Cánh Diều Vàng 2017 trao cho phim “vay mượn ý tưởng”?

Chia sẻ

PNTĐ-“Cô Ba Sài Gòn” đã giành giải thưởng Cánh Diều Vàng 2017 hạng mục phim truyện điện ảnh, mặc dù bộ phim từng bị cho là vay mượn ý tưởng từ tác phẩm nổi tiếng “Devil Wears Prada”.

 
Lễ trao giải Cánh Diều 2017 diễn ra tối 15/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự dẫn dắt của MC Thùy Linh và Danh Tùng. Do thời lượng có hạn, ban tổ chức chỉ trao giải thưởng lớn nhất mỗi hạng mục, cùng những giải thưởng cá nhân. 
 
Nhìn chung, lễ trao giải năm nay không quá rườm rà và lê thê, hạn chế được những sự cố kém duyên như thiếu cúp, MC “thảm họa”… của những năm trước. Dù vậy, Lễ trao giải Cánh Diều 2017 vẫn tiếp tục gây nhàm chán và bị chỉ trích là không hấp dẫn vì chỉ có vài tiết mục ca nhạc xen giữa các phần trao giải.
 
Dù đã chuẩn bị từ rất lâu, giải thưởng được cho là lớn nhất của nền điện ảnh nước nhà vẫn vấp phải những “hạt sạn” đáng tiếc như việc sắp đặt thứ tự trao các giải thưởng bị rối và lộn xộn, khi lên trao giải Nam – Nữ diễn viên phụ phim điện ảnh cùng NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Diệu Thuần đã đọc nhầm cả tên phim và tên diễn viên khiến khán giả ở dưới cười ồ. Và Cánh Diều 2017 vẫn giữ “đặc sản” “dĩ hòa vi quý” khi trao đồng giải Cánh Diều Bạc cho nhiều phim ở cùng hạng mục. 
 
Hạng mục phim truyện điện ảnh năm nay có tất cả 13 phim tham dự giải Cánh Diều. Trừ 4 phim remake (Việt hóa kịch bản) thì chỉ còn 9 phim tranh giải Cánh Diều Vàng. Số lượng phim ít ỏi, chất lượng lại không đồng đều khiến ban giám khảo gặp khó khăn trong quá trình chấm giải. 
Giải thưởng Cánh Diều năm nay vẫn đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Và, theo như ban tổ chức hé lộ từ trước, dù có ít tác phẩm tham dự nhưng với mong muốn động viên các nhà sản xuất, ghi nhận những đóng góp của người làm phim, ban giám khảo sẽ cố gắng “so bó đũa chọn cột cờ” để Cánh diều có… Vàng. 
 
Sau quá trình cân nhắc, chấm chọn của ban giám khảo, bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã được vinh danh Cánh Diều Vàng ở hạng mục phim truyện điện ảnh, đồng thời, phim này còn nhận thêm giải thưởng Biên kịch xuất sắc. Sự lựa chọn của ban giám khảo chưa thực sự trọn vẹn bởi không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ những người yêu mến theo dõi điện ảnh. 
 
Cánh Diều Vàng 2017 trao cho phim “vay mượn ý tưởng”? - ảnh 1
“Cô Ba Sài Gòn” giành giải Cánh Diều Vàng phim truyện điện ảnh 

 
Bộ phim vướng nghi án vay mượn ý tưởng, có nhiều điểm tương đồng với “Devil Wears Prada” - bộ phim điện ảnh đình đám ra mắt năm 2006. Tính cách của Helen trong “Cô Ba Sài Gòn” được cho là xây dựng rất giống với Miranda Priestly trong phim “Devil Wears Prada” – người phụ nữ danh tiếng, quyền lực và cực kỳ khó tính. Có khán giả đã ví việc BTC trao giải cho “Cô Ba Sài Gòn” là “Cánh Diều đã bay trên bầu trời vay mượn”. 
 
Giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh dành cho Nhã Phương cũng khá bất ngờ bởi phim “Yêu đi đừng sợ” vốn là bản Việt hóa tác phẩm “Spellbound” (Hàn Quốc) và đây cũng không phải vai diễn tốt nhất của Nhã Phương. 
 
