Nỗi lo bấp bênh của các bạn trẻ làm Freelancer mùa dịch

Chia sẻ

Với những người lao động làm việc toàn thời gian, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng nhắm vào công việc và mức lương của họ, khiến nó bị hao hụt đi ít nhiều. Nhưng với những bạn trẻ làm công việc lao động tự do (freelancer), ảnh hưởng đó lớn hơn nhiều.

Dịch Covid-19 là một đòn giáng kinh tế bất ngờ xuống tất cả mọi người, không trừ một ai và những người làm các công việc tự do cũng không phải ngoại lệ. Kinh tế trì trệ, một số ngành "đóng băng", khó mà nói rằng có thể lạc quan và không hề lo lắng trong thời điểm này. Dân freelancer cũng phải đối mặt với một giai đoạn căng thẳng khi sự đình trệ diễn ra trong toàn nền kinh tế, đặc biệt là những người coi freelance là công việc toàn phần của mình.

Với những người làm công việc tự do, khi có việc là có tất cả và ngược lạiVới những người làm công việc tự do, khi có việc là có tất cả và ngược lại (Ảnh: INT)

Bị cắt việc hoàn toàn

Chu Tiến Cường (27 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có 3 năm làm công việc tự do là cho thuê và kinh doanh căn hộ. Bạn cho biết, giờ đây, trung bình mỗi ngày mình mất đi 30 triệu vì dịch Covid-19 ".

"Ban đầu, tôi vẫn nghĩ tình hình không quá nghiêm trọng và vẫn chưa có dấu hiệu ảnh hưởng gì. Thế nhưng, chỉ khoảng gần 2 tháng sau, thị trường thay đổi chóng mặt. Tôi chính thức rơi vào cuộc khủng hoảng của chính mình. Hơn 1 năm đầu kinh doanh căn hộ, khi mà thị trường này đang còn khá hấp dẫn, tôi đã có doanh thu 1 tỷ đồng/ tháng cho 20 căn. Tôi có lãi cao, và từ đó nuôi thêm nhiều kế hoạch mở rộng thị trường. Tinh thần phấn chấn ấy khiến tôi có phần lơ là khi dịch bệnh bắt đầu len lỏi vào Việt Nam. Thậm chí, khi Việt Nam bắt đầu có những động thái kiểm soát chặt hơn đối với du khách nhập cảnh, thì tỉ lệ khách thuê căn hộ vẫn không có nhiều xáo trộn. Doanh thu trong thời gian đầu diễn ra dịch bệnh, vì thế không có nhiều ảnh hưởng. Mọi thứ chỉ đột ngột thay đổi từ tháng 3. Khách bắt đầu hủy đặt phòng hàng loạt, có những ngày lên đến 15 - 20 lượt hủy phòng.  Lúc này, công việc làm ăn bỗng chốc xoay chiều, đảo lộn 180 độ. Tôi liên tục giảm giá, có thời điểm giảm đến 70%, nhưng phòng trống vẫn không ngừng tăng lên. Khách giảm dần về con số 0, lúc này, ác mộng của tôi mới bắt đầu".

Mắc kẹt trong nhiều thứ, bỏ thì khó mà duy trì thì không biết khi nào mọi thứ sáng sủa hơn, nhiều đêm Cường thức trắng. Nếu không thể vượt qua khoảng thời gian này, bạn rất có thể sẽ dừng lại với một khoản lỗ lớn và trở về chính vạch xuất phát, hoặc thậm chí lùi lại sau đó rất nhiều.

Đó là người làm việc tự do hoàn toàn. Còn với những bạn làm công việc tự do cho các công ty, như làm quảng cáo, PR, thì họ là những người đầu tiên bị công ty đưa vào diện "sa thải". Nhiều công ty đã chuyển từ hình thức thuê ngoài sang tự sản xuất, tự triển khai. Thanh Tùng, 26 tuổi, là một content writer cả ở mảng PR và quảng cáo. Từ tháng 2 tới giờ, Covid-19 đã kéo nguồn thu nhập của cậu về tiệm cận 0.

