Vỉa hè, lòng đường bị tái lấn chiếm: Cần mạnh tay xử lý

Chia sẻ

Những ngày qua, sau khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hàng quán, người bán hàng rong lại tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, bán hàng

Vi phạm này diễn ra ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần mạnh tay xử lý nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, đặc biệt là ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

Vỉa hè quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) bị nhiều hộ lấn chiếm để bày bán hàng. Ảnh: Gia HuyVỉa hè quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) bị nhiều hộ lấn chiếm để bày bán hàng. Ảnh: Gia Huy

Nhiều vi phạm tái diễn

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại quận Long Biên, khu vực quanh chợ Ngọc Lâm, chợ Ô Cách..., hàng rong bày bán la liệt dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Phố Ngọc Lâm cũng nhan nhản hàng quán lấn chiếm vỉa hè để bán hàng ăn uống. Trong khi đó, tại quận Hà Đông, vỉa hè ở nhiều tuyến đường thuộc các khu đô thị mới như: Văn Khê, Văn Quán, Xa La, Mỗ Lao... cũng là nơi họp chợ "cóc", quán trà đá, nước mía, thậm chí cả bia hơi. Đáng nói, khách ngồi uống bia, trà đá trên vỉa hè ở những nơi này rất đông, không ai đeo khẩu trang nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Chị Bùi Thị Phương, chung cư CT1, Khu đô thị Văn Khê bức xúc: Sau khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, hầu hết vỉa hè quanh các chung cư trong khu đô thị đều bị chiếm dụng để bán hàng, người dân không còn chỗ vui chơi.

Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng diễn ra ở nhiều tuyến phố trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đoạn vỉa hè trong ngõ 136 đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch dài khoảng 200m nhưng có tới 5 quán trà đá. Tương tự, vỉa hè ven Công viên Nghĩa Đô (phố Tô Hiệu) cũng tập trung 8 hàng cắt tóc. Ngay trước cổng công viên là quán trà đá, từ chủ quán đến khách đều không đeo khẩu trang phòng, chống dịch.

Tương tự, nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cũng tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tại quận Đống Đa, trước sự ra quân tuyên truyền, xử lý liên tục, vi phạm lấn chiếm vỉa hè giảm nhiều. Tuy nhiên, tại một số tuyến phố như: Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Láng, Phương Mai... vi phạm vẫn xảy ra. Anh Nguyễn Văn Hoàng, phường Phương Mai chia sẻ: Hằng ngày, lực lượng chức năng phường liên tục xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; thậm chí cử người "cắm chốt" giải tỏa vi phạm dọc phố Phương Mai và các ngõ. Song, vi phạm vẫn tái diễn ở một số điểm dọc phố, đặc biệt trong ngõ 4 Phương Mai, gây cản trở giao thông.

Tình trạng nêu trên cũng diễn ra ở vùng ngoại thành. Nhiều chủ hàng quán dọc quốc lộ 21B qua thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) bày mũ bảo hiểm, quạt điện, xe máy, xe đạp... tràn hết ra vỉa hè từ sáng sớm. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường quốc lộ này cũng lặp lại đoạn qua huyện Thanh Oai. Tương tự, khu vực quốc lộ 32 qua địa phận xã Chu Minh (huyện Ba Vì), có nhiều hộ chiếm dụng vỉa hè để bán hoa, quả, dựng biển quảng cáo...

Xử lý chưa kiên quyết

Trước thông tin Báo Hànộimới phản ánh, đại diện các địa phương đều thừa nhận thực tế và nêu nhiều vướng mắc. Trong đó, do ý thức của người dân còn kém, cố tình vi phạm trong khi nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý. Đơn cử, dọc đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), thường xuyên có nhiều hộ lấn chiếm vỉa hè để bán hàng. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì họ dọn vào nhà, nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi, họ lại tái phạm. 

Trước tình trạng hàng quán, người bán hàng rong tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Đại úy Nguyễn Việt Anh, Phó Trưởng Công an thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) thông tin: "Chúng tôi đã lập kế hoạch và sẽ cương quyết xử lý vi phạm, nhất là vi phạm dọc quốc lộ 21B, đoạn qua thị trấn Vân Đình...".

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Viết Hùng cho biết, trong số những hộ bán hàng ở lề đường Đại Mỗ đoạn qua địa phận phường cũng có những gia đình có đất thổ cư ra đến sát mặt đường nên khó quản lý.

Chủ tịch UBND phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải Đăng chia sẻ, vừa qua, phường đã tập trung tháo dỡ lều lán, xóa hàng chục điểm bán hàng lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường lại tái diễn. "Tiếp thu phản ánh, chúng tôi sẽ giao lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm, đặc biệt tại các "điểm đen" như vỉa hè ngõ 136 Hồ Tùng Mậu. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ tịch thu phương tiện, đồ dùng, xử phạt nghiêm và duy trì lực lượng chống tái lấn chiếm", ông Nguyễn Hải Đăng nói.

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Lê Kế Việt, hằng ngày, 21 tổ công tác của quận đều ra quân kiểm tra, xử phạt vi phạm, thiết lập lại trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn. Đặc biệt, quận sử dụng ứng dụng Zalo để cập nhật thông tin và lãnh đạo quận sẽ chỉ đạo xử lý ngay khi có vi phạm xảy ra...

Thực tế, vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn xảy ra, lặp đi lặp lại, người vi phạm tìm mọi cách đối phó... Để xử lý được thực trạng này, đòi hỏi chính quyền các địa phương phải kiên quyết thì tình hình vi phạm mới có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. 

Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 28-4-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới quy định rõ: Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo hanoimoi.com.vn

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/966972/via-he-long-duong-bi-tai-lan-chiem-can-manh-tay-xu-ly

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.