Coi trọng quyền thừa kế của con trai, xem nhẹ quyền lợi của con gái

Chia sẻ

Dù pháp luật quy định, con trai và con gái đều bình đẳng trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ, nhưng đa số vẫn mặc định chỉ có con trai mới được hưởng thừa kế, còn con gái thì không, hoặc có thì cũng chỉ được chia phần ít ỏi.

Coi trọng quyền thừa kế của con trai, xem nhẹ quyền lợi của con gái - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Mặc định con trai có quyền hưởng tài sản nhiều hơn con gái

Câu chuyện thừa kế tài sản tưởng chừng là chuyện riêng của mỗi gia đình nhưng lại là vấn đề lớn của xã hội. Bởi nó đang khiến cho tình trạng bất bình đẳng giới tồn tại, vô hình chung vai trò, vị trí của con trai trong gia đình luôn được coi trọng, còn quyền lợi của con gái luôn bị hạ thấp. Tôi tin rằng nếu làm một cuộc trắc nghiệm với câu hỏi "tài sản thừa kế sẽ để lại cho con trai hay con gái", chắc chắn đa số cha mẹ sẽ trả lời để lại cho con trai, chỉ có ai không có con trai thì sẽ lựa chọn phương án để tài sản cho con gái. Định kiến này đã khiến hầu hết con gái buộc phải chấp nhận thiệt thòi. Nếu có cô con gái nào đấu tranh cho quyền bình đẳng thừa kế tài sản của mình theo quy định của pháp luật, thì sẽ rơi vào cảnh anh/chị/em lôi nhau ra tòa phân xử, khiến tình thân tương tàn.

Tôi có một người bạn bị bệnh hiểm nghèo, biết mình không qua khỏi, ông làm di chúc để lại tài sản cho các con. Ông có 1 con trai, 1 con gái và mặc định sẽ để lại toàn bộ tài sản nhà cửa, đất đai cho con trai, còn con gái ông cho "lộc" số tiền tiết kiệm mấy chục triệu đồng. Ngày ông lập di chúc, nhờ tôi đến làm chứng. Biết được ý nguyện của ông, tôi băn khoăn về việc phân chia tài sản không công bằng giữa con trai và con gái. Ông giải thích rằng, con trai nối nghiệp tổ tông, còn con gái gả đi rồi là "con người ta". Sau khi di chúc được lập xong, ông thông báo nội dung đó cho các con biết. Đúng như tôi dự đoán, bản di chúc của ông đã khơi mào cho sự mất đoàn kết giữa các con. Anh con rể biết chuyện bố vợ gạt con gái khỏi danh sách thừa kế đã xúi giục vợ về đòi quyền lợi của mình. Cô con gái suy tính và thấy chồng nói đúng liền về nhà đòi cha sửa lại di chúc, phân chia lại tài sản. Vợ chồng con trai ông không đồng ý, xua đuổi chị gái không được về đòi hỏi quyền lợi khi đã lấy chồng. Trước áp lực của con trai, ông không thể sửa lại bản di chúc đã lập. Thế là, những ngày tháng vật vã đau ốm cuối đời, ông phải chứng kiến cảnh các con mất đoàn kết, từ mặt nhau.

Vì vậy, trong câu chuyện để lại tài sản thừa kế cho con, cha mẹ cần có sự công bằng giữa con trai và con gái. Bởi hệ lụy của tư tưởng coi trọng con trai, xem nhẹ con gái cho đến bây giờ vẫn còn để lại rất nhiều hệ lụy đau lòng cho cả gia đình và xã hội.

                              Nguyễn Đình San
(Phường Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội)

Tài sản thừa kế đi liền với nghĩa vụ của con trai?

Từ trước đến nay, chuyện thừa kế tài sản trong gia đình vẫn được cha mẹ mặc định để lại cho con trai toàn bộ, hoặc phần lớn. Theo tôi nghĩ, sở dĩ có điều này là do một phần lịch sử để lại. Từ xa xưa, nếp sống trong gia đình Việt vẫn theo lề lối con trai gắn liền với trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng gia tiên, chăm sóc phần mộ ông bà, tổ tiên. Con gái, khi đã gả chồng thì không còn lo việc nhà cha mẹ đẻ, toàn tâm toàn ý lo cho nhà chồng. Vậy nên cha mẹ mới có tư tưởng "con gái là con người ta", chẳng có nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà mình như con trai nên mặc nhiên sẽ không có quyền, hoặc không được hưởng gia sản bố mẹ, ông bà để lại.

