Cảnh giác với những hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới

Chia sẻ

PNTĐ-Chiều 22/8, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị khảo sát dư luận về đề tài nghiên cứu khoa học:

 
“Tác động của một số hiện tượng tôn giáo mới đối với phụ nữ các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay, thực trạng và giải pháp”.
 
Cảnh giác với những hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới - ảnh 1
Các đại biểu chia sẻ về tác động của tín ngưỡng tôn giáo mới tới người dân nói chung, phụ nữ nói riêng trên địa bàn Hà Nội.

Tới dự có đồng chí:Trương Thị Thu Thủy - Trưởng ban Dân tộc tôn giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam; GS.TS Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm hội đồng tư vấn về tôn giáo của UBMT TQViệt Nam; Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội; Phạm Bảo Khánh - Phó trưởng ban tôn giáo thành phố; Bùi Tuấn Ngọc - Phó trưởng ban dân vận thành phố; Hoàng Minh Nguyệt - Phó trưởng ban dân tộc tôn giáo UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; cùng các đồng chí đại diện cho Công an TP, hội LHPN quận Bắc Từ Liêm, huyện Ứng Hòa,TT Vân Đình; các đại biểu là Ủy viên BCH Hội LHPN Hà Nội, nữ chức sắc, nữ tu các tôn giáo, đại diện cộng tác viên dư luận cấp thành phố tại địa bàn có đông tín đồ tôn giáo.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Thu Thủy cho biết: Với vai trò tham mưu cho Đảng về công tác Phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định trách nhiệm trong việc thu hút, tập hợp các đối tượng phụ nữ tham gia hoạt động của các tổ chức chính trị, kinh tế xã hội; Xuất phát từ Nghị quyết Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XII, công tác nghiên cứu khoa học phải đáp ứng vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phong trào phụ nữ trên cả nước; Trong bối cảnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mới đang diễn biến, phát triển phong phú với sự tham gia của nhiều phụ nữ… TƯ Hội LHPN Việt Nam thấy được tính cần thiết, cấp bách trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý công tác tôn giáo trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Hội nghị đã lắng nghe 6 ý kiến chia sẻ của các đại biểu về thực trạng, tình hình và tác động của một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo mới (“đạo lạ”) hiện nay tới sự phát triển của xã hội, tới người dân Thủ đô nói chung, các tầng lớp phụ nữ nói riêng.
Theo bà Phạm Bảo Khánh, Hà Nội hiện có 7 tôn giáo lớn có tư cách pháp nhân được Nhà nước công nhận, gần 5.000 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, 775 cơ sở đan xen tín ngưỡng tôn giáo. Nhìn chung, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo mới ở Hà Nội không có nhiều phức tạp. Trong chừng mực nào đó, ở thời điểm nhất định, các tôn giáo mới phần nào đáp ứng được nhu cầu về tinh thần cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, không tránh khỏi việc có những “đạo lạ” tiến hành tuyên truyền tư tưởng mê tín dị đoan, phản văn hóa như hoạt động của Hội thánh Đức chúa trời mẹ; truyền đạo gây chia rẽ cộng đồng, phương hại chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng, gây khó khăn cho hoạt động của Nhà nước. Với những trường hợp này, thành phố kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
 
