Cùng con khôn lớn:

Yêu con không đúng cách bằng mười hại con!

HÀ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những bậc cha mẹ ai cũng yêu thương và muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Đôi khi họ “nhầm lẫn” giữa yêu thương và chiều chuộng quá mức. Phương pháp nuôi con này dẫn đến những hậu quả không tốt về tâm lý của trẻ, ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển sau này của chúng.

Yêu con không đúng cách bằng mười hại con! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia giáo dục, không nuông chiều con không đồng nghĩa với việc phải nghiêm khắc trong nuôi dạy con một cách cứng nhắc, độc đoán. Khi cha mẹ muốn từ chối yêu cầu đòi hỏi của con trẻ, chúng ta không nên thể hiện thái độ thẳng thừng quá mức, hay cấm đoán. Bạn hãy để cho con mình tự tìm tòi cách giải quyết, đấu tranh, tự lập để có được mong muốn ấy như đòi một món đồ chơi mới đắt đỏ hay “nâng đời” chiếc điện thoại còn sử dụng được tốt. Các chuyên gia khuyên phụ huynh lúc này nên là người bạn đồng hành, hướng dẫn con cái xử lý vấn đề một cách nhẹ nhàng, rèn luyện cho chúng kiềm chế những ham muốn, đòi hỏi có phần chưa hợp lý của bản thân.
Nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được điều đó, hiện nay nhiều phụ huynh vẫn yêu con bằng cách chiều chuộng con quá mức. Như gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn được mọi người xung quanh nhận xét “quan tâm con hơn mức bình thường”, việc lớn, việc nhỏ gì của con cái cũng đến tay chị. Gia đình chị Mai có 2 con, con gái lớn học đại học năm thứ nhất, con trai út học lớp 3. Từ khi con bé đến lớn, vợ chồng anh chị luôn dành hết sự yêu thương, che chở cho những đứa trẻ ấy. Mỗi cuối tuần cả nhà chị đều đi siêu thị mua đồ, có lần nhìn thấy hộp sữa trưng bày ở trên kệ, con trai chị nằng nặc đòi mẹ lấy bóc ra uống. Mặc dù biết con đã uống đủ nước, ăn đủ cơm ở nhà, chưa đến mức cần thiết phải uống thêm sữa nhưng vì chiều con, chị Mai vội chạy ra quầy thanh toán trước hộp sữa cho con trai để thỏa mãn sự đòi hỏi của con. Hay, mỗi khi hãng đồ chơi nào ra mẫu mới, cậu bé như thường lệ không quên “vòi” mẹ mua cho bằng được. Những lần đó chị Mai đều đáp ứng mong muốn của con trai, dù cho bộ sưu tập đồ chơi trên kệ, trong phòng con đã chật kín.
Cô con gái lớn của chị Mai giờ đây đã là cô sinh viên đại học nhưng vẫn không biết “động tay động chân” vào việc gì trong nhà. Cũng bởi từ bé, cô bé không phải “động tay động chân” vào bất cứ việc gì từ rửa bát, nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo… Đây đều là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng làm được ít nhiều. Ấy vậy mà con gái chị Mai không làm và cũng chẳng biết làm. Khi mọi người thắc mắc hỏi tại sao gia đình không rèn luyện cho con những công việc như thế để trẻ tự lập từ bé, chị Mai chỉ đáp: “Cháu còn bé lắm, chưa làm được đâu”, “Cháu còn bận học, mình làm rốn một tí, để cháu tập trung ôn bài”, “Cháu còn phải ôn thi cấp ba, ôn thi đại học”… 
Bây giờ con gái đã trở thành sinh viên nhưng vẫn chưa thấy cháu làm những công việc đó lần nào. Hệ lụy là khi con gái chị Mai học xa nhà, phải ở riêng để thuận tiện cho việc học tập, thì mọi thứ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khiến chị phải thuê giúp việc theo giờ hỗ trợ con gái chuyện cơm nước, giặt giũ.
Đây là trường hợp dễ thấy của việc thương yêu, bao bọc đến mức nuông chiều con quá mức của các bậc cha mẹ. Vấn đề quan tâm, thương yêu chưa đúng cách này vô hình chung đã khiến con trẻ hình thành tính ỉ lại, lười biếng, thiếu tính tự lập, luôn muốn đòi hỏi từ người khác. 
TS. Vũ Thu Hương (chuyên gia giáo dục) cho rằng, những đứa trẻ mà bố mẹ chúng đã nuông chiều, chăm lo, bao bọc để con sung sướng quá mức, họ mới chỉ lo đến hiện tại, mà không nghĩ đến tương lai của con. Những đứa trẻ ấy thường không bao giờ thấy thật sự vui vẻ được vì bản chất con người là lòng tham vô đáy, luôn muốn nhiều hơn nữa và các con không tìm được niềm vui đơn sơ, giản dị trong cuộc sống quanh ta.
Theo TS. Nguyễn Thu Hương, có một nguyên tắc dạy con cha mẹ cần nhớ, đó là “chiều chuộng con, làm hộ con là ngăn cản con phát triển”. Con càng tự lập tốt, các bộ phận trên cơ thể của con, đặc biệt là não càng phát triển mạnh, linh hoạt và nhanh nhẹn. Ngoài ra, một nguyên tắc nằm lòng nữa để dạy con tự lập là: Để con tự làm, tự trải nghiệm. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ được nuông chiều sẽ gặp nhiều vấn đề khi trưởng thành. Nhiều người khi quen được bao bọc, chiều chuộng cho biết họ cảm thấy không vui và loay hoay giải quyết vấn đề khi đối mặt với nhiều sự việc, rắc rối ngoài thực tế. Cha mẹ hãy biết yêu thương con đúng, đủ một cách khéo léo, thông minh để giúp con phát triển bản thân ngay từ bé, để lớn lên con sẽ sống tốt và tự lập, để không chơi vơi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nuôi dạy con cái là một nghệ thuật, ở đó cha mẹ cần có sự yêu thương và thấu hiểu, linh hoạt ứng xử và đôi khi cũng cần đặt ra các quy tắc hợp lý, rõ ràng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

Chuyện người gieo mầm hiếm muộn

(PNTĐ) - Gần 15 năm “bén duyên” với nghề “làm cha” của những đứa trẻ thụ tinh từ ống nghiệm, BSCKI Phạm Văn Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không nhớ đã có bao nhiêu cặp gia đình được anh hỗ trợ “kiếm con”.
Áp dụng sinh trắc học để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Áp dụng sinh trắc học để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

(PNTĐ) - Với 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội vào đầu năm 2024, trẻ em Việt Nam đối mặt với rủi ro đáng kể trên mạng, bao gồm bắt nạt trực tuyến và các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị tổn thương, do đó việc áp dụng các biện pháp an toàn toàn diện là vô cùng cần thiết.
Cùng hoa đón Tết

Cùng hoa đón Tết

(PNTĐ) - Trưng hoa ngày Tết là một trong những cách làm cho căn nhà trở nên rực rỡ, tràn ngập sắc Xuân. Bình hoa ngày Tết có màu sắc rực rỡ với những loại hoa như thược dược, lay ơn, ly, đào, violet, tầm xuân… vì những màu sắc này tượng trưng cho sự may mắn, một năm mới khởi sắc.
Dẻo thơm xôi ngày Tết

Dẻo thơm xôi ngày Tết

(PNTĐ) - Xôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Ngoài các món xôi quen thuộc như xôi gấc, xôi đậu xanh... cùng vào bếp nấu các món xôi dẻo thơm mới lạ này cho gia đình thưởng thức...