Gian nan chặng đường "hồi sinh"

Chia sẻ

Quyết định cho trẻ mầm non trở lại trường vào ngày 13/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội đã làm dấy lên hy vọng được hồi sinh cho nhiều trường mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, để có thể phục hồi hoàn toàn, nhiều trường cho biết cần có thêm thời gian lẫn sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn mới được hoạt động trở lại

Sau khi nghe tin ngành học mầm non được đón trẻ trở lại trường, cô giáo Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng trường mầm non Thành Công (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhẩm tính, chỉ còn mấy tuần nữa là tròn 1 năm kể từ khi học sinh mầm non phải dừng đến trường khi Hà