Góc tư vấn Hành trang xây tổ ấm:
Ngăn cản người thân thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với bố mẹ bị xử lý thế nào?
(PNTĐ) ... Điều khiến tôi bức xúc nhất là vợ chồng anh ngăn cản tôi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với bố mẹ. Tôi muốn đến thăm bố mẹ cũng không được, mua quà, gửi tiền biếu, họ cũng không cho bố mẹ nhận. Vậy tôi phải làm thế nào....?

Tôi năm nay 34 tuổi, chưa lập gia đình. Lâu nay, tôi sống chung cùng với bố mẹ và vợ chồng anh trai trưởng. Tôi đi làm có thu nhập nên hàng tháng vẫn gửi tiền sinh hoạt cho bố mẹ. Trước đây, bố mẹ tôi quản mọi việc chi tiêu trong gia đình, nhưng sau này sức khỏe yếu nên giao lại cho anh chị tôi lo liệu. Thời gian gần đây, vợ chồng anh trai và tôi nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống. Đỉnh điểm cách đây hai tháng, tôi và vợ chồng anh trai đã cãi nhau, dẫn tới xô xát. Sau đó, anh trai “đuổi” tôi ra khỏi nhà. Tôi đã phải ra ngoài thuê nhà trọ, dù xét về lý, tôi cũng có quyền sống ở ngôi nhà của bố mẹ giống như vợ chồng anh trai. Lâu nay, mỗi khi sửa chữa, mua sắm đồ dùng trong nhà, tôi đều đóng góp không ít. Hiện nay, tôi còn một số đồ dùng, tài sản riêng như ti vi, tủ lạnh, giường tủ, loa đài… để ở nhà bố mẹ và anh trai. Giờ tôi muốn chuyển hết về phòng trọ của mình nhưng vợ chồng anh trai không đồng ý, ngang nhiên biến thành tài sản của họ.
Điều khiến tôi bức xúc nhất là vợ chồng anh ngăn cản tôi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với bố mẹ. Tôi muốn đến thăm bố mẹ cũng không được, mua quà, gửi tiền biếu, họ cũng không cho bố mẹ nhận. Tôi muốn hỏi Quý báo, hành vi của vợ chồng anh trai tôi có vi phạm pháp luật không? Nếu tôi làm đơn tố cáo thì họ có bị xử lý không? Nếu có thì bị xử lý thế nào?
Đặng Văn Công (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Pháp luật hiện hành quy định, con cái có quyền bình đẳng về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với bố mẹ, có quyền về chỗ ở, quyền đối với tài sản riêng của mình. Theo đó, nếu ai có hành vi xâm hại quyền và nghĩa vụ này đều bị xử lý theo pháp luật. Cụ thể, về trường hợp của bạn, vợ chồng anh trai bạn đang có những hành vi vi phạm pháp luật khi ngăn cản bạn thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với bố mẹ, bạo lực kinh tế đối với các thành viên trong gia đình, và buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Mức xử phạt sẽ được căn cứ vào Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, Điều 56 của Nghị định này quy định đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đối với hành vi bạo lực về kinh tế, Điều 58 quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động… Với hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ, theo quy định tại Điều 59, người nào vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Cùng với đó, người vi phạm cũng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Vì là người trong gia đình, về tình cảm, bạn có thể nhờ họ hàng, người thân phân tích để vợ chồng anh trai bạn hiểu và chấm dứt hành vi ngăn cản bạn thăm nom, chăm sóc bố mẹ, và chiếm hữu tài sản riêng của bạn. Trường hợp mọi việc không thể xử lý được trên góc độ tình cảm, bạn có thể nhờ pháp luật can thiệp để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với bố mẹ, bảo vệ quyền lợi về tài sản của mình.