Bộ phim được dự đoán giành Cánh Diều Vàng là Em chưa 18 đã giành giải Cánh Diều Bạc, cùng giải Đạo diễn xuất sắc phim truyện điện ảnh cho Lê Thanh Sơn và giải Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh cho Kiều Minh Tuấn, vai Hoàng. 
 
Ở hạng mục phim truyện truyền hình, Thương nhớ ở ai được cho là xứng đáng với giải Cánh Diều Vàng. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, lấy bối cảnh ở làng Đông - một vùng quê Bắc bộ điển hình những năm 1950 - 1960. Ngoài giải Phim truyền hình xuất sắc, “Thương nhớ ở ai” còn giành giải Đạo diễn xuất sắc (Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh), Nam diễn viên phụ xuất sắc Jimmy Khánh và Quay phim xuất sắc Hoàng Tích Thiện.
 
Theo quy chế giải thưởng, phim Việt hóa kịch bản sẽ không được xét giải phim truyện truyền hình xuất sắc nhưng vẫn được tranh giải cá nhân. Giải Nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình vốn được kỳ vọng sẽ thuộc về “ông trùm” Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) của “Người phán xử” hoặc hai diễn viên đảm nhiệm vai con trai “ông trùm” là Việt Anh và Hồng Đăng, nhưng sau cùng lại được trao cho Trương Minh Quốc Thái, phim “Tử thi lên tiếng”. Trong khi đó, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyền hình được trao cho Xuân Văn – vai Di phim “Lẩn khuất một tên người” cũng là điều bất ngờ bởi trước đó, tên tuổi của nữ diễn viên được ít người biết đến. 
 
Không được gọi tên ở những hạng mục giải thưởng quan trọng, giải Nam – Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyền hình dành cho hai diễn viên phim “Người phán xử” là NSƯT Trung Anh vai Lương Bổng và diễn viên Thanh Hương, vai Phan Hương.
 
Điều đáng tiếc tại Cánh Diều 2017 là có 9 phim tham gia hạng mục phim khoa học nhưng không có giải Cánh Diều Vàng, đồng thời giải đạo diễn và quay phim xuất sắc phim khoa học cũng không tìm được chủ nhân xứng đáng.
Nguyên Vũ 

Tin cùng chuyên mục

Nếu được chọn một dòng nhạc dành riêng cho Tam Đảo, xin hãy chọn tình ca Bolero!

Nếu được chọn một dòng nhạc dành riêng cho Tam Đảo, xin hãy chọn tình ca Bolero!

(PNTĐ) - Quả đúng như vậy, nơi từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Đông Dương” này luôn khiến những kẻ lãng du nao lòng bởi không gian bảng lảng sương mù lẩn khuất giữa những kiến trúc biệt thự tráng lệ. Và còn gì quyến rũ hơn, khi giữa không gian ấy, ta lại được đắm mình trong những giai điệu trữ tình, ngọt ngào sâu lắng của dòng nhạc êm ái.
Việt Nam - điểm hẹn của “huyền thoại” nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới

Việt Nam - điểm hẹn của “huyền thoại” nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới

(PNTĐ) - Mới đây, Kempinski - huyền thoại trong lĩnh vực nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, được biết đến là “lựa chọn kín tiếng” bởi các hoàng gia và giới nhà giàu, siêu giàu… cho biết đã lựa chọn mảnh đất bên sông Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) để xây dựng biểu tượng khách sạn nghỉ dưỡng mới.
Khám phá Kempinski Hotel – sự lựa chọn “kín tiếng” của các hoàng gia thế giới

Khám phá Kempinski Hotel – sự lựa chọn “kín tiếng” của các hoàng gia thế giới

(PNTĐ) - Với việc mang sự sang trọng vượt thời gian của châu Âu đến khắp các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Indonesia; cùng yếu tố riêng tư được đề cao, nhiều trải nghiệm “độc quyền”… chuỗi khách sạn lâu đời nhất châu Âu - Kempinski Hotel từ lâu đã là một địa chỉ quen thuộc, và lựa chọn hàng đầu của giới hoàng gia hoặc siêu giàu trên khắp thế giới.