“Nói không với túi nilon”

Chia sẻ

PNTĐ-Đó là chiến dịch hướng tới thay đổi nhận thức tiêu dùng của cộng đồng do một nhóm bạn trẻ phát động với mong muốn có thể góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp...

 
Đó là chiến dịch hướng tới thay đổi nhận thức tiêu dùng của cộng đồng do một nhóm bạn trẻ  phát động với mong muốn có thể góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, nhất là ở đô thị lớn như Hà Nội – nơi có lượng túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày rất lớn.
 
“Nói không với túi nilon”  - ảnh 1
Các bạn trẻ kêu gọi người dân dùng túi vải thay thế túi nilon
 
Chiến dịch bắt đầu từ đầu năm 2016 theo sáng kiến của Hoàng Thảo, một Thạc sĩ về Quản lý hành chính công cùng sự tham gia của Nguyễn Hương Giang - hiện đang học Thạc sĩ tại Pavia Italia và Minh Anh - hiện đang thực tập nghiên cứu tại Nhật Bản về xử lý nước thải cùng một số cộng tác viên khác.
 
Hoàng Thảo cho biết, trong thời gian sống và học tập tại Nhật Bản, Thảo rất khâm phục ý thức tự giác của người dân tại đất nước Mặt trời mọc trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường đất nước và không gian sống trong ngôi nhà của mình. Họ bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhưng thiết thực hàng ngày như tự mang túi đi mua đồ để không phải sử dụng nhiều túi nilon. Các siêu thị ở Nhật Bản cũng khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nilon bằng cách tính thêm tiền túi vào hóa đơn mua hàng. Thảo nghĩ, nếu người dân Việt Nam cũng tự giác làm những điều như thế thì chắc chắn, dải đất hình chữ S sẽ ngày một xanh hơn.
 
Và Thảo đã chọn khẩu hiệu tuyên truyền cho chiến dịch bảo vệ môi trường của mình là “Nói không với túi nilon”. “Nilon là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn đất, ảnh hưởng tới môi trường sống của các thế hệ tương lai. Hiện nay, công tác xử lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt. Khi đốt túi nilon sẽ tạo ra khí thải dioxin, cacbonic, mê tan cực độc có thể gây ra ung thư, suy giảm hệ miễn dịch nếu hít phải. Khi chôn thì nilon, đồ nhựa sẽ gây ra nhiễm độc đất, nước, phá hủy hệ sinh thái”- Thảo trăn trở.
 
Do những nguy hại như vậy, một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Phillipines, Malaysia… đã cố gắng thực thi hạn chế túi nilon trong sinh hoạt. Ở Châu Phi, đã có 10 quốc gia ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon. Nhận thức được vấn đề này, một số TP lớn ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các bà nội trợ hạn chế sử dụng túi nilon tràn lan. Vì thế, phát động chiến dịch “Nói không với túi nilon”, các bạn trẻ mong muốn cùng góp tiếng nói hướng tới mục đích chung.
 
Các bạn đã lập ra trang facebook “Nói không với túi nilon để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và bàn thảo giải pháp nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường, hướng đến lối sống bền vững hơn. Ngoài ra, các bạn còn tổ chức các sự kiện, buổi thảo luận hướng dẫn cộng đồng tái chế rác thải, cổ vũ xu hướng dùng túi vải để đi chợ hàng ngày thay cho dùng túi nilon, sử dụng cốc, hộp… dùng nhiều lần khi đi mua đồ…
 
Đến nay, trang “Nói không với túi nilon” hiện đã thu hút khoảng hơn 11.000 lượt like và nhận được phản hồi rất tích cực. Có chị em chia sẻ đã từ bỏ thói quen dùng túi nilon khi đi mua hàng. Các bạn thanh niên, sau khi được nâng cao nhận thức đã tình nguyện trở thành tuyên truyền viên tích cực của chiến dịch. Để tạo thành chuỗi thay đổi vững chắc, nhóm còn tác động tới các cơ sở bán hàng để từ người bán đến người mua đều quyết tâm nói không với túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
 
“Để thay đổi thói quen, nhận thức của mọi người là không dễ dàng. Nhưng, cứ kiên trì rồi chúng ta sẽ thành công, còn hơn không bao giờ làm” - Thảo tâm sự.

Thái Anh

Tin cùng chuyên mục

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

(PNTĐ) - Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV và AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.