Kỳ 3: Tiếng cười trên những “miền quê đáng sống”

Chia sẻ

PNTĐ-Thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, mô hình tự quản hiệu quả, thiết thực…thể hiện vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.

 
Giờ đây, đi đâu, người ta cũng có thể  nghe thấy tiếng cười giòn tan, gương mặt rạng rỡ của người dân khi được vui sống trên những miền quê Xanh - Sạch - Đẹp với sân chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng, các thiết chế văn hóa…
 
“Sức hút” từ những nhà văn hóa
 
Cứ mỗi cuối tuần, chị Đắc Thị Hoàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai lại tới nhà văn hóa thôn 6 để quét dọn, tưới, cắt tỉa cây. Công trình nhà văn hóa thôn 6 khang trang rợp bóng cây, phía trước có hồ nước là niềm tự hào, thành quả của chị Hoàn và các chị em hội viên Hội Phụ nữ.
 
Xã Cộng Hòa gồm 6 thôn, nhưng trước đây, người dân ở cả 6 thôn đều thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, nhà văn hóa ở thôn 6 bị bỏ hoang từ năm 2009, cây cỏ dại mọc um tùm, là nơi đổ rác thải và tụ tập của đám thanh niên xấu. Điểm sinh hoạt cộng đồng ở các thôn 2, thôn 5 tận dụng mấy lớp học cũ. Thôn 1, thôn 4, thôn 3 có nhà văn hóa nhưng chỉ rộng chưa đầy 200m2, cơ sở vật chất cũng xuống cấp, không đủ chỗ cho người dân trong thôn đến dự họp. Khi cần tập trung bà con để phổ biến chủ trương, chính sách, họp chi bộ, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, chính quyền, đoàn thể các thôn thường phải mượn địa điểm của nhà chùa, trường mầm non hoặc chia thành các ca họp khác nhau…
 
Năm 2018, Hội LHPN huyện Quốc Oai đăng ký thực hiện mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa Xanh - Sạch - Đẹp thân thiện với môi trường”, chọn làm điểm tại thôn 6 xã Cộng Hòa. Từ chủ trương ấy, chị Hoàn cùng các cán bộ, hội viên phụ nữ đã bàn bạc, lên kế hoạch “hồi sinh” nhà văn hóa thôn 6. Hội đề nghị UBND xã hỗ trợ kinh phí đẽo, trát lại tường, lát nền, mắc đường điện, cán bộ phụ nữ bỏ công sức làm cỏ, phát quang cây dại, vận động người dân đóng góp kinh phí sơn tường, thiết kế vườn, trồng mới cây xanh, hoa… trong khuôn viên nhà văn hóa.
 
Sau 10 ngày thi công, công trình hoàn tất trong sự ngỡ ngàng của người dân. Nhà văn hóa xuống cấp, hoang hóa trước kia đã được thay thế bằng trụ sở mới khang trang, có đủ các thiết chế loa, tivi phục vụ hội họp nằm giữa khuôn viên vườn rộng 3-4 sào ngập tràn cây xanh. Nhà văn hóa còn có đủ các phòng chức năng như phòng đánh bóng bàn, phòng đọc sách báo với nhiều đầu sách phong phú phục vụ nhu cầu nâng cao văn hóa đọc cho bà con, phòng làm việc của một số đoàn thể…
 
Bên ngoài có sân chơi cầu lông, các thiết bị tập thể dục thể thao cho người lớn, đu quay, cầu trượt cho trẻ em… Đến nay nhà văn hóa thôn 6 đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng tấp nập người qua lại. Mỗi khi có hội họp, chính quyền, Hội LHPN thôn đã có thể mời bà con tới tham gia đông đủ, không còn phải lo lắng tìm chỗ “họp nhờ” như trước.
 
Kỳ 3: Tiếng cười trên những “miền quê đáng sống” - ảnh 1
Các nhà văn hóa ở Quốc Oai với đầy đủ thiết chế văn hóa, dụng cụ thể dục thể thao phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe cho người dân

 
Ngoài thôn 6, năm 2019, Hội Phụ nữ thôn còn tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền, người dân cải tạo thêm một nhà văn hóa ở thôn 5 với sân chơi lắp đặt dụng cụ thể thao, 4 đèn cao áp chiếu sáng. Nhà văn hóa ở hai thôn 3, 4 cũng đang được UBND huyện đầu tư xây mới…
 
Xã Cộng Hòa đã trở thành điểm sáng ở huyện Quốc Oai trong việc cải tạo nhà văn hóa phục vụ người dân. Chị Đỗ Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Công trình thi đua xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng Xanh - Sạch - Đẹp, nở hoa và thân thiện với môi trường của huyện Hội thực hiện ở thôn 6, xã Cộng Hòa đã phát huy hiệu quả, được chính quyền Huyện ủng hộ, người dân ghi nhận.
 
Đến nay, mô hình này đã lan tỏa, phát triển thêm 57 nhà văn hóa mới trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, Huyện Hội đã phát động cải tạo được 23 điểm sinh hoạt cộng đồng, vượt kế hoạch đặt ra gần 20 điểm. Chị em phụ nữ các thôn duy trì thói quen vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, chăm sóc các đoạn đường và các điểm sinh hoạt cộng đồng hàng tuần.
 
