Trường nghề hút sinh viên

Chia sẻ

PNTĐ-Những năm gần đây, nhiều trường nghề đang có sức hút mạnh mẽ, được học sinh khá giỏi tìm đến. Năm học 2019-2020 này cũng không phải ngoại lệ...

 
Đã qua rồi thời kỳ “chuột chạy cùng sào mới vào... trường nghề”. Những năm gần đây, với việc được thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, phương pháp dạy học hiện đại, mở ngành bắt kịp xu thế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, thu nhập ổn định, nhiều trường nghề đang có sức hút mạnh mẽ, được học sinh khá giỏi tìm đến. Năm học 2019-2020 này cũng không phải ngoại lệ...
 
Tự tin đảm bảo việc làm cho sinh viên
 
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT), Nam Từ Liêm là cơ sở đào tạo công lập trực thuộc UBND TP Hà Nội, công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là ngôi trường “dám tự tin” đưa ra bản Cam kết giải quyết việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Bản Cam kết do Hiệu trưởng TS.NGƯT Phạm Xuân Khánh ký, được công khai với các nội dung như đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra được nhà trường giải quyết việc làm trong và ngoài nước với thu nhập từ 5 -15 triệu đồng/tháng.
 
Ngoài ra là các nội dung về chất lượng đào tạo như: Đội ngũ giảng viên có trình độ kiến thức, kỹ năng đạt chuẩn; đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất; tổ chức nhiều khóa đào tạo linh hoạt, đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, có sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong quá trình đào tạo…
 
Việc đưa ra cam kết của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội tưởng chừng “liều lĩnh” nhưng lại được dựa trên cơ sở vững chắc. Từ khi thành lập, trường đã được Thành phố đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nguồn lực con người.
 
Trường nghề hút sinh viên - ảnh 1
Những nữ sinh duyên dáng của trường CĐ nghề công nghệ cao Hà Nội

 
Mới đây nhất, Thành phố đã phê duyệt Đề án “Đầu tư trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đồng bộ thành trường chất lượng cao, đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc tế” với kinh phí gần 416 tỷ đồng gồm 3 dự án thành phần là: Tăng cường lĩnh vực nghề nghiệp sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản; đầu tư nghề công nghệ ô tô cấp độ quốc tế và đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy…
 
Ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, trường còn liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong, ngoài nước, kịp thời mở những ngành, nghề mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Vừa qua, 50 sinh viên đầu tiên của trường đã được tuyển chọn vào học theo chương trình đào tạo kỹ sư thực hành hợp tác đào tạo giữa trường với tập đoàn HANWHA, 1 trong 7 tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc.
 
Sinh viên được ký hợp đồng làm việc, được doanh nghiêp trả lương trong thời gian đi học và được nhận làm việc sau khi tốt nghiệp. Chương trình được thực hiện từ nay đến năm 2024 với mục tiêu đào tạo, giải quyết việc làm cho 800 sinh viên, trong đó ưu tiên người học ở các vùng bị thu hồi đất, con em hộ chính sách, hộ nghèo của Hà Nội.
 
Thật dễ hiểu vì sao những năm gần đây, nhiều thí sinh khá giỏi đã tìm tới, để nộp hồ sơ xét tuyển vào HHT. Riêng mùa tuyển sinh 2019 này, hàng chục thí sinh đã được HHT cấp học bổng khuyến học như các em Hà Thị Thúy Trinh, lớp QTDN có điểm thi THPT quốc gia ở 2 tổ hợp đạt 24 điểm và 22.75;  Nguyễn Duy Chinh lớp ML2 có điểm thi 22,5; Cao Xuân Khanh, lớp ô tô 2 có điểm thi 20,7… Ngoài ra là hàng chục thí sinh Hà Nội khác có điểm trung bình chung lớp 12 đạt trên 8,0…
 
Năm học 2019-2020, HHT đào tạo thêm một số nghề mới như: tiếng Anh du lịch, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc… với số lượng khoảng 300 người. Trường còn tuyển sinh 500 học sinh tốt nghiệp THCS theo mô hình 9+ (vừa học nghề, vừa học văn hóa), tăng 200 chỉ tiêu so với năm học 2018-2019. Ước tính, năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng lên 8.500 người.
 
Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp
 
Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam-Hàn Quốc TP Hà Nội (VHH) với khuôn viên khang trang, khép kín rộng 7,4 ha tại Đông Anh cũng là 1 trong số 88 trường trên cả nước được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn trình Thủ tướng phê duyệt ưu tiên đầu tư tập trung đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao.
 