Nhiều năm nghiên cứu về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, ông GS.TS Đỗ Quang Hưng thông tin: Hiện nay xu thế đang chuyển từ “ông đạo” thành “bà đạo”. Ở các “đạo lạ”, sự tham gia của phụ nữ tương đối đông, nhiều phụ nữ đứng lên làm chủ. Và một xu hướng đang nổi lên gần đây là người dân tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng tại cư gia rồi xin đăng ký hoạt động với các cấp chính quyền để được hoạt động như các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Ngoài ra, các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo mới còn có nhiều hình thức tập hợp hội viên mới (nhanh và thu hút), trao đổi thông tin, chẳng hạn qua các nhóm kín trên trang mạng xã hội. Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần chủ động theo dõi, phát hiện mầm mống của tín ngưỡng, tôn giáo không lành mạnh để kịp thời xử lý.
Đồng tình với các ý kiến trên, Thượng tá Vũ Kim Yến - Công an thành phố Hà Nội chia sẻ thêm: Khi các cá nhân tham gia những tổ chức “đạo lạ” có yếu tố không lành mạnh, họ thường có sự phân biệt, kỳ thị với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khác; lôi kéo người khác theo và không theo tín ngưỡng tôn giáo nào đó; xâm hại đạo đức xã hội, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tài sản nhân phẩm danh dự người khác… Khi đã tham gia hoạt động tín ngưỡng tôn giáo này, họ cũng thường xa rời hoạt động cộng đồng, đoàn thể, gây mâu thuẫn gia đình. Thời gian qua, đơn vị nhận được đơn kiến nghị của nhiều gia đình, bức xúc về việc vợ/ chồng/ con đi theo “tà đạo”; mong muốn nhờ các cơ quan chức năng tìm kiếm, phân tích để người nhà của họ “giác ngộ”. “Có những chị đang là giảng viên đại học Bách khoa cũng bỏ bê công việc, bỏ nhà theo các “đạo lạ”...
 
Đóng góp ý kiến về thực tiễn, giải pháp của Hội LHPN Hà Nội các cấp trong phối hợp quản lý tín ngưỡng, tôn giáo mới, bà Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ: Hội LHPN Hà Nội luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong công tác vận động phụ nữ nói chung, phụ nữ tôn giáo nói riêng. Xác định Hà Nội cũng là một địa bàn trọng điểm về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Thành Hội chú trọng các giải pháp tập trung về việc: đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích, chăm lo cho hội viên, trang bị kiến thức, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, nhất là địa bàn đông phụ nữ tôn giáo; gắn kết, chăm lo quyền lợi cho hội viên phụ nữ theo đạo thông qua công tác nhân đạo từ thiện: Vào ngày lễ, dịp đặc biệt, Hội luôn tổ chức thăm, tặng quà hội viên phụ nữ tôn giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
 
Hội cũng  chỉ đạo cấp hội duy trì hoạt động thông tin, báo cáo 2 chiều đểkịp thời nắm bắt tư tưởng phụ nữ tôn giáo. Khi có vụ việc phức tạp, liên quan tụ tập đông người… Hội LHPN sẵn sàng lực lượng ứng trực để kịp thời tham gia tuyên truyền, can thiệp; Phối hợp chặt chẽ với Ban tuyên giáo thành phố trong việc thường xuyên trang bị kiến thức về tôn giáo, thông tin, chủ trương mới của thành phố về tôn giáo cho đội ngũ cán bộ Thành Hội; trang bị kỹ năng nắm bắt tình hình, xử lý tình huống khi có vấn đề phức tạp xảy ra theo đề cương hướng dẫn của Ban tuyên giáo thành ủy…Thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội cũng sẽ tích cực đổi mới trong công tác tập hợp, thu hút hội viên, tránh để chị em sa vào những hoạt động mê tín dị đoan, “đạo lạ” không lành mạnh.
 
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

Mỗi lần thấy áo dài, là tự hào muốn nói “Tôi là người Việt Nam”

Mỗi lần thấy áo dài, là tự hào muốn nói “Tôi là người Việt Nam”

(PNTĐ) - Diễn ra vào dịp kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, “Ngày hội áo dài xuống phố” năm 2024 do Hội LHPN quận Ba Đình tổ chức sáng ngày 6/3 đã rất thành công khi khơi dậy trong công chúng tình yêu áo dài và niềm tự hào được là người Việt Nam.
Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tự hào tôn vinh áo dài trong “Tuần lễ áo dài” năm 2024

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Tự hào tôn vinh áo dài trong “Tuần lễ áo dài” năm 2024

(PNTĐ) - Sáng ngày 1/3/2024, tại cơ quan chuyên trách Hội LHPN Hà Nội, đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đã phát động các cấp Hội LHPN Hà Nội tích cực hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” năm 2024 từ ngày 1/3-8/3/2024. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; đồng thời hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.