Đổi phế liệu, giữ màu xanh

Chia sẻ

PNTĐ-Rác thải không phải là phế liệu bỏ đi mà có thể tái chế sử dụng để hạn chế tác động ra môi trường, nhất là rác thải nhựa...

  
Nhận thức sâu sắc được điều này, nhiều cơ sở Hội Phụ nữ đã triển khai hoạt động “Đổi phế liệu, giữ màu xanh” đạt hiệu quả cao. Hàng ngày, rác thải trong gia đình được chị em phân loại tại nguồn, rác thải tái chế được thu gom, làm sạch để hàng tuần, hàng quý tổng kết, bán phế liệu gây quỹ cho các mục đích xã hội từ thiện.  
 
Tại huyện Phú Xuyên, sau khi dành thời gian cho công việc đồng áng và gia đình, chị em hội viên tại các xã lại tranh thủ thu gom rác tái chế. Với chiếc túi nhỏ mang theo mình, đi trên đường, qua các tổ dân phố, thấy chai nhựa, vỏ lon bia, giấy vụn... chị em thu gom đưa về điểm tập kết, đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động bà con trong xóm, trong làng không đổ rác bừa bãi, không xả thải rác tái chế, khó phân hủy ra môi trường.
 
Đổi phế liệu, giữ màu xanh - ảnh 1
Hội Phụ nữ thị trấn Phú Xuyên phát động thu gom phế liệu gây quỹ “Vòng tay nhân ái”

 
Việc làm ý nghĩa và hữu ích này đã được 100% các chi hội trên địa bàn triển khai hiệu quả. Đến nay, các cơ sở hội đã thu được gần  11.000 kg rác tái chế, bán được gần 44 triệu đồng dùng để hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, tặng học bổng cho học sinh… Cũng nhờ xử lý rác tại nguồn mà rác thải sinh hoạt của các gia đình được phân loại hằng ngày, ngõ xóm thêm sạch, không còn chai nhựa, vỏ lon vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan, để lại tác động xấu đến môi trường.
 
Tại quận Hà Đông, phong trào “Đổi phế liệu giữ màu xanh” đã có sức hút với đông đảo hội viên và được duy trì nhiều năm nay. Sau vài tuần chị em mang bán chai nhựa, vỏ hộp giấy... Số tiền nhận được tuy không quá lớn, chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu nhưng đều được chị em tích cóp lại, sau đó dùng để mua gạo, mắm, thực phẩm nấu cháo miễn phí cho các bệnh nhân đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện K. Nhìn những người nghèo khó vui mừng đón nhận bát cháo thơm thảo, chị em hội viên xúc động và đó chính là động lực để phong trào ngày càng lan tỏa. 
 
Tại quận Long Biên, phường Ngọc Lâm là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chương trình “Đổi chai lọ nhựa lấy cây”. Các bà, các mẹ, các chị thu gom vỏ chai lọ nhựa, vỏ chai nước giặt để đổi lấy cây hoa, cây cảnh về trồng tại nhà hoặc xóa điểm chân rác tại tổ dân phố. Tuy mới triển khai nhưng trong quý 2 năm 2019 - quý đầu tiên thực hiện, hơn 100 hội viên của phường đã thu gom trên 1.700 chai lọ nhựa đổi lấy gần 300 cây xanh các loại. Các chai lọ nhựa sau khi thu gom sẽ được phân loại, tái chế thành chậu trồng hoa hoặc bán phế liệu để lấy kinh phí mua các giống cây.
 
Chị Nguyễn Thanh Mai - Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: Khi thực hiện chương trình này, chúng tôi mong muốn không chỉ cán bộ, hội viên phụ nữ mà các tầng lớp nhân dân cần có ý thức hơn về bảo vệ môi trường và thay đổi từ những hành vi nhỏ nhất đến những hành động, việc làm ý nghĩa để bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, phường Ngọc Lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ các phường bạn tham gia chương trình “Đổi chai lọ nhựa lấy cây” đầy ý nghĩa này.
 
 
Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

(PNTĐ) - Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV và AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.