Kết cục bi thảm của mối tình ngang trái

Chia sẻ

TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Lê Văn Chung (SN 1982, ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) ra xét xử về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án là chị Đ.T.T.B (SN 1982, đã mất) - người tình của bị cáo.

Cáo trạng truy tố, dù đã có vợ và hai con nhưng Chung vẫn có quan hệ tình cảm với chị B. Thời điểm đó, chị B đã ly hôn chồng và một mình nuôi ba con. Tháng 7/2020, hai người dọn về chung sống như vợ chồng. Đến tháng 8/2020, Chung và chị B thuê căn nhà ở khu tập thể Trung ương Đoàn (thuộc phường Quan Hoa, Cầu Giấy, HN) để ở và mở spa chăm sóc da mặt, gội đầu dưỡng sinh, bán mỹ phẩm. Sống cùng Chung và chị B là ba con của chị, chị gái của B, nhân viên spa. Do Chung hết lòng chăm sóc bốn mẹ con chị B nên các con chị gọi là bố.

Bị cáo tại tòaBị cáo tại tòa (Ảnh: Quỳnh An)

Trong quá trình sống chung, giữa chị B và Chung xảy ra mâu thuẫn. Chị B nghi ngờ Chung có người phụ nữ khác nên muốn chia tay. Nhiều lần, Chung nhắn tin giải thích, xin lỗi nhưng chị B không đồng ý. Khoảng 21h30 ngày 17/10/2020, Chung đang nằm ở tầng 3 thì biết chị B đi chơi về. Lúc này, bị cáo dùng điện thoại nhắn tin bảo chị B lên tầng 3 nói chuyện nhưng chị không lên. Do đó, hai người đã xảy ra cãi vã, Chung đã dùng dao đâm vào mình và chị B. Hậu quả Chung không chết, còn chị B đã tử vong.

Nhắc đến nguyên nhân vụ việc, bị cáo Chung trình bày: “Tình cờ, bị cáo gặp một nữ đồng nghiệp cũ nên có nhắn tin qua lại và mời đi cà phê. Không ngờ B lại ghen tuông, bị cáo có giải thích như thế nào cũng không được. Dù bị cáo đã xin lỗi nhưng cũng không được tha thứ”. Tuy nhiên, bác lại lời khai của Chung, chị H – chị gái sống cùng nhà với Chung và bị hại cho rằng, chính B đã nhắn tin cho chị nói về việc Chung doạ giết khi chị B đòi chia tay.

“Bị cáo nhận thức như thế nào về việc làm của mình?” – Toà hỏi. Bị cáo Chung cúi gằm mặt, nói bản thân vô cùng ân hận. “Ba con của chị B đã chịu cảnh bố mẹ ly hôn, nay lại tiếp tục chịu cú sốc mất mẹ. Hành vi của bị cáo không những làm cho ba con của bị hại mồ côi sớm mà còn ảnh hưởng đến hai con của bị cáo. Liệu các cháu sẽ lớn lên như thế nào khi có một người cha phạm trọng tội?” – Vị hội thẩm nhắc lại. Nghe thế, bị cáo đau xót nói: “Bị cáo biết lỗi rồi”.

Trong suốt phiên toà hôm ấy, chị X – vợ bị cáo lặng lẽ ngồi ở góc phòng. Chị cố giấu những cơn sóng đang cuộn trào trong lòng, nén nỗi đau để bao dung cho chồng. Trước đây, khi phát hiện chồng phản bội, chị đã vô cùng đau khổ. Chị từng níu giữ chồng, tìm mọi cách kéo chồng về với gia đình nhỏ, nhưng bất thành. Chồng chị vẫn đòi ly thân với vợ để chung sống với người tình. Chị đành dứt áo ra đi, đưa con về ngoại. Rồi chỉ mấy tháng sau, chị nghe tin chồng chị đã sát hại người tình rồi tự tử.

Khi chồng bị thương nặng do tự tử không thành, chị xin nghỉ việc ở công ty, túc trực chăm sóc chồng ở bệnh viện. Sau đó, chị cùng bố chồng lặn lội lên tận Cao Bằng – quê của chị B để thắp hương, phúng viếng… Giờ, chị chẳng còn trách ai. Bởi trước mặt chị, chồng chị, bố các con chị đang phải đối diện với mức án cao nhất của tội danh Giết người. Dù chồng chị sai thì lúc lâm nguy, chị vẫn ở cạnh, giúp đỡ anh…

Nghe bố bị hại đề nghị HĐXX xử với mức án cao nhất và đòi bồi thường gần 1 tỷ đồng, chị X vội đỡ lấy mẹ chồng đang nấc nghẹn bên cạnh. Chị làm công nhân, còn nuôi hai con nhỏ. Bố mẹ chồng chị làm nông nghiệp, có mảnh đất vườn cũng đã bán đi để bù đắp tổn thất cho gia đình chị B.

Vị luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng, xét về hành vi, bị cáo Chung đã quá sai lầm. Bị cáo chung sống không hôn thú với người khác là vi phạm chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng. Bị cáo lại sai lầm trong nhận thức, không kiềm chế được hành vi dẫn đến phạm tội. “Trong vụ án này, cần trách cả bị hại đã chấp nhận sống chung như vợ chồng với bị cáo khi biết bị cáo đã có vợ con. Đồng thời, người thân của bị hại cũng không có sự can ngăn khi họ chung sống với nhau trái pháp luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch đau lòng” – luật sư phân tích.

HĐXX xét thấy, hành vi của bị cáo là côn đồ và cần phải loại bỏ hoàn toàn khỏi xã hội nên đã tuyên phạt bị cáo Chung mức án tử hình về tội “Giết người”. Bị cáo đã phải trả giá cho hành động của mình, nhưng có lẽ, sau bản án ấy, nỗi đau của những người thân vẫn còn nguyên vẹn, trong đó có vợ bị cáo.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.