"Trốn" chồng chỉ vì nhà không có osin

Chia sẻ

Mọi năm cứ sau Tết là thị trường giúp việc nhà biến động vì cầu tăng vọt trong khi nguồn cung giảm mạnh, thì năm nay tình hình lại càng căng thẳng hơn do dịch viêm phổi cấp do virus corona khiến nhiều gia đình “lao đao”…

Mùng 5 Tết, chị Hoa thẫn thờ, mặt ngẩn tò te sau một cú điện thoại. Chị bảo chồng: “Bà Hoa bảo không lên nữa, em đã đoán chuyện này trước đấy rồi vì hôm về Tết thấy bà ôm bọc lớn bọc nhỏ đùm núm về hết. Giờ đào đâu ra giúp việc đây?”. Chồng chị tặc lưỡi: “Đành chịu chứ biết làm sao mình cố lên một tí rồi mai mốt kiếm lại người”.

Chị Hoa thở dài, suốt cái Tết đã không có lúc nào được nghỉ ngơi, người chẳng ra người vì hết nấu nướng lại dọn dẹp nhà cửa, ngày nào cũng mong giúp việc lên hơn cả mong lương cuối tháng mà giờ nghe tin giúp việc không lên thì đúng là sét đánh ngang tai. Ngay lập tức sau đó, cả hai vợ chồng dùng mọi mối quan hệ gọi điện nhắn tin đồng loạt các nơi để nhờ giới thiệu người giúp việc mới nhưng toàn nhận được câu “khó quá”, “chịu thôi”…

Ảnh minh họaẢnh minh họa


Trẻ con lại nghỉ học ở nhà vì dịch viêm phổi, những ngày tháng nối tiếp được chị Hoài miêu tả là “gần giống địa ngục” vì quá hãi hùng. Sau Tết, công việc cơ quan bắt đầu vào guồng quay do doanh thu giảm, giám đốc yêu cầu tất cả đều phải “tác chiến” bằng hết mọi tâm sức nên ai cũng lao vào công việc hết sức gấp gáp. Việc ở cơ quan đã quanh không hết, cứ đến 5h chiều chị Hoài lại sấp ngửa lao về nhà chuẩn bị cho việc nhà cửa.

Chồng chị thì cũng bận bịu, nhiều khi còn phải làm muộn nên không đỡ đần được chị nhiều. Mà có về sớm thì anh cũng vụng về, không chỉ vướng chân và cũng biết làm gì nhiều. Nhà chị nuôi giúp việc từ khi hai vợ chồng mới sinh đứa con đầu đến nay đã 10 năm, kể từ khi có giúp việc là anh gần như không còn quan tâm đến việc nhà, không biết cái nồi, cái xoong nó nằm chỗ nào nữa.

May mà đợt này hai con nghỉ, chị nhờ được bác hàng xóm thi thoảng chạy qua ngó chúng nó xem ở nhà như thế nào, nếu không thì thật sự không biết xoay vào đâu.

Hôm nào cũng như hôm nào, cứ lao ra khỏi cơ quan là chị lao tiếp vào các siêu thị, cửa hàng rau cỏ đi chợ rồi tất tả về nhà. Không kịp thay quần áo ở nhà, chị lại lao vào dọn nhà cửa, đáp ứng những yêu cầu về ăn uống khẩn cấp của bọn trẻ sau 1 ngày bị “giam lỏng”, sau đó thu dọn bãi chiến trường mà chúng tạo ra, rồi lại xoay vần trong cái bếp…

Việc nhà nói nhiều không phải nhiều, ít không phải ít nhưng không biết nó có những gỉ gì gi mà nhiều đến thế, làm mãi chưa thấy hết. Đến khi cả nhà ngồi ăn cơm cũng là khi chị ngồi thở cho đỡ mệt. Chồng chị động viên, thôi ăn xong cứ vứt đồ đó rồi mai tính sau, đi nghỉ đã. Nhưng, nghĩ đến cảnh sáng mai đi làm sớm, phải dậy sớm dọn dẹp là không thể sắp xếp nổi thế là chị lại tỉ mỉ đi rửa bát, dọn nhà tiếp.

Chồng chị đỡ vợ được việc giặt giũ, phơi phóng xong ngồi dạy con học hành. Thôi thì anh đỡ được như vậy cũng là nhiều nên chị cũng thấy hài lòng. Ngày trước khi có giúp việc, chị tểnh tênh đi làm đến 5-6h về sẵn ăn uống, xong lại phủi mông lên nhà ngồi làm việc còn sót lại hoặc chăm sóc sắc đẹp. Giờ thì mặt mũi không có thời gian đi spa, đầu tóc không có thời gian đi cắt, rảnh chút nào phải ở nhà với con, cũng không dám ra ngoài vì sợ dịch bệnh…

Tối nào cũng như tối nào đến 10h-11h đêm chị mới xong việc nhà trong trạng thái mệt mỏi, đặt mình xuống giường là ngủ. Chưa kể chị cũng dễ cáu gắt khi thấy mình không có chút thời gian cho bản thân, ai bày bừa đồ đạc ra nhà là chị lập tức gắt gỏng, khó chịu khiến ba bố con luôn phải e dè.

Nhiều đêm, đi ngủ anh khều chân, khều tay chị định “âu yếm” chút mà chị gắt lên để cho chị yên, rồi sổ ra một tràng là anh không thương vợ, không san sẻ cho vợ còn đòi hỏi, anh không phải là chồng mà chỉ là “giống đực”. Được đôi lần như vậy, anh thấy “sợ”, chẳng dám động vào người chị. Đã bận, hai vợ chồng lại còn có phần lạnh nhạt khiến cảnh nhà cứ “tan tác”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đồng cảm với chị Hoài, cùng phòng chị có chị Vương cũng rơi vào cảnh giúp việc “bốc hơi” sau Tết nên vui nhất là giờ trưa cơ quan, hai chị em lao vào “xả” chuyện cùng nhau cho đỡ stress.

Chị Vương thầm thì: “Từ hôm Tết đến giờ, lão nhà chị còn chưa được “miếng” nào nên điên lên, bất chấp corona tối vẫn đi nhậu với bạn bè, về nhà thì chơi điện tử chán chê rồi đi ngủ. Ức lắm, nhưng mệt quá sao mà “đáp ứng” được. Bọn đàn ông ích kỷ thật đấy, không thương vợ gì cả. Cái thái độ lồi lõm ấy khiến chị thất vọng cực kỳ, cảm thấy mình cô đơn trong việc chăm lo cho gia đình và sắp cảm giác biến thành nô lệ cho chồng rồi. Càng thế chị lại càng không “cho”, đi ngủ là hai vợ chồng hai xó giường”.

Chị Vương thở dài: “Phụ nữ mình không giống như mấy ông đó, phải có cảm xúc, phải thư thái, tinh thần hưng phấn mới “làm” được, ai như mấy ông lúc nào cũng có thể này nọ được. Mệt!”.

Một hôm, chị Vương đến cơ quan trong tình trạng rã rời, mặt mũi phờ phạc, vừa đến nơi đã than vãn: “Hôm qua chị đã cáu ầm nhà lên và cảm thấy ở nhà 5 tầng thật khủng khiếp. Làm cỗ Rằm tháng Giêng, vác được hết đống đồ lên tầng thờ thì chân tay bủn rủn hoa hết cả mắt, chồng thì về muộn không giúp được. Ôi chao, cứ đà này có khi phải bán nhà ra chung cư ở cho nhẹ cái thân mình, phụ thuộc vào giúp việc mãi chắc chết mất, không thể được…”. Nói rồi chị liên tục đấm tay, bóp vai uể oải, trưa leo lên bàn làm việc ngủ tít một mạch đến 2h chiều gọi mới dậy.

Cả hôm đó, chị Vương ngồi đăm chiêu lắm, cuối buổi đưa ra một “quyết sách” bàn với chị Hoài: “Chị tính rồi, giờ bọn mình không “chiều” cánh đàn ông không được, gia đình có nguy cơ lủng củng, mà có khi bọn họ bị dồn nén lại đi bồ bịch, ra ngoài thì chết. Hai chị em mình thử về nhà phân việc cho bọn họ, làm đủ thì sẽ “thưởng”, nếu không thì thôi, mình vừa nhẹ nợ mà vợ chồng vẫn tình cảm được”.

Chị Hoài than: “Giời ơi mấy ông ấy mà đụng vào việc nhà thì mình đi dọn hậu quả còn mệt hơn chị ạ, hôm qua em để ông nhà em nấu cơm em về dọn bãi chiến trường nhọc hơn cả em nấu”.

Chị Vương lắc đầu: “Em cứ tính xem, mình cũng không thể thuê ôsin được mãi, không thể để họ chi phối cả gia đình như vậy được, cứ phải luyện cho cánh đàn ông việc nhà. Họ sức dài vai rộng hơn mình, còn đủ năng lượng mà làm việc, tội gì phải mệt. Mà nếu họ làm mệt, tối đến không đòi hỏi nữa thì sẽ thấu hiểu cho mình. Chứ cứ giành hết phần chồng con như chị em mình thiệt đơn, thiệt kép rồi có khi hạnh phúc cũng mất ấy chứ…”.

Cứ thế hai chị em bắt đầu lên kế hoạch sắp xếp công việc nhà cửa, cắt đặt chia việc cho từng thành viên trong gia đình, mỗi ngày lại đến báo cáo kết quả cho nhau nghe. Hôm qua vừa đến cơ quan, chị Vương đã phấn khích bảo: “Này, lão nhà chị tối qua phải công nhận là làm việc nhà mệt hơn cả việc cơ quan đấy, thế mới biết vợ vất vả thế nào rồi, từ đấy mới có thông cảm”. Chị Hoài cười: “Anh nhà em đang dự định hay là bỏ luôn osin về nhà mỗi người cố một tí thì nhà êm, cửa ấm, lại còn rèn được con cái làm việc nhà. Nhà em sẽ mua mấy máy móc hiện đại như máy rửa bát, rô bốt lau nhà, nồi chiên các kiểu…để đỡ việc nhà, em thấy thế cũng vui. Tối đến hai vợ chồng nằm ôm nhau bàn về tương lai không osin vui phết chị ạ…”.

Và, cứ thế, qua mỗi ngày hai chị lại cảm thấy phấn khởi, bớt đi những ảm đạm mệt mỏi căng thẳng suốt từ Tết ra đến giờ.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.