Vợ chồng sao còn phân biệt “riêng-chung”?

Chia sẻ

PNTĐ-Tìm đến phòng tư vấn Tâm Giao, chị Hoàng Thị Thu H (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) kể về cuộc hôn nhân đang mâu thuẫn trầm trọng bắt nguồn từ vấn đề tài sản riêng trong hôn nhân.

  
Hai vợ chồng chị H kết hôn năm 2015, chồng chị là người Thái Bình ra Hà Nội lập nghiệp. Anh chị yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân trong điều kiện không có nhà riêng để ở sau khi cưới. Bố mẹ chị H bấy giờ đang có một căn chung cư cho thuê nên đã đồng ý để vợ chồng con gái “mượn” ở.
 
Vợ chồng sao còn phân biệt “riêng-chung”? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Nói là “mượn” nhưng ai cũng ngầm hiểu trước sau gì ông bà cũng cho vợ chồng chị H căn hộ đó. Bởi, ông bà chỉ có hai con, đất đai rộng rãi, lại có thêm khoản đền bù ruộng đất nên kinh tế dư giả. Ông bà đã bán một phần đất để lấy tiền xây nhà cho con trai. Số tiền đền bù ruộng đất, họ mua một căn hộ chung cư dự tính chia phần cho con gái sau này. Bản thân chồng chị H cũng nghĩ bố mẹ vợ có điều kiện kinh tế thì cho con cháu nhà cửa cũng là chuyện bình thường. 
 
Cuối năm 2018, bố mẹ chị H họp gia đình thống nhất cho con gái căn hộ chung cư. Khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, ông bà bảo chỉ cho một mình con gái đứng tên sở hữu căn hộ. Họ yêu cầu con gái làm thủ tục xác nhận đây là tài sản riêng của mình.
 
Khi chị H nói chuyện xác lập tài sản riêng với chồng, anh tức giận bảo vợ chồng rồi sao lại phân biệt của chung, của riêng. Nếu chị làm như thế tức là không xem anh là chồng, sống với nhau mà còn chia “của vợ”, “của chồng” thì còn gì là người một nhà. Anh cũng tuyên bố nếu chị muốn tạo của riêng thì ly hôn, còn không thì thủ tục sở hữu nhà cửa phải đứng tên hai vợ chồng.
 
Lâu nay, anh vẫn luôn quan niệm “của chồng công vợ” nên tiền kiếm được đều đưa về cho vợ quản lý, nhà cửa cần sửa chữa, mua sắm, anh vay mượn bên ngoài để làm. Những khoản nợ ấy, một mình anh lo trả dần, không hề tính toán thiệt hơn với vợ. Vậy sao bây giờ, vợ được bố mẹ cho tài sản lại chỉ tính toán cho riêng bản thân. 
 
Chị H cũng thấy khó xử nên về bàn bạc lại với bố mẹ để căn hộ đó thành của chung hai vợ chồng. Tuy nhiên, bố mẹ chị nhất định không đồng ý. Họ phân tích cho con hiểu việc cần thiết phải bảo vệ quyền lợi riêng của mình trong hôn nhân. Ông bà lấy ví dụ về những trường hợp hôn nhân có vấn đề, người vợ phải ra đi tay trắng, hoặc phải chia đôi tài sản vốn là của riêng mình trước đó cho người chồng bội bạc, bạo lực lại vợ. Sở dĩ họ làm như vậy cũng là để bảo vệ cho mẹ con chị sau này.
 
Nếu hôn nhân của chị gặp sự cố còn có chỗ ở, tài sản để nuôi con. Việc con rể nhất quyết đòi quyền sở hữu chung căn hộ cũng khiến ông bà cho rằng anh tham lam, đòi hỏi những thứ không thuộc về mình. Điều đó cho thấy, anh cũng chẳng phải là người tốt thật sự, vậy nên con gái ông bà càng phải đề phòng, phải bảo vệ quyền lợi tài sản riêng của mình hơn.
 
Mâu thuẫn cứ thế nảy sinh không chỉ giữa vợ chồng chị H mà còn cả mối quan hệ bố mẹ vợ với con rể. Bây giờ, chị H không biết ứng xử thế nào khi chồng tuyên bố vợ xác lập tài sản riêng thì sẽ ly hôn, còn bố mẹ chị bảo không chuyển quyền sở hữu nhà cho con gái nếu như chị H biến của riêng thành của chung. 
 
Mặc dù, luật pháp công nhận vợ chồng có quyền xác lập tài sản trong hôn nhân. Tuy nhiên thực tiễn, vấn đề này lại trở nên phức tạp với nhiều quan niệm trái chiều khác nhau. Làm thế nào để tài sản riêng được chấp nhận trong hôn nhân mà không ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng?
 
 
Báo PNTĐ

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.