Sân khấu thực cảnh "Thuở ấy xứ Đoài"

Chia sẻ

PNTĐ-Vừa qua, đạo diễn Việt Tú đã chính thức ra mắt vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Thuở ấy xứ Đoài” ở khu vực núi Sài, chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội.

 
Sân khấu thực cảnh
Một cảnh trong vở rối nước “Thuở ấy xứ Đoài”
 
Đây là sân khấu thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam với sự tham gia của 140 người nông dân xứ Đoài chất phác thuần hậu. Sau một năm tập luyện miệt mài, những diễn viên đặc biệt này đã khiến nhiều khán giả xúc động bởi những hoạt cảnh về cuộc sống làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước.
 
Sân khấu thực cảnh lớn nhất Việt Nam
 
Vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam “Thuở ấy xứ Đoài” với nội dung dựa trên câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ và lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh quy bái tổ... vở diễn  không chỉ mang lại những giá trị về nghệ thuật, mà còn cả những giá trị nhân văn to lớn.
 
Ngoài ra, tác phẩm còn được diễn ra trên một sân khấu là thực cảnh thiên nhiên với khán đài 2.000 chỗ ngồi, sân khấu mặt nước rộng mênh mông hơn 3.000m2 tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi chùa Thầy, giữa khung cảnh bao la, rộng mở. Thấp thoáng sau lũy tre, những mái ngói rêu phong ẩn hiện, khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết, hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước sương khói kỳ ảo, ekip cộng sự hàng trăm chuyên gia trong nước, quốc tế.
 
Các thiết kế chính của sân khấu bao gồm ngôi Thủy Đình nặng 10 tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre, từ 10m sâu dưới đáy Long Trì và đỉnh núi Thầy cao trăm mét với hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh cùng hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông. Tất cả đã tạo nên một sân khấu “có một không hai” tại Việt Nam.
 
Ngoài ra, góp phần không nhỏ vào thành công của vở diễn đó chính là phần âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, được thực hiện bởi nhóm Master Fader, những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonic. Với âm hưởng âm nhạc múa rối truyền thống kết hợp chèo và World Music, Master Fader đã đồng hành cùng ekip của vở diễn trong hơn 1 năm để thực hiện phầm âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, các thành viên của nhóm đã có nhiều ngày không ngủ, mang máy thu âm đến từng gốc cây, ngọn cỏ, ruộng lúa của khu vực chùa Thầy để thu những âm thanh chân thực nhất của cuộc sống nơi này.

Hành trình thực hiện giấc mơ táo bạo
 
 Đạo diễn Việt Tú đã mất 2 năm ròng để thực hiện được dự án này. 2 năm ấy, vị đạo diễn đắt show các sự kiện nghệ thuật lớn bỗng dưng mất tăm, ít ai biết anh đã đến hẳn khu vực chùa Thầy, thuê nhà cùng ekip, ngày ngày đi loanh quanh khắp nơi để nghiên cứu về văn hóa, đời sống của người dân nhằm tạo nên một tác phẩm nghệ thuật như “Thuở ấy xứ Đoài”. Thực tế, nếu như sử dụng diễn viên chuyên nghiệp, vở diễn có thể ra mắt sau đó 3 tháng. Tuy nhiên, vì không muốn “giống ai”, đạo diễn Việt Tú đã nảy ra một ý tưởng táo bạo, đó là kết hợp cùng chính những người nông dân vùng Chùa Thầy, biến họ trở thành diễn viên.
 
Tuy nhiên, quá trình để hô “biến” những người nông dân thành nghệ sĩ biểu diễn là điều không hề đơn giản. Xem buổi công diễn ra mắt “Thuở ấy xứ Đoài”, không khán giả nào tin các diễn viên rực rỡ trước mặt đều là… nông dân bản địa. Họ múa đều tăm tắp, diễn cực kỳ nhuần nhị, cười nói, vui vẻ, buồn bã đều biểu đạt sắc nét. Thế nhưng, họ thực sự lại chính là những người nông dân chất phác, ngày đi làm ruộng, tối lại trở thành những người nghệ sĩ thực thụ.
 
Đạo diễn Việt Tú kể, 4 tháng đầu chỉ có 120 người dân tham gia và những buổi tập sau đó, số lượng người đến tập giảm bớt đi 40%. Đạo diễn Việt Tú đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và hướng dẫn người dân tham gia tập luyện cho vở diễn. 140 người là 140 số phận, phần nhiều vất vả, chính điều này đôi lúc đã khiến đạo diễn Việt Tú muốn bỏ cuộc.
 
Tuy nhiên, trong lúc tuyệt vọng nhất thì xuất hiện bài Kệ do sư thầy trụ trì chùa Thầy chắp bút, sau được đạo diễn Việt Tú đưa vào trong tác phẩm. Bài Kệ này đã truyền động lực và kéo anh trở lại. Những lúc tập luyện khó khăn, vất vả, đạo diễn Việt Tú cũng thường sử dụng bài Kệ đó để động viên mọi người. Dần dần, sau một thời gian nỗ lực không ngừng, vở diễn đã đi vào ổn định và hình thành các tuyến nhân vật. Trong buổi tập đầu tiên, khi cô giáo dạy Chèo hướng dẫn bà con hát Chèo, hát xong mọi người đều bật khóc bởi trong họ được sống lại một thời thơ ấu bên bố mẹ, người thân.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục

Nếu được chọn một dòng nhạc dành riêng cho Tam Đảo, xin hãy chọn tình ca Bolero!

Nếu được chọn một dòng nhạc dành riêng cho Tam Đảo, xin hãy chọn tình ca Bolero!

(PNTĐ) - Quả đúng như vậy, nơi từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Đông Dương” này luôn khiến những kẻ lãng du nao lòng bởi không gian bảng lảng sương mù lẩn khuất giữa những kiến trúc biệt thự tráng lệ. Và còn gì quyến rũ hơn, khi giữa không gian ấy, ta lại được đắm mình trong những giai điệu trữ tình, ngọt ngào sâu lắng của dòng nhạc êm ái.
Khám phá Kempinski Hotel – sự lựa chọn “kín tiếng” của các hoàng gia thế giới

Khám phá Kempinski Hotel – sự lựa chọn “kín tiếng” của các hoàng gia thế giới

(PNTĐ) - Với việc mang sự sang trọng vượt thời gian của châu Âu đến khắp các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Indonesia; cùng yếu tố riêng tư được đề cao, nhiều trải nghiệm “độc quyền”… chuỗi khách sạn lâu đời nhất châu Âu - Kempinski Hotel từ lâu đã là một địa chỉ quen thuộc, và lựa chọn hàng đầu của giới hoàng gia hoặc siêu giàu trên khắp thế giới.
Việt Nam - điểm hẹn của “huyền thoại” nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới

Việt Nam - điểm hẹn của “huyền thoại” nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới

(PNTĐ) - Mới đây, Kempinski - huyền thoại trong lĩnh vực nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới, được biết đến là “lựa chọn kín tiếng” bởi các hoàng gia và giới nhà giàu, siêu giàu… cho biết đã lựa chọn mảnh đất bên sông Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) để xây dựng biểu tượng khách sạn nghỉ dưỡng mới.