Mùa bướm lộng lẫy ở Cúc Phương

Chia sẻ

Những ngày đầu hè là thời điểm nhiều gia đình lựa chọn tham quan rừng quốc gia Cúc Phương tại tỉnh Ninh Bình. Với hệ thực vật phong phú, rừng quốc gia Cúc Phương thời điểm này tạo nên tuyệt tác thiên nhiên rất tươi đẹp.

Những đàn bướm hàng ngàn con bay lượn trong không gian xanh mướt rộng lớn. “Mùa bướm” không chỉ mang lại cảm giác mãn nhãn, độc đáo mà còn là cơ hội để trẻ nhỏ có được trải nghiệm thực tế rất ý nghĩa.

“Thiên đường” bướmở rừng quốc gia Cúc Phương“Thiên đường” bướm ở rừng quốc gia Cúc Phương

Thiên nhiên tươi đẹp và thần tiên

Trong những bài học của mình, thế hệ 7X và đầu 8X biết đến rừng quốc gia Cúc Phương phần nhiều qua sách vở với hình ảnh của cây chò hàng ngàn năm tuổi và những động đá nằm trong rừng già. Với diện tích rộng lớn, lên đến 22.200ha, những buổi dã ngoại của chúng tôi những năm 90 tại Cúc Phương là cảm giác… đi mãi không hết. Cúc Phương ngày này tuy xa về khoảng cách (cách Hà Nội 120km) nhưng lại cũng rất gần gũi, thân quen bởi vẫn còn bảo tồn và lưu giữ được hệ động thực vật phong phú. Hệ thống đường giao thông được đầu tư, việc di chuyển, đi lại nhanh hơn, tiện hơn, việc tham quan khám phá rừng quốc gia cũng hấp dẫn hơn nhiều.

Là rừng mưa nhiệt đới nên thời điểm thích hợp nhất để khám phá rừng quốc gia Cúc Phương là mùa khô; trong đó lý tưởng nhất là tháng 4 -5. Thời gian này, mùa xuân vừa qua, mùa hè đang tới, cũng là bắt đầu mùa sinh sản của rất nhiều loài bướm, theo thống kê sơ bộ, ở rừng quốc gia Cúc Phương, số loài bướm rất phong phú, có thể lên đến hơn 400 loài bướm; chủ đạo là bướm trắng, bướm phượng, bướm khế... Ngay từ khi bước vào cổng rừng, du khách đã cảm nhận được sự yên bình, khoáng đạt và tuyệt đẹp của thiên nhiên khi từng đàn bướm trắng bay lượn trước mắt. “Đuổi bướm bắt chim”, câu nói của các cụ xưa hẳn là nhiều người đã từng được nghe nhưng ở những thành phố lớn, nhà cửa san sát khó có thể trải nghiệm được thì đến Cúc Phương trong mùa bướm mới thấu hiểu sâu sắc câu nói đó. Người lớn, thanh niên, nhất là các cháu nhỏ, không chỉ trầm trồ trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà đôi chân cứ thế thoăn thoắt chạy trên con đường bê tông trải nhựa phẳng lỳ và “đuổi” theo đàn bướm không biết mệt mỏi.

Càng đi sâu vào giữa rừng, cảm giác sảng khoái và choáng ngợp càng nhân lên gấp nhiều lần khi thiên nhiên thần tiên mở rộng trong tầm mắt. Không phải là một đàn bướm nữa mà là một “bảo tàng” các loài bướm. Từng cánh bướm mỏng manh bay dập dờn trước mắt, lũ trẻ nhỏ chỉ cần với tay là có thể chạm được đến; nếu đã thấm mệt sau khi chạy theo trên quãng đường dài, rất đơn giản, hãy ngồi xuống vệ đường hoặc trên thảm cỏ xanh, lặng im ngắm nhìn hàng trăm con bướm đầy màu sắc đang tụ lại bên bãi đất. Và, chỉ cần một cái khua tay nhẹ cả đàn lại tung cánh bay lên. Trong ánh nắng chiếu xiên qua các kẽ lá, cánh bướm dập dờn bay lượn xung quanh mang lại cảm giác thư thái, con người, thiên nhiên gần gũi và cùng hòa nhịp. Bài học về thế giới rộng lớn của động thực vật và các hệ sinh thái với các cháu nhỏ vì thế cũng rất dễ “vào”, dễ “ngấm” hơn bất cứ lời văn miêu tả trong các trang sách.

Thường thì các gia đình lựa chọn khám phá Cúc Phương trong một ngày, sau khi chiêm ngưỡng thế giới các loài bướm, thời gian còn lại thăm quan các động và trung tâm bảo hộ động vật rồi trở về trước khi trời tối. Tuy nhiên, cũng có một số ít gia đình chọn lưu lại rừng một đêm để tiếp tục khám phá những điều thú vị của thiên nhiên. Khi bóng đêm bao trùm không gian, rừng già tĩnh lặng, chỉ có tiếng kêu của các loài động vật cũng là lúc du khách được thưởng thức “bữa tiệc ánh sáng” lung linh huyền ảo từ hàng ngàn con đom đóm lập lòe. Cả không gian trong sâu thẳm rừng già bỗng trở nên sáng rực. Bọn trẻ con reo hò vui sướng, chân sáo chạy đuổi theo mà không biết mệt; người lớn chúng tôi - trong đó không ít người đã từng có tuổi thơ bắt đom đóm làm đèn, soi sáng sách vở học bài trong đêm – bỗng trở nên bùi ngùi, xúc động được sống lại tuổi thơ nghèo khó, vất vả nhưng tràn đầy những kỷ niệm đẹp. Khoảnh khắc đom đóm thắp sáng không gian để làm nên “bữa tiệc ánh sáng” tự nhiên, không có sự can thiệp của công nghệ và con người diễn ra rất nhanh, chỉ 10 - 15 phút trong khoảng thời gian 20h. Vì thế, trước giờ ngắm đom đóm, đừng quên chuẩn bị một chai thủy tinh hoặc chai nhựa trong suốt để tranh thủ tóm vài chú đom đóm nhỏ để cùng nhau kể tiếp những câu chuyện cổ tích lý thú.

Cúc Phương: Xa mà gần

Từ Hà Nội di chuyển đến rừng quốc gia Cúc Phương chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, đường quốc lộ rất đẹp và rộng rãi. Thường các gia đình lựa chọn đi vào cuối tuần nhưng nếu có thể thu xếp, đi vào ngày thường trong tuần để không bị đông, không bị quá tải và đàn bướm cũng tập trung hơn. Đặc biệt, phải đi vào ngày nắng, bướm và đom đóm mới xuất hiện nhiều.

Bãi cỏ rộng lớn ở xóm Bống thích hợp để cắm trại và ngắm đom đóm khi về đêmBãi cỏ rộng lớn ở xóm Bống thích hợp để cắm trại và ngắm đom đóm khi về đêm

Rừng quốc gia Cúc Phương rất rộng, được chia 3 khu chính là bìa rừng, hồ Mạc và xóm Bống; từ bìa rừng vào xóm Bống có chiều dài 17km đường rừng nhưng đường đã được trải bê tông nên dễ đi. Tuy nhiên, du khách chỉ đi bộ được một đoạn ngắn, còn lại có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Trên đường đi, đoạn nào nhiều nắng, tập trung các đàn bướm thì có thể dừng lại chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Do vừa đi vừa thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên nên thường các gia đình sẽ mất từ 2-4 tiếng hoặc lâu hơn nữa mới đi từ bìa rừng vào xóm Bống.

Về chỗ lưu trú, các gia đình có thể nghỉ ngơi ngay trong các khu vực đã được quy hoạch và được hoà mình vào thiên nhiên nên tuy một số dịch vụ chưa thực sự hoàn hảo nhưng các gia đình sẽ đều hài lòng vì ở rừng quốc gia Cúc Phương có được một thứ mà hiếm nơi có được: không khí vô cùng trong lành, dễ chịu. Ở các khu đều có chỗ nghỉ nhưng nên chọn chỗ nghỉ ngơi ở xóm Bống vì đây là khu trung tâm, có 3 kiểu nhà để lựa chọn là nhà Luồng (có khu phụ riêng biệt); nhà sàn tập thể và nhà sàn phòng đơn/phòng đôi; nhà gạch. Ngoài ra, du khách có thể thuê nhà trại để cắm trại, ngủ trong lều cũng mang lại cảm giác khác lạ.

Về ăn uống: Ban quản lý có cung cấp dịch vụ nướng ngoài trời nhưng cần đặt trước để được phục vụ tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều gia đình chuẩn bị thêm các loại củ quả như ngô, khoai, sắn, thịt ướp để nướng thêm. Cần chú ý, trong rừng bóng tối đến rất nhanh, khoảng 18 giờ đã nhá nhem rồi nên nếu dựng lều trại, đốt lửa trại cần thực hiện sớm, tận dụng ánh sáng mặt trời.

Ở xóm Bống cũng như các khu khác đều có thảm cỏ rất rộng để tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể nên khi đi rừng Cúc Phương nên chuẩn bị thêm các trò chơi như trò đá bóng, cầu lông, thổi bong bóng khổng lồ, kéo co, đạp xe…

Đi du lịch Cúc Phương là du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm và biệt lập nên cần chuẩn bị đồ đạc mang theo cẩn thận, “thừa còn hơn thiếu” bởi thiếu thứ gì sẽ rất khó mua. Đó là đèn pin/đèn sạc điện, chăn mỏng, túi ngủ vì thời tiết trong rừng thường lạnh về đêm và sáng sớm, đồ ăn nhẹ cho trẻ em, các loại trà và cà phê đóng gói sẵn, bình ủ nước nhỏ, cốc giấy…; bộ bàn ghế gấp để vào giữa rừng, bao quanh là cây cổ thụ và núi đá, nhâm nhi một cốc trà hay cà phê cũng mang lại cảm giác rất sảng khoải. Không cần mang theo củi và than vì chỉ cần đi quanh bìa rừng là đã có thể lượm được rất nhiều củi khô. Tuy nhiên, khi nướng củi, đốt lửa trại, tuyệt đối phải tuân thủ hướng dẫn của ban quản lý rừng để đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy. Trong rừng có nhiều côn trùng nên chuẩn bị thuốc bôi ngoài da, xịt muỗi; băng gạc y tế. Đừng quên mang theo cái ống nhòm để ngắm cảnh phía xa. Đến với thiên nhiên, chỉ để lại bước chân, đừng để lại rác nên những chiếc túi đựng rác cũng rất cần thiết.

Ngoài những trải nghiệm trên, rừng quốc gia Cúc Phương còn nhiều điểm để khám phá như hệ thống hang động, hồ nước, khu bảo tồn động vật, thăm quan cây chò ngàn năm có chu vi rộng tới 6km. Nếu muốn tìm hiểu trọn vẹn về thế giới động thực vật đồ sộ của một trong những khu rừng lớn nhất Việt Nam, du khách có thể nhờ một người dân địa phương hỗ trợ với chi phí rất hợp lý.

MAI HOÀI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.