Đẩy lùi bạo lực để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc

Chia sẻ

Những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại hạn chế mà các cấp, các ngành cần tiếp tục chung tay cùng đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình để đạt kết quả cao hơn.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình những năm gần đây

Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhận định: Những năm gần đây, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được những kết quả nhất định: nhận thức của cộng đồng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể ngày một nâng cao, các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi bạo lực gia đình đã và đang triển khai ở cộng đồng ngày càng phát huy hiệu quả; số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm, nhận thức của người dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực và xuất hiện những tấm gương điển hình, tiên tiến.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi với các đối tượng khác nhau; tính chất của các vụ bạo lực gia đình ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường. Bạo lực gia đình đã và đang ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội, gây bất bình trong dư luận xã hội – Chỉ thị nêu rõ.

Ảnh minh họa/ hoinongdan.org.vnẢnh minh họa/ hoinongdan.org.vn

Tại Hội nghị trực tuyến quốc tế về các biện pháp bảo vệ và phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 do Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN tổ chức vào ngày 5/6 cho biết: Một nghiên cứu về hậu quả của bạo lực tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho rằng tổng thiệt hại kinh tế của vấn đề bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt liên quan đến sức khỏe và hậu quả của các hành vi gây nguy hại sức khỏe lên tới 209 tỷ USD (2012) hoặc gần 2% GDP của khu vực.

Theo kết quả thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2011 tới 2015, trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình, mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực. Trong tổng số 157.859 vụ bạo lực gia đình được phát hiện từ năm 2011 đến năm 2015, trường hợp nạn nhân là phụ nữ (từ 16 đến 59 tuổi) chiếm 74,24%.

Còn theo điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đối với phụ nữ, tỷ lệ từng bị bạo lực về tinh thần là 47,2%, bạo lực thể chất là 7,3%, bạo lực tình dục là 4,2%, bạo lực về kinh tế là 1,8%.

Bạo lực gia đình làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân không chỉ tức thời mà lâu dài. Hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng mỗi cá nhân trong gia đình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Do đó cần phải hiểu rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi vấn nạn nhức nhối bạo lực gia đình.

Nguyên nhân và một số giải pháp

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn một số hạn chế cũng được nêu rõ tại Chỉ thị 08/CT-TTg, là do nhiều cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử, phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, phong phú, đa dạng và sâu rộng. Cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có cộng tác viên về gia đình ở cơ sở.

Trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ gia đình và phòng ngừa bạo lực gia đình như Hiến pháp năm 1992, luật Hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam duy trì Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội với mục đích nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, nạn nhân của mua bán người; duy trì tổng đài 1900 969680 tham vấn hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động thiết thực, nâng cao kiến thức và kỹ năng sống cho phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó nhiều mô hình hay ở địa phương cũng được áp dựng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

 Cần có sự chung tay của các cấp, các ngành để bạo lực gia đình giảm. Ảnh minh họa/sggp.org.vnCần có sự chung tay của các cấp, các ngành để bạo lực gia đình giảm. Ảnh minh họa/sggp.org.vn

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều năm qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động nhằm truyền thông, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời cũng tổ chức một số hội thảo, tổ chức cuộc thi với chủ đề về phòng, chống bạo lực gia đình, tác hại của bạo lực gia đình đối với thể chất, tinh thần con người cũng như những tác động kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó cũng lồng ghép bằng nhiều hình thức để giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cá nhân, cộng đồng cũng như kết quả đạt được về công tác phòng, chống bạo lực gia đình những năm qua.

Bên cạnh việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, ngày 4/2/2020 Chỉ thị số 08/CT-TTg yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng được ban hành. Chỉ thị xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ban ngành (Bộ VHTTDL, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế...) trong việc cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình. Như vậy có thể khẳng định công tác phòng, chống bạo lực gia đình là vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sát. Đồng thời cũng cho thấy công tác phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ của riêng ngành VHTTDL mà còn cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các bộ, ban, ngành trên cả nước để các gia đình được hạnh phúc, ấm no, xã hội phát triển.

Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm. Tuy nhiên, để góp phần đạt được mục tiêu đó thì công tác phòng chống bạo lực gia đình phải được tiếp tục đẩy mạnh, làm cho mỗi gia đình thực sự trở thành tế bào tốt, đóng góp cho xã hội.

HÀ ANH

Theo http://toquoc.vn/day-lui-bao-luc-gia-dinh-de-xay-dung-gia-dinh-am-no-tien-bo-hanh-phuc-20200702180811145.htm

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.