Trường nghề hút sinh viên - ảnh 2
Các bạn trẻ đang theo học tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc

 
Nhà trường còn được UBND TP Hà Nội chủ trương đầu tư trở thành trường Chất lượng cao theo mô hình Hàn Quốc thông qua việc đầu tư xây dựng với số vốn trên 350 tỷ đồng và là trường duy nhất của TP được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 6 triệu USD phục vụ trang thiết bị, máy móc, chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên để đào tạo 6 nghề đạt chuẩn Hàn Quốc.
 
Trong đó, nghề Cắt gọt kim loại được đầu tư kinh phí lên tới gần 2 triệu USD; Cơ điện tử được đầu tư gần 1 triệu USD; Các nghề Hàn, Điện Công nghiệp… cũng được đầu tư gần 500.000 USD với thiết bị đồng bộ đủ để đào tạo hàng nghìn sinh viên…
 
Theo ông Bùi Kim Dương, Phó Hiệu trưởng, trường còn hợp tác với nhiều công ty Hàn Quốc như: Samsung, LS Vina, LG Display; LS Cable; Mediatek; Bangjoo; Youil; Sam OH; GEOSAN… để đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Hằng năm trường đều ký kết biên bản ghi nhớ với các trường Hàn Quốc như đại học Bách Khoa Hàn Quốc, đại học Công nghệ và Giáo dục Hàn Quốc để nhận chuyển giao công nghệ, trao đổi sinh viên, sinh viên tình nguyện...
 
Đặc biệt, năm 2018, trường đã ký biên bản ghi nhớ 4 bên với đại học Chungbuk, Hội doanh nghiệp quận Okcheon và Chính quyền quận Okcheon, Hàn Quốc thành lập Trung tâm tiếng Hàn tại trường để thực hiện chương trình đào tạo cung ứng nguồn nhân lực cho quận Okcheon. Đối lập với tình trạng một số ĐH Vùng, ĐH Ngoài công lập… phải dùng đủ chiêu để chiêu sinh, VHH tuy mới thành lập năm 2013, năm 2014 mới bắt đầu đi vào hoạt động nhưng ngay trong năm đầu tiên tuyển sinh 2015 đã tuyển được 471 sinh viên. Năm 2016, con số này đã tăng lên hơn 700 em. Năm học 2019-2020 này, chỉ tiêu dự kiến của trường là 955… 
 
Trường nghề hút sinh viên - ảnh 3
Học viên của trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc

 
Tương tự, trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội cũng đang chứng tỏ sự khởi sắc trong hoạt động. Hiện nay, trường đang đào tạo 16 ngành nghề, trong đó có nhiều ngành hot trên thị trường lao động như: Công nghệ thông tin, Quản trị mạng máy tính, Thương mại điện tử, Quản trị nhà hàng, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử…  
 
TS Nguyễn Công Đại, Phó Hiệu trưởng cho biết, bí quyết của VHH là chủ động đổi mới, đào tạo ngành, nghề xã hội, thí sinh cần thay vì ngành trường có. Nếu như trước kia, chương trình đào tạo của trường được thiết kế theo hướng mạnh về hàn lâm với tỷ lệ 70% lý thuyết, 30% thực hành thì hiện nay, chương trình được thay đổi theo hướng 30% lý thuyết, 70% thực hành.
 
Trường mạnh dạn rút ngắn thời gian đào tạo từ 3 năm xuống 2 năm, đào tạo những kiến thức cần thiết nhất để sinh viên có thể sớm gia nhập thị trường lao động nhưng vẫn tự tin có đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc gia 8 bậc. Xác định gắn kết với doanh nghiệp là yếu tố sống còn, hiện nay, trường đang hợp tác với 40 doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề như Kinh tế, Thương mại, Kỹ thuật…
 
Trường nghề hút sinh viên - ảnh 4
Tại trường Cao đăng cộng đồng, học viên sẽ được học nhiều ngành, nghề hot trên thị trường lao động như Công nghệ thông tin 

 
Trước đây, sinh viên chủ yếu học tập tại trường thì nay việc giảng dạy còn diễn ra tại doanh nghiệp. Trong quá trình học, sinh viên có 2 đợt thực tập tại doanh nghiệp ngay khi kết thúc năm thứ nhất và cuối khóa. Thay vì để sinh viên tự chọn, trường cũng sẽ chỉ định doanh nghiệp thực tập để qua đó kiểm soát chặt chất lượng thực tập của sinh viên.
 