Một phần đông các freelancer trẻ hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, marketing, từ nội dung, chụp ảnh, chạy quảng cáo… Tất cả đều đang dậm chân tại chỗ khi các công ty giờ chẳng còn thiết tha gì với quảng cáo cả, cũng không biết khi nào dịch bệnh qua đi để rục rịch hoạt động kinh doanh trở lại. Dạo qua các thị trường tuyển dụng freelancer, dễ thấy lượng công việc thì ít nhưng số người sẵn sàng làm, thậm chí là kìm giá xuống mức thấp không tưởng.

Không phải nghề gì cũng có thể làm online...

Và nghề freelancer cũng vậy. Ví dụ: hướng dẫn viên thể hình, vũ công, nhiếp ảnh... Đó là những nghề vừa khó làm việc online, vừa không phải là sự quan tâm lớn của nhiều người trong bối cảnh dịch bệnh. Lúc này, người dân chỉ quan tâm tới sức khỏe và đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Một số giáo viên dạy các môn đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục... cho các trung tâm đào tạo nghệ thuật cũng đang rơi vào cảnh "khốn đốn". Ân Kiều, một nhiếp ảnh gia tự do cũng đã "gác máy" từ đầu tháng 3 tới nay. "Mình chuyên chụp ảnh sự kiện, ảnh cưới. Dịch bệnh đã làm mọi thứ của khách hàng phải hoãn lại, thu nhập của mình từ đó mà ra thì cũng đứng im. Nhớ nghề là một chuyện, mà lo lắng cho tương lai còn khiến mình đau đầu hơn nữa".

Nếu các freelancer theo đuổi con đường trên toàn thời gian, họ sẽ không trực thuộc một công ty nào đó và không được đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, họ sẽ không có cơ hội nộp bảo hiểm thất nghiệp nếu rơi vào những giai đoạn khó khăn. Với người lao động tại các công ty, nếu bị sa thải, ngoài khoản hỗ trợ các công ty có thể sẽ chi trả cho nhân viên, tiền bảo hiểm thất nghiệp trong 3 tháng cũng là con số không nhỏ để hỗ trợ cho những nhu cầu cơ bản trước khi đại dịch kết thúc.

Với nhiều freelancer, khi đã xác định theo con đường công việc tự do, sự được quan tâm tới các khoản tiết kiệm hay kế hoạch tài chính cũng hạn chế hơn so với những người làm tại các công ty - vốn được coi là một chỗ dựa “ổn định”. Có thể dễ hiểu rằng, bạn tự do làm việc thì bạn phải tự lo lấy những khoản tài chính và phúc lợi của chính mình. Do đó, trong thời điểm này, cộng thêm những chi phí đắt đỏ khi ở các thành phố lớn để làm việc, thì sự bấp bênh và không ổn định của nghề làm việc tự do càng trở nên rõ rệt. 

Người làm các công việc tự do gần như rất khó để vay nợ tín dụng khi không chứng minh được thu nhập ổn định từ một công ty. Khả năng tiếp cận với các khoản hỗ trợ cũng ít hơn so với những người có công việc ổn định. Giữa guồng quay đại dịch, người ta sẽ chỉ quan tâm tới dân văn phòng bị mất việc, đối tượng lao động chân tay và những người nghèo, freelancer là những người “vô hình”, nằm ngoài các câu chuyện chia sẻ. Thu Nga, một freelancer làm về sáng tạo, chia sẻ rằng bạn rất lo lắng bởi đã dùng gần như hết số tiền tiết kiệm. "Nếu không thể sáng tạo ra ý tưởng mới, hoặc không thể xoay được một công việc mới, chắc có lẽ mình phải về quê thôi", Nga cho biết. 

Để có thể đứng vững trước những cuộc khủng hoảng, freelancer cần có cho mình kế hoạch tài chính dự phòng ổn định, trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng để sẵn sàng thay đổi và xây dựng một nền móng chắc chắn hơn, cả về thể chất và tinh thần. Đại dịch xuất hiện như một lời cảnh báo tới toàn cầu về mọi sự đổi thay đều có thể diễn ra theo cách chúng ta không ngờ tới. 

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".