Thế giới “thắt chặt” để phòng chống lây COVID-19

Chia sẻ

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đã lan ra trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, các quốc gia hiện đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cả trong nước và từ sân bay, đồng thời khuyến cáo người dân

Người dân chờ vào siêu thị Costco mua đồ số lượng lớn ở MỹNgười dân chờ vào siêu thị Costco mua đồ số lượng lớn ở Mỹ

Phạt nặng người vi phạm quy định phòng dịch

Biện pháp khai báo y tế tại sân bay đã được nhiều quốc gia thực hiện để nắm rõ thông tin về khách nhập cảnh.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung tâm (CECC) đã tăng cường biện pháp kiểm dịch ở biên giới ngay từ 11/2. Mọi hành khách đến từ các vùng dịch ngoài Trung Quốc Đại lục, Đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao đều phải khai báo y tế và cung cấp lịch sử đi lại, thông tin chính xác. Nếu hành khách cung cấp thông tin sai hoặc từ chối khai, trốn khai hoặc can thiệp vào quá trình khai báo sẽ bị phạt tới trên 116 triệu đồng. Người nhập cảnh từ vùng dịch cũng phải cách ly tại nhà trong 14 ngày sau khi vào Đài Loan.

Việt Nam có thể khởi tố hình sự nếu khai báo y tế gian dối

Từ ngày 7/3, Việt Nam đã triển khai khai báo y tế bắt buộc với mọi hành khách khi nhập cảnh theo 2 hình thức: bằng giấy và bằng điện tử. Theo quy định của pháp luật, trường hợp nào khai báo gian dối, đặc biệt trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố theo Luật Truyền nhiễm nhóm A và những quy định của Việt Nam. Tại Điểm C, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2017 cũng có quy định về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Theo đó, hình phạt đối với hành vi bỏ trốn làm lây lan dịch bệnh là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù giam từ 1 - 5 năm; nếu làm chết người thì bị phạt tù giam từ 5 - 10 năm, làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 12 năm.

Yên Hưng

Tại Cộng hòa Séc, Bộ Y tế ngày 5/3 đã thông báo biện pháp mới với người trở về từ vùng dịch, cụ thể là Italy. Bộ này ra lệnh mọi công dân Séc về từ Italy phải liên lạc với bác sĩ và tự cách ly 14 ngày. Séc ra quy định trên vì đa số người mắc COVID-19 ở Séc đều nhiễm virus khi ở Italy. Bất kỳ ai vi phạm lệnh cách ly tại nhà sẽ bị phạt tới 130.000 USD (hơn 3 tỷ đồng). Người nào phải cách ly sẽ được nhận tiền nghỉ ốm và kêu gọi các công ty cho người phải cách ly nhưng vẫn khỏe mạnh làm việc từ xa.

Ở một số quốc gia, những người làm trái quy định phòng dịch liên quan cách ly, khai báo đều đối mặt nguy cơ bị phạt nặng. Tại Singapore, một cặp vợ chồng Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Bệnh truyền nhiễm do cung cấp thông tin sai và cản trở thực hiện điều tra liên lạc. Người chồng là công dân Trung Quốc 38 tuổi tới từ Vũ Hán tên là Hu Jun, nhiễm virus Corona; còn vợ là Shi Sha 36 tuổi, là công dân Trung Quốc sống ở Singapore. Người chồng tới Singapore và bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 nhưng khi được đề nghị cung cấp lịch trình và những người tiếp xúc gần, người này đã khai báo sai. Người vợ cũng cung cấp thông tin sai khi đang bị cách ly.

Singapore quy định phạt tù tới 6 tháng, phạt tiền tới 10.000 đôla Singapore hoặc cả hai với người vi phạm đạo luật Bệnh truyền nhiễm. Singapore cũng mới phạt nặng một người vi phạm luật cách ly tại nhà. Người này có giấy thường trú ở Singapore nhưng sinh sống ở nước ngoài. Do vi phạm luật cách ly nên Cơ quan Kiểm tra và Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore đã không gia hạn giấy phép tái nhập cảnh cho người này.

Kêu gọi người dân bình tĩnh, không tích trữ

Nỗi lo sợ dịch bệnh đã khiến một số người dân ở một số quốc gia xuất hiện tâm lý tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm. Trước tình trạng này chính quyền các quốc gia đã có nhiều biện pháp để trấn an người dân. Chính quyền Hồng Kông khẳng định các nhà cung cấp hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi virus và thực tế nguồn cung cấp thực phẩm vẫn đang rất dồi dào.

Tại New Zealand, tình trạng cháy hàng cũng xảy ra. Tuy nhiên, Tổng giám đốc siêu thị Countdown, bà Kiri Hannifin, cho biết không cần lo lắng sẽ hết hàng tại siêu thị cho dù một số kệ hàng không còn hàng. Bà nói: “Tôi có thể đảm bảo với người dân New Zealand rằng có rất nhiều thực phẩm và chúng tôi đang làm việc với nhà cung cấp để lấp đầy kệ hàng càng nhanh càng tốt. Do đó, hoàn toàn không cần mua dự phòng hoặc tích trữ vì có đầy thực phẩm ở New Zealand”. Tại Anh, các siêu thị đang phối hợp với giới chức để đảm bảo người dân tự cách ly có đủ thực phẩm. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancok nói: “Không cần mua tích trữ. Chính phủ đảm bảo các nguồn cung cần thiết. Về ngành cung cấp thực phẩm, chúng tôi hoàn toàn tự tin sẽ không có vấn đề gì”.

Ông Peter Collignon, một giáo sư làm cố vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng: “Mọi người phản ứng thực sự thái quá. Chúng ta cần khôi phục cân bằng. Ở Australia, sản xuất lương thực đang cao hơn mức tiêu thụ vì là nước xuất khẩu ròng lương thực. Các bạn sẽ không hết đồ ăn”. Phát ngôn viên chuỗi siêu thị lớn hàng đầu Australia Woolworths cũng cho biết nhu cầu đồ ăn để được lâu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe tạm thời thiếu nhưng sẽ nhanh chóng được bổ sung.

Dương Thùy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục