Trắng tay, mất nhà vì đường dây xuất khẩu lao động "chui"

Chia sẻ

Với mong muốn được “đổi đời”, nhiều gia đình tìm đến đường dây xuất khẩu lao động “chui” của Trần Thị Nữ (sinh năm 1973, trú tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để nộp hồ sơ. Thế nhưng, họ đều bị Nữ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, dẫn đến mất cả chì lẫn chài…

Ngày 10/3, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Trần Thị Nữ (sinh năm 1973, trú tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, trong thời gian làm việc tại công ty Cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long, Trần Thị Nữ đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra thông tin gian dối về việc bản thân có quen người làm ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có thể giúp đi lao động tại Hàn Quốc với chi phí 14.500 USD/người; cam kết trong 2 tháng sẽ được đi. Nếu không đúng cam kết, Nữ sẽ hoàn trả lại số tiền đã nộp.

Bị cáo Trần Thị Nữ trước toàBị cáo Trần Thị Nữ trước toà

Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 10/2018, Trần Thị Nữ đã nhận tiền của 9 người bị hại, chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng.

Ngồi thất thần trước hàng ghế phía ngoài cửa phòng xử án, bà Tô Thị Quần (sinh năm 1963, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) len lén lau nước mắt. Bà cùng 5 người khác là bị hại trong vụ án đã bắt xe trong đêm ra Hà Nội và có mặt tại toà từ 4 giờ sáng để cầu mong có phép màu xảy ra, đòi lại được số tiền đã mất. Bà thở dài: “Gia đình tôi không chỉ bị Nữ lừa mất số tiền 217 triệu đồng, mà còn liên lụy đến hàng xóm khác nữa. Chỉ vì tin tưởng Nữ, tôi giới thiệu người thân, hàng xóm nộp tiền làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, mong muốn vùng quê nghèo được “thay da đổi thịt”. Nào ngờ, giờ trắng tay cả…”.

Bà Quần kể, trước đây, con trai bà là V.V.C cũng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan thông qua công ty nơi Nữ làm việc. Sau khi về nước, anh C nhờ mẹ liên hệ với Nữ lấy lại số tiền đặt cọc. Bà nghe lời ngon ngọt của Nữ, tiếp tục ôm giấc mộng cho con sang Hàn Quốc làm việc với mức lương từ 30-50 triệu đồng. “Lúc đó, Nữ nói với tôi là có người quen ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có thể đưa người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc làm thuyền viên với chi phí là 14,5 nghìn USD/người, cam kết trong thời hạn 2 tháng nếu không đi được sẽ trả lại đủ số tiền đặt cọc” - bà Quần nói.

Nhiều lần, Nữ nhắn tin bảo nếu bà giới thiệu thêm người làm hồ sơ, Nữ sẽ giảm chi phí cho anh C. Do tin tưởng, từ ngày 26/4 đến ngày 1/6/2018, bà Quần nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của Nữ, tổng số tiền là 217 triệu đồng, đồng thời, giới thiệu một số người thân quen ở tỉnh Hà Tĩnh liên hệ với Nữ làm thủ tục xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền. Nữ không làm thủ tục cho anh V.V.C đi xuất khẩu lao động như cam kết mà chiếm đoạt luôn số tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thông qua bà Quần giới thiệu, Trần Thị Nữ còn chiếm đoạt của anh Thiều Xuân Dũng 329 triệu đồng; Nguyễn Minh Tuấn số tiền 334 triệu đồng, Nguyễn Đình Tuấn 326 triệu đồng… và nhiều bị hại khác. Đến nay, tất cả các bị hại đều không nhận được tiền bồi thường từ Nữ. Nhiều người phải bán đất, bán nhà, đi ở nhờ hoặc vào Tây Nguyên làm thuê để trả nợ…

HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền lớn, phạm tội từ 2 lần trở lên, do đó, cần xử phạt nghiêm để đủ sức răn đe, đồng thời tuyên phạt bị cáo Trần Thị Nữ mức án 14 năm tù theo đúng tội danh đã truy tố, bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Việc một số gia đình bị lừa, mất tiền trong việc lo cho con và người nhà đi xuất khẩu lao động là bài học vô cùng đắt giá. Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân tăng cao, do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh những rủi ro không đánh có, người lao động cần đề cao cảnh giác, nắm bắt thông tin cần thiết trước khi đăng ký đi xuất khẩu lao động.

Nếu người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, cần liên hệ qua Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương và các công ty uy tín để có thông tin chính thống, tránh đi “chui” theo các đường dây không hợp lệ, dễ mất cả chì lẫn chài.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.