể báo ngay với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết nhanh chóng, đồng thời phải bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận.

Khách hàng không cho tuyệt đối không cho nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm khi đã gửi tiền, không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm và báo ngay cho ngân hàng khi mất, cố gắng duy trì một chữ ký cố định.

Đặc biệt, khi giao dịch trực tuyến mỗi cá nhân cần thận trọng, nên chú ý khi truy cập vào các trang web lạ. Khách hàng cũng nên cài đặt phần mềm diệt vi rút của các thương hiệu uy tín và cập nhật phiên bản mới để tránh trường hợp hacker xâm nhập, “đánh cắp” thông tin, rút tiền từ tài khoản tiết kiệm trực tuyến.

Khi có dự định làm thủ tục gửi tiền ở ngân hàng, cá nhân không nên giao dịch ngoài trụ sở mà đến thẳng các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng để trực tiếp giao dịch.

Khi nộp tiền khách hàng lưu ý ghi đầy đủ thông tin và thông số vào các chứng từ; chỉ nhận lại chứng từ, văn bản khi có chữ ký của giao dịch viên và dấu xác nhận của ngân hàng.

Nếu giao dịch số tiền lớn, người gửi tiền nên cân nhắc về việc mời đơn vị Thừa phát lại đến ngân hàng để lập Vi bằng toàn bộ quá trình giao dịch của mình. Ngoài ra, người dân nên chọn những Ngân hàng uy tín.

Khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại tổ chức tín dụng, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và có thể liên hệ luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Khách hàng không nên tham gia vào vụ án hình sự liên quan đến cá nhân cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền của mình.

Bên cạnh đó, cá nhân bị mất tiền có thể thu thập tài liệu để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tiền mà đối tượng kiện là ngân hàng. Bởi mối quan hệ giữa khách gửi tiền và Ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi - luật sư Thu nhấn mạnh.

Theo https://www.anninhthudo.vn/gui-tien-vao-ngan-hang-lam-the-nao-de-dam-bao-an-toan-post534673.antd

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.