Kinh doanh vật tư y tế kém chất lượng để trục lợi

Chia sẻ

Lợi dụng nhu cầu sử dụng vật tư y tế (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…) của người tiêu dùng tăng cao để phòng chống virus Corona, nhiều đối tượng đã sản xuất, kinh doanh các loại khẩu trang, dung dịch sát khuẩn kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất

Dụng cụ tự chế gel rửa tay khô gắn mác Học viện Quân y vừa bị lực lượng chức năngTP Hà Nội phát hiện, thu giữDụng cụ tự chế gel rửa tay khô gắn mác Học viện Quân y vừa bị lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện, thu giữ (Ảnh: T.L)

“Tiền mất tật mang” từ hàng trôi nổi

Sử dụng khẩu trang, nước sát trùng được các chuyên gia y tế khuyên dùng để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh nCoV. Trước nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nhận thấy cơ hội kiếm tiền, Nguyễn Nhật Thọ ở huyện Gia Lâm đã mang hơn 1.000 chiếc khẩu trang được nhập qua đường tiểu ngạch từ Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đến khu vực gần chợ thuốc Hapulico (quận Thanh Xuân) để chào bán với giá “cắt cổ”: 90.000 đồng/chiếc khẩu trang dùng 1 lần. Bị tổ công tác liên ngành cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường quận Thanh Xuân phát hiện, Thọ không xuất trình hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng cho lô hàng lớn trị giá gần 100 triệu đồng.

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư y tế trong những ngày qua, ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết thêm: Có nhiều trường hợp tăng giá bán khẩu trang gấp 10 lần giá trị thực, trường hợp chào bán 200.000 chiếc khẩu trang với giá 175.000 đồng/hộp nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thông tin từ phía nhà cung cấp thì sản phẩm này được bán ra với giá bán chỉ 18.000 đồng/hộp. Ngoài việc tăng giá bán, từ thực tế kiểm tra, ông Nghĩa cảnh báo thêm về hiện tượng một số đối tượng rao bán khẩu trang y tế 4 lớp nhưng đã bớt xén, chỉ làm 3 lớp hoặc sử dụng nguyên liệu không có tác dụng khử khuẩn; nhuộm vải đen làm khẩu trang than hoạt tính…

Cùng với khẩu trang y tế, dung dịch sát trùng là mặt hàng đang bị làm giả với số lượng lớn. Ngày 8/2, Đội Quản lý thị trường số 26 và phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở sản xuất nước rửa tay khô. tại khu nhà ở cán bộ Học viện Quân y, quận Hà Đông. Nhận thấy nhu cầu sử dụng nước rửa tay để sát khuẩn của người tiêu dùng tăng cao, chủ cơ sở sản xuất đã học hỏi cách pha chế dung dịch sát khuẩn trên mạng rồi sử dụng cồn kết hợp với một số tinh chất để tạo thành nước rửa tay. Sản phẩm đã được thương mại hoá với giá bán hơn 70.000 đồng/lọ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy phép kinh doanh, công bố chất lượng… Đáng nói, trước khi bị phát hiện, sản phẩm này được gắn mác do Học viện Quân y sản xuất, rao bán công khai trên một số trang thương mại điện tử lớn và đã có gần 900 người mua hàng. Tại Thái Bình, cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn 7.000 lọ nước sát khuẩn dạng nước và dạng gel mang nhãn hiệu Rencide III, Hand sanitizer do công ty Thiên Ý sản xuất từ cồn công nghiệp, không đăng ký kinh doanh, không có tác dụng kháng khuẩn.

Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi

Trước thực trạng trên, ngày 9/2, một hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về việc sản phẩm nước rửa tay mang nhãn hiệu riêng của hệ thống này là CHOICE L đã bị làm giả và đang được bày bán công khai trên mạng xã hội. Đại diện hệ thống phân phối này khẳng định: Hiện nay siêu thị vẫn trong tình trạng đặt hàng nhà cung cấp và chưa có đợt hàng mới, nhiều điểm bán không còn hàng sẵn để đưa lên kệ. Vậy mà trên mạng xã hội, không ít tài khoản cá nhân vẫn đang rao bán tràn lan sản phẩm gel rửa tay nhái thương hiệu này. Đại diện hệ thống siêu thị chỉ ra dấu hiệu phân biệt: sản phẩm chính hãng có thiết kế màu rõ ràng, thông tin ba thứ tiếng là Anh, Việt, Hàn trong khi sản phẩm nhái chỉ có một thứ tiếng.

Nhiều bác sỹ, chuyên gia y tế đã lo ngại trước thực trạng hàng giả khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tăng mạnh trong đợt dịch bệnh nCoV. Người tiêu dùng vừa mất tiền vừa không có khả năng ngăn ngừa bệnh hiệu quả do hàng giả không có tác dụng phòng dịch. Vì vậy, những ngày qua, lực lượng công an và quản lý thị trường đã vào cuộc quyết liệt trong việc tuyên truyền, rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, định giá bán vật tư y tế bất hợp lý, trục lợi từ việc sản xuất hàng nhái, hàng giả với sản phẩm vật tư y tế. Tuy nhiên, trong quá trình đấu tranh, xử lý với các trường hợp sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn kém chất lượng, cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính, việc xử lý ở mức cao hơn gặp một số vướng mắc. Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, khẩu trang y tế và dung dịch sát khuẩn là những mặt hàng thiết yếu được dùng để phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay nhưng đang có vướng mắc là khẩu trang chưa được đưa vào mặt hàng bình ổn giá; không phải là mặt hàng nhà nước định giá. Biên bản xử phạt các trường hợp vi phạm phát hiện thời gian qua chủ yếu ở hành vi không niêm yết giá bán. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, lực lượng chức năng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước đưa sản phẩm này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi bán giá cao hơn quy định.

Việt Bách – Nguyễn Hương 

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.