Điểm đến của tội phạm buôn bán người

Chia sẻ

Tuần qua, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết, giới chức nước này đã triệt phá một đường dây buôn bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc tại một phòng khám phụ sản tư nhân ở thủ đô Kiev. Đường dây này có liên quan tới người đứng đầu phòng khám, con trai người này cùng 2 công dân Ukraine và ít nhất 3 người mang quốc tịch Trung Quốc.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo Cảnh sát quốc gia Ukraine, cuộc đột kích được các quan chức của Cục Chống buôn bán người, cảnh sát địa phương và các đặc vụ từ bộ phận hình sự Kiev thực hiện. Các nhóm điều tra đã bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm vào ngày 24/4 tại một số địa điểm tình nghi như nhà riêng, văn phòng, phòng khám và cả xe hơi.

Trong quá trình điều tra, nhiều tài liệu y tế, hộ chiếu của công dân Ukraine và bản sao hộ chiếu có chứng thực của công dân nước ngoài, thư ủy quyền cùng một số tài liệu và phương tiện khác đã bị thu giữ. 5 em bé sơ sinh từ 2 đến 6 tuần tuổi được cho là sắp bị bán sang nước khác đã được các nhà điều tra tìm thấy trong một căn hộ thuộc quận Solomensky ở thủ đô Kiev và đã được đưa vào bệnh viện.

Chi tiết vụ việc được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashenko chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Đa số khách hàng của đường dây này là nam giới Trung Quốc độc thân. Con số chính xác những trẻ sơ sinh bị mua bán trong vụ việc chưa được công bố, song có ít nhất 140 công dân Trung Quốc khác cũng đang bị điều tra vì bị tình nghi liên quan đến vụ án.

Giáo sư tội phạm học Georgios Antonopoulos thuộc Đại học Teesside của Anh cho rằng, một số người mua có thể là những người đàn ông chưa lập gia đình và muốn tìm con nối dõi. Chính sách một con của Trung Quốc được thực thi trong suốt hơn 3 thập kỷ đã dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại nước này do các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính thai nhi và từ đó nam giới nước này cũng gặp khó khăn hơn trong việc lập gia đình và có con.

Các chuyên gia nhận định, so với các loại hình tội phạm khác, buôn bán trẻ em thu được những khoản lợi nhuận rất lớn và mức độ rủi ro thấp hơn, vì nạn nhân quá nhỏ để ghi nhớ sự việc. Mỗi em bé trong vụ án này được bán với giá khoảng 50.000 USD. Số tiền đó bao gồm 15.000 USD thụ tinh nhân tạo cho người mang thai hộ, 1.000 USD hỗ trợ pháp lý...

Các nghi phạm trong vụ án bị cáo buộc tội danh buôn bán người và phải đối mặt với mức án 12 năm tù giam cùng tịch thu tài sản. Dù vậy, việc mang thai hộ ở Ukraine lại không bị pháp luật cấm và trong “vùng xám pháp lý”, chỉ cần một hợp đồng đơn giản giữa người mang thai hộ và cha mẹ nuôi.

Do đó, khi các quốc gia khác như Thái Lan hay Ấn Độ chính thức cấm dịch vụ mang thai hộ, Ukraine đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của tội phạm buôn bán người. Ngoài ra, tình trạng suy thoái kinh tế trong suốt những năm qua với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm thấp nhất châu Âu cũng khiến nhiều phụ nữ Ukraine với thu nhập thường dưới mức 200 euro/tháng tìm tới việc mang thai hộ để kiếm tiền.

MINH HIẾU

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Ho-so/966345/diem-den-cua-toi-pham-buon-ban-nguoi?fbclid=IwAR27YmadapXEBmE5Nu0_IyzMTndCWz115kR1Eug1GWBYFHpRdbWywGpGmFw

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.