Sự chuyển dịch theo hướng tích cực này hiện đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Năm học 2018-2019, tỷ lệ tuyển sinh của VHH đã đạt 190% so với năm học 2016-2017. Mùa tuyển sinh năm nay, trường hy vọng kết quả tuyển sinh tiếp tục khả quan hơn năm học 2018-2019.
 
Thay đổi quan niệm từ người học
 
Vy Thị Thanh Tâm, SN 1995, cựu sinh viên khoa Công nghệ Ô tô, trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, Tâm từng học ĐH Lao động xã hội. Tuy nhiên, ngành Tâm theo học ở trường ĐH không đúng nhu cầu, nguyện vọng của cô. Vì thế, sau khi tìm hiểu, Tâm đã khiến cả gia đình “sốc” nặng khi quyết định thôi học ĐH để chuyển sang học nghề. Trong suy nghĩ của gia đình Tâm ngày đó, học ĐH mới là hướng đi đúng để vào đời. 
 
Suốt gần 1 năm sau, Tâm đã phải lén bố mẹ đi học nghề. Sự can đảm của Tâm thể hiện ở việc cô chọn học một ngành lâu nay vốn được xem là “đất diễn” của nam giới. Quả nhiên, cả khóa Công nghệ ô tô, ngoài Tâm ra, chỉ có 1 nữ sinh nữa. Tuy nhiên, Tâm xác định, dù học ngành nghề nào, chỉ cần giỏi có đam mê là sẽ thành công. Hàng ngày để rèn tay nghề, ngoài giờ thực hành ở trường, Tâm còn miệt mài thực hành kỹ năng tháo lắp, chẩn đoán bệnh, sửa chữa ô tô ở các gara… Cuối cùng, Tâm cũng đã đi tới đích thành công. Gia đình cô đã không còn giận mà ngược lại, rất ủng hộ chọn lựa của con gái.
 
Ông Nguyễn Công Đại chia sẻ, thời gian gần đây, rõ ràng đã có sự chuyển dịch tích cực trong quan niệm lập thân lập nghiệp trong các bạn trẻ, gia đình và xã hội. “Thay vì hư danh, chọn học đại học chỉ để lấy bằng mà không sử dụng được, nhiều bạn trẻ chủ động chọn trường nghề”. Đó là lý do tại sao, VHH đã tiếp nhận nhiều sinh viên đã trúng tuyển đại học, thậm chí có bằng đại học rồi vẫn chọn học nghề. Không chỉ vậy, thái độ của người học cũng ngày một cải thiện.
 
Trước đây, tỷ lệ sinh viên bỏ học của trường có thể lên tới trên 30% thì nay đang ngày một giảm ở mức trên 20%, tỷ lệ được cho là chấp nhận được với các trường nghề. 80% bạn trẻ của trường với tấm bằng nghề đã tìm được việc làm có thu nhập trung bình từ 5-7 triệu/tháng. Một số sinh viên ở các ngành như Công nghệ thông tin còn có thể đạt mức thu nhập 10-20 triệu/tháng.
 
Theo ông Đại, từ sự thay đổi trong quan niệm học nghề và sự tăng chất ở các trường, để có thể phát triển hơn nữa hệ đào tạo nghề, Nhà nước cũng cần có thêm những chính sách hỗ trợ. “Ở Đức, học sinh muốn đi học nghề chỉ cần mang hợp đồng ký với một doanh nghiệp tới các trường nghề là được học miễn phí. Bởi, trong hợp đồng, doanh nghiệp đã cam kết trả chi phí đào tạo, còn học viên cam kết khi học xong sẽ làm việc tại doanh nghiệp trong vòng bao nhiêu năm.
 
Bằng cách đó, doanh nghiệp tại Đức đang chia sẻ trách nhiệm với nhà trường, xã hội vì doanh nghiệp là đối tượng hưởng lợi từ việc sử dụng lao động”. Theo ông Đại, hiện nay, phần lớn trường nghề vẫn đang tự tìm doanh nghiệp để liên kết. Nhà nước nên có chính sách để ràng buộc doanh nghiệp, tạo nên sự gắn kết 3 bên “nhà trường - người học - doanh nghiệp”, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, đem lại lợi ích cho người học, nhìn rộng ra là cho xã hội.
 
 
Năm 2030: Giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ tiên tiến trong khu vực
 
Vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố dự thảo tờ trình lên Chính phủ về quyết định phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến 2021, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm (hiện tại đang là 2,2 triệu người/năm), ít nhất 80% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; Đến 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; Đến 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
 
Trong dự thảo này, Bộ LĐ-TB&XH còn đặt mục tiêu tăng số lượng trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao. Đến năm 2030, có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
 
 
Hoàng Lan 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.