Nhiều cha mẹ có quan niệm, con gái lấy chồng thì sẽ hưởng tài sản nhà chồng. Cha mẹ chồng sẽ để hết tài sản cho con trai thì con dâu cũng có phần quyền lợi trong đó rồi. Vì vậy, suy cho cùng con gái cũng không thiệt thòi gì cả. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của chuyện trọng nam khinh nữ, để rồi kéo theo sau đó là những hệ lụy mà lâu nay chúng ta đã thấy như: Cố gắng sinh con trai, chăm lo, yêu thương con trai hơn con gái, đầu tư học hành, để lại tài sản, ban phát cho con trai nhiều quyền lực trong gia đình hơn con gái... Và đi cùng với đó, cha mẹ cũng trút lên con trai những gánh nặng chăm sóc họ khi về già, mọi công to việc lớn đều gọi con trai về lo liệu...

Cuộc sống đang thay đổi, pháp luật cũng đã có những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền lợi của con trai và con gái bình đẳng. Vì thế theo tôi, chúng ta cũng nên thay đổi trong vấn đề để lại tài sản cho con. Thực tế cuộc sống thị trường và hội nhập đang khiến cho mô hình gia đình truyền thống tam/tứ đại đồng đường không còn phổ biến như trước. Thay vào đó, cha mẹ và con cái sống riêng, việc chăm sóc cha mẹ già bây giờ phụ thuộc vào giúp việc là chủ yếu, tiền thuê giúp việc con trai và con gái cùng đóng góp. Thậm chí, nhiều cha mẹ chọn sống tuổi già trong nhà dưỡng lão. Vì vậy, gánh nặng phụng dưỡng cha mẹ già không còn dồn lại cho con trai như trước đây.

Do đó, theo tôi, mỗi gia đình đừng mặc định tài sản chỉ để lại cho con trai, và dồn trách nhiệm lo tuổi già của bố mẹ lên một mình họ. Hãy công bằng, bình đẳng giữa quyền lợi và trách nhiệm của con trai và con gái. Chỉ có như vậy thì mới chấm dứt được những câu chuyện buồn từ việc phân chia, để lại tài sản thừa kế giữa con trai và con gái.

Mời bạn đọc thảo luận về vấn đề này, mọi ý kiến thảo luận xin gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy. Điện thoại: 0243.7350555 hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn quý độc giả!

Lê Thu Hiền (Giảng Võ, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Vợ đẹp con khôn sao chồng vẫn ngoại tình?

Vợ đẹp con khôn sao chồng vẫn ngoại tình?

(PNTĐ) - Trong cuộc sống, không ít trường hợp đàn ông có gia đình êm ấm, vợ xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại ngoại tình với “con giáp thứ 13” già, xấu hơn “chính thất”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đàn ông chấp nhận đánh đổi mọi thứ để chạy theo một người phụ nữ có nhiều mặt thua kém vợ?
Phụ nữ sao không thể độc thân?

Phụ nữ sao không thể độc thân?

(PNTĐ) - Bữa đó, Lê về nhà, nhìn mặt bố mẹ, cô biết ngay ông bà đang giận mình. Quả nhiên, khi Lê xuống bếp giúp mẹ nấu cơm thì bà vùng vằng, nói dỗi: “Hai thân già này có thể tự lo cho nhau, không khiến cô suốt ngày quanh quẩn quanh chúng tôi. Cứ mãi thế này, tôi và bố cô chết không nhắm được mắt”.
Trầm cảm trẻ em và vị thành niên

Trầm cảm trẻ em và vị thành niên

Liên tiếp các vụ trẻ vị thành niên tự sát xảy ra trong thời gian qua làm dấy lên một nỗi lo ngại của xã hội về vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên. Trong đó trầm cảm – căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở lứa tuổi này đã được đề cập nhiều.