Đừng biến trang phục dân tộc thành "lố bịch"

Chia sẻ

PNTĐ-Dư luận lại ồn ào quanh chuyện trang phục lấy cảm hứng từ bàn thờ gia tiên Việt Nam trong cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc cho Á hậu Hoàng Thuỳ dự thi HH Hoàn vũ TG 2019...

 
Dư luận lại ồn ào quanh chuyện bộ trang phục lấy cảm hứng từ bàn thờ gia tiên Việt Nam trong cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc cho Á hậu Hoàng Thuỳ dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2019. Hậu quả có phần nặng nề khi dư luận “đánh đồng” về trình độ thiết kế của các nhà thiết kế Việt, cùng những quan ngại về thực trạng trang phục dân tộc hiện nay…
 
Đừng biến trang phục dân tộc thành
“Tôi phải can đảm lắm mới dám mặc bộ trang phục Bàn thờ”

 
1 Tất nhiên, đơn giản đây chỉ là một trong số các thiết kế dự thi, với mục đích câu view, gây hoang mang dư luận. Có ý kiến cho rằng, đơn vị tổ chức cuộc thi đã cố tình đẩy sự việc lên để gây chú ý. Điều hài hước của thiết kế “bàn thờ” này là sử dụng yếu tố tâm linh không hợp lý, gây phản cảm, các chi tiết sa vào tả thực, trong đó miêu tả trọn vẹn cả khung ảnh, bát nhang, sét cơm canh bày lên ban…
 
Có thể thấy, việc tả thực phần nào là hệ quả từ những thiết kế trước đó chúng ta đã “tung hô” như bộ trang phục bánh mì Hội An mà H’HenNiê diện hồi năm ngoái. Mặc dù trở thành một trong những trang phục ấn tượng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, nhưng bộ váy “bánh mì” không đại diện cho hình ảnh trang phục, văn hoá dân tộc Việt. Chưa kể, nhiều ý kiến còn cho rằng trang phục gây “rùng mình” khi chiếc bánh mì cùng nhân kẹp của nó được thể hiện hơi thô, không tinh tế. 
 
Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã có những thiết kế tương tự. Gần nhất là Lào, Indonesia, Thái Lan... từng đưa hình ảnh di tích chùa Vàng, ngôi đền, xe tuk tuk, bát canh tomyum… mang yếu tố tâm linh, ẩm thực, giao thông, đôi khi khá cồng kềnh lên trang phục. Dễ thấy, nhiều ý tưởng thiết kế trang phục dân tộc Việt hiện nay có sự học hỏi, bắt nhịp với sự sáng tạo của các nước, phần nào giúp các ý tưởng phong phú, thú vị hơn. Nhưng, không phải cái gì của thế giới cũng nên học theo, mà điều quan trọng là chúng ta có bản sắc độc đáo gì trưng với thế giới?!
 
2 Với mỗi một cuộc thi, mỗi người đẹp ngoài việc thi đấu, còn mang thêm một trọng trách là giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt với bạn bè thế giới. Những trang phục được gọi là “trang phục dân tộc” đem đi dự thi cũng cần mang theo trọng trách, tinh thần đó. 
 
Đáng tiếc là hiện nay chúng ta đang có xu hướng lạ hoá, cầu kỳ hoá… trang phục dân tộc, gây nên hệ quả là tạo lối mòn tư duy khá rườm rà, rối mắt, nặng nề, kể lể theo cách “tự nhiên chủ nghĩa”. Ham hoành tráng như người đẹp Thúy Vy đã tự biến mình thành một con công loè loẹt, rối rắm, thiếu cân đối về tỉ lệ trang phục, không tôn được vẻ đẹp hình thể, không đại diện cho văn hoá nào.
 
Hay như bộ trang phục của Hoa hậu Nguyễn Thị Loan được ghép nối từ 5-7 màu diêm dúa, loè loẹt ở phần tà, rồi bỗng dưng có hai chiếc nón khổng lồ gắn hai bên hông, bên trên là chiếc quạt cũng khổng lồ… khiến cả bộ trang phục nặng nề, chắp vá. 
 
