Phải chăng gia đình không còn là nơi trẻ tin tưởng sẻ chia?

Chia sẻ

PNTĐ-Nhận thấy vấn đề "Trào lưu tự thú: Thú tội thật trên xã hội ảo" được nhiều bạn đọc quan tâm, báo PNTĐ mở diễn đàn về vấn đề này từ số 12. Mời bạn đọc tham gia thảo luận.

 
Tôi thật sự giật mình trước một trào lưu đang thịnh hành trong giới trẻ sau khi đọc bài báo này. Điều gì khiến cho trẻ tin tưởng trút hết tâm tư; thậm chí là những điều thầm kín nhất vào mạng ảo thay vì tìm đến chia sẻ cùng bố mẹ và người thân trong gia đình?
 
Phải chăng gia đình không còn là nơi trẻ tin tưởng sẻ chia? - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Tôi là một cán bộ về hưu mấy năm nay, hiện đang sống cùng vợ chồng con trai và hai đứa cháu đang học cấp 2, cấp 3. Vợ chồng con trai tôi làm kinh doanh nên rất bận, việc quản và dạy dỗ con cái đều thông qua giúp việc, gia sư và nhà trường. Từ nhỏ đến lớn, hai đứa trẻ kín mít với lịch học, rảnh rỗi chút nào chúng vùi đầu vào lướt web, chơi game. Thời đại công nghệ cùng với những thiết bị tân tiến không chỉ khiến trẻ đam mê mà ngay cả người lớn cũng khó cưỡng.
 
Trước đây, sau bữa cơm gia đình, cả nhà cùng nhau ngồi xem ti vi, nói chuyện, chia sẻ với nhau những vấn đề gặp phải trong ngày. Nhưng giờ cũng ngồi lại với nhau nhưng bố thì chăm chú xem đá bóng, mẹ mải miết với chiếc Ipad, con cái dính chặt vào chiếc máy nghe nhạc hoặc trò chơi điện tử trên điện thoại. Ai cũng chăm chú vào việc của mình, đến giờ ai về phòng nấy. Tình trạng này không chỉ diễn ra chỉ ở gia đình tôi mà phổ biến hầu hết trong các gia đình đô thị.
 
Bố mẹ bận nên việc quan tâm, chia sẻ với con cái rất ít ỏi. Các cháu tôi hầu như tự xoay xở trong phương pháp dạy con tự lập của bố mẹ. Có lần tôi bắt gặp cháu gái lúng túng gọi điện thoại hỏi bạn cách đóng băng vệ sinh, cháu trai hì hục không biết làm cách nào cho "cậu nhỏ" "mềm" xuống để mặc quần đi học. Chia sẻ với con ít nhưng con trai tôi lại áp dụng kỷ luật rất khắt khe. Học hành chểnh mảng, làm hỏng hay mất đồ, chúng đều bị bố mẹ phạt rất nghiêm khắc. Tôi có cảm giác không chỉ có cháu tôi mà rất nhiều đứa trẻ mà tôi biết đều có cảm giác sợ bố mẹ nhiều hơn là yêu thương.
 
Một khi trẻ con lớn lên trong niềm sợ hãi với những kỷ luật sắt của bố mẹ thay vì được thông cảm, chia sẻ, ắt hẳn chúng sẽ không dám thổ lộ tâm tư. Khi cô đơn, chúng sẽ có nhu cầu được chia sẻ, kết nối. Trong khi làm điều ấy với bố mẹ quá khó khăn thì mạng xã hội ảo lại quá dễ dàng, trẻ bị cuốn vào đó là điều dễ hiểu. Các cháu tôi một ngày không nói chuyện với bố mẹ nhưng lại vài ba lần vào Facebook nói chuyện với bạn bè từ chuyện thầy cô "bất công" khi cho điểm, đến chuyện đứa bạn kia đang có vấn đề về tình cảm với bạn khác giới...
 
Phải chăng tất cả những điều đó là nguyên nhân khiến cho trẻ mê xã hội ảo hơn xã hội thật, và “trào lưu thú tội” kia đã là một thực tế cảnh báo cho các bậc cha mẹ về những nguy cơ mà con cái gặp phải khi lạc vào thế giới ảo không có người định hướng kia.    
 
Tô Văn Phấn
 (Hạ Đình, Thanh Xuân, HN)

Sau khi số báo số 11 (phát hành ngày 13/3/2013), Toà soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bài báo "Trào lưu tự thú: Thú tội thật trên xã hội ảo". Nhận thấy đây là vấn đề được đông đảo bạn đọc quan tâm và cần có cái nhìn toàn diện hơn, báo Phụ nữ Thủ đô bắt đầu mở diễn đàn về vấn đề này từ số báo 12.  Mời bạn gửi ý kiến tham gia thảo luận, những ý kiến được trích đăng sẽ được hưởng nhuận bút. Bài thảo luận gửi về hộp thư: baophunuthudo@gmail.com hoặc Báo Phụ nữ Thủ đô 72, Quán Sứ, Hoàn Kiếm, HN.
 

Tin cùng chuyên mục

Vợ đẹp con khôn sao chồng vẫn ngoại tình?

Vợ đẹp con khôn sao chồng vẫn ngoại tình?

(PNTĐ) - Trong cuộc sống, không ít trường hợp đàn ông có gia đình êm ấm, vợ xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại ngoại tình với “con giáp thứ 13” già, xấu hơn “chính thất”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đàn ông chấp nhận đánh đổi mọi thứ để chạy theo một người phụ nữ có nhiều mặt thua kém vợ?
Phụ nữ sao không thể độc thân?

Phụ nữ sao không thể độc thân?

(PNTĐ) - Bữa đó, Lê về nhà, nhìn mặt bố mẹ, cô biết ngay ông bà đang giận mình. Quả nhiên, khi Lê xuống bếp giúp mẹ nấu cơm thì bà vùng vằng, nói dỗi: “Hai thân già này có thể tự lo cho nhau, không khiến cô suốt ngày quanh quẩn quanh chúng tôi. Cứ mãi thế này, tôi và bố cô chết không nhắm được mắt”.
Trầm cảm trẻ em và vị thành niên

Trầm cảm trẻ em và vị thành niên

Liên tiếp các vụ trẻ vị thành niên tự sát xảy ra trong thời gian qua làm dấy lên một nỗi lo ngại của xã hội về vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên. Trong đó trầm cảm – căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở lứa tuổi này đã được đề cập nhiều.