Chung sức với Hội LHPN, UBND huyện đầu tư kinh phí trang bị dụng cụ tập luyện thể dục thể thao, lắp đặt tại tất cả các nhà văn hóa. Ban quản lý các nhà văn hóa còn được UBND huyện cấp kinh phí 10 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động, bảo vệ nhà văn hóa. 
 
Chung sức xây dựng sân chơi cho trẻ
 
“Chị ơi cùng em chơi cầu trượt”, “Em thích chơi xích đu”, “Ai bập bênh không nào…”. Mỗi chiều, chứng kiến đám trẻ con trong thôn ríu rít nô đùa trên những chiếc xích đu, cầu trượt dưới bóng mát của hàng cây xanh, các bà mẹ thảnh thơi ngồi trò chuyện quanh đó, ông Nguyễn Duy Dương, trưởng thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh rất vui. Trước kia, nhất là vào mùa hè, chính những đứa trẻ này từng phải lang thang trèo cây, tắm ao, nghịch nắng trên đồng...
 
“Mỗi lần trẻ con đi chơi là người lớn chúng tôi lo lắng, chỉ sợ chúng gặp chuyện chẳng lành” - ông Dương kể. Thế rồi, sự vào cuộc của Hội LHPN huyện đã giúp người dân Đường Nhạn xóa đi nỗi lo ấy. Vừa qua, sau quá trình thi công, sân chơi an toàn thứ 19 đặt tại nhà văn hóa thôn Đường Nhạn đã hoàn thành, được Hội LHPN huyện bàn giao cho chính quyền và người dân địa phương.
 
Kỳ 3: Tiếng cười trên những “miền quê đáng sống” - ảnh 2
Hàng chục sân chơi cộng đồng ra đời từ sáng kiến của Hội LHPN huyện Đông Anh đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân nông thôn 

 
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện, sáng kiến xây dựng sân chơi cộng đồng của Huyện hội bắt đầu từ năm 2017 với mong muốn người dân, trẻ em ở vùng nông thôn có nơi vui chơi, lành mạnh, thân thiện với môi trường. Huyện Hội đã phát huy vai trò tiên phong, khai thác nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, lấy hội viên phụ nữ làm nòng cốt, huy động trách nhiệm của chính quyền, nhân dân trên địa bàn.
 
Khi xây dựng sân chơi cộng đồng tại thôn Xuân Trạch (xã Xuân Canh), Huyện Hội đã huy động xã hội hóa thiết bị thể dục thể thao, sân chơi, vận động chính quyền địa phương đầu tư kinh phí mua thêm 2 bộ tập thể dục xà đơn, xà kép, kêu gọi người dân ủng hộ nguồn lực tái chế, tham gia quá trình xây dựng sân chơi.
 
Tại thôn Yên Hà, xã Hải Bối, theo chị Nguyễn Thị Khang, Chi hội trưởng phụ nữ, được sự hỗ trợ về kỹ thuật, chị em phụ nữ và nhân dân đã tận dụng lốp xe ôtô qua sử dụng, tự làm gạch sinh thái từ nilong và chai nhựa… tái chế thành nhiều đồ chơi khác nhau như xích đu, bập bênh… Điểm vui chơi đặt tại khuôn viên nhà văn hóa thôn giờ đây đã trở thành nơi nghỉ ngơi, vui chơi của người dân, công nhân và con em công nhân thôn Yên Hà và các thôn lân cận như Võng La, Cổ Điển… 
 
Từ sáng kiến của Huyện Hội, nhiều xã, thị trấn ở Đông Anh đã lựa chọn 1 điểm sinh hoạt cộng đồng làm điểm, lắp đặt đầy đủ dụng cụ thể dục thể thao, có hoa và cây xanh xung quanh. Điều đáng nói, nhiều sân chơi còn có giá trị đầu tư lớn như sân chơi ở nhà văn hóa thôn Vang (xã Cổ Loa), thôn Nguyên Khê (xã Nguyên Khê) trị giá 200 triệu đồng, thôn Bắc (xã Kim Nỗ) trị giá 165 triệu đồng, nhà văn hóa thôn Đoài (xã Kim Nỗ) trị giá 150 triệu đồng; 4 điểm vui chơi ở xóm 1, thôn Hải Bối, thôn Yên Hà, nhà văn hóa Khu dân cư thuộc xã Hải Bối... đều trên 100 triệu đồng. 
 
Bên cạnh xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, Huyện Hội còn có nhiều công trình, phần việc ý nghĩa khác như biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản, trồng hoa làm đẹp đường làng, ngõ xóm; vệ sinh môi trường vào mỗi cuối tuần, triển khai mô hình nhà trọ an toàn cho các nữ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn; đưa ra nhiều giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công cho con em các gia đình lao động di cư…
 
Chị Tâm cho biết, các cán bộ hội viên phụ nữ muốn đóng góp những việc làm cụ thể thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng Đông Anh trở thành “miền quê đáng sống”.
 
 Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 29/30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao; 143/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã... Trong đó, mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng nhà văn hóa Xanh -Sạch - Đẹp thân thiện với môi trường” đã được các cấp Hội triển khai tại 18 huyện, thị xã với 307 điểm sinh hoạt cộng đồng nhà văn hóa Xanh - Sạch - Đẹp, thân thiện với môi trường…
 
 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.