Cũng phải ghi nhận là chúng ta từng có những bộ trang phục dân tộc được các người đẹp đem đến các cuộc thi sắc đẹp thế giới khá tốt cả về ý tưởng lẫn thiết kế. Như bộ trang phục của Á hậu Hoàng My được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân với chất liệu, màu sắc đậm tính dân tộc, hay như bộ trang phục Nam vương Tiến Đoàn, người đẹp Khả Trang đem đi “ứng thí” tỉ mỉ, công phu từng chi tiết. Sự sáng tạo dù vẫn dựa trên truyền thuyết Cha rồng mẹ Tiên quen thuộc, những thiết kế này vẫn mang đầy đủ yếu tố sân khấu, văn hoá, và truyền thống. 
 
3 Xin đừng đem “văn hoá dân tộc” trở thành một chiêu trò truyền thông.  Điều chúng ta cần là tôn vinh văn hoá dân tộc trong sự sáng tạo và hợp thời trang, mà đích đến là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế sẽ ấn tượng, trân quý một nền văn hoá Việt giàu bản sắc, tinh tế, có bề dày truyền thống...
 
Để làm được điều đó, ngoài sự nghiêm túc, ý thức và tâm huyết của các nhà thiết kế, còn cần có sự tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, các nhà văn hoá… cùng nhau nghiên cứu kỹ lưỡng nền văn hoá đa dạng của Việt Nam để tìm ra ý tưởng. Từ đây, kết hợp với các kỹ thuật nghề thủ công truyền thống của dân tộc mới đảm bảo được yếu tố bản sắc, mà vẫn đủ sức gây ngạc nhiên cho bạn bè thế giới.
 
Điều mà những người làm thời trang thấy tiếc nuối là các thiết kế áo dài dành cho các cuộc thi nhan sắc thế giới đang ngày càng ít đi, trong khi những thiết kế “kỳ lạ” chiếm ưu thế. Cả thế giới biết đến Việt Nam với tà áo dài. Áo Dài được nhắc đến như một tên riêng không phải dịch sang bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Nó trở thành “chữ ký” cho trang phục dân tộc Việt Nam. Tại sao chúng ta không nỗ lực tôn vinh áo dài?!
 
 
NTK Cao Minh Tiến 
 
 
Nam Phong (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Khởi động Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2026 - “Việt Nam Bừng Sáng“

Khởi động Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2026 - “Việt Nam Bừng Sáng“

(PNTĐ) - Chiều 8/6, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố khởi động Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2026 với chủ đề “Việt Nam bừng sáng”. Không chỉ là một cuộc thi nhan sắc, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2026 còn hướng tới việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Vũ Cát Tường kể câu chuyện tình cảm gia đình đầy xúc động trong MV Bên Nhau Mình Là Nhà

Vũ Cát Tường kể câu chuyện tình cảm gia đình đầy xúc động trong MV Bên Nhau Mình Là Nhà

(PNTĐ) - MV Bên Nhau Mình Là Nhà của Vũ Cát Tường vừa chính thức ra mắt vào tối 29/5, là một dự án âm nhạc giàu cảm xúc, mang thông điệp sâu sắc về tình thân. Ca khúc như lời nhắc nhở đầy dịu dàng rằng tình yêu thương gia đình luôn hiện hữu bên ta, là chốn bình yên để quay về và là nguồn động lực giúp ta vững bước qua những thử thách của cuộc sống.
Khám phá sân chơi sáng tạo: Khi “chơi” cũng giúp trẻ lớn khôn

Khám phá sân chơi sáng tạo: Khi “chơi” cũng giúp trẻ lớn khôn

(PNTĐ) - Mỗi dịp hè về, một trong những mối quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh sống tại các đô thị lớn là làm sao để con trẻ có những sân chơi bổ ích, an toàn và đủ sức thu hút. Không gian sinh hoạt ngoài trời ngày càng thu hẹp, còn lịch học thêm, ôn luyện cũng dễ khiến mùa hè trở thành một “học kỳ ba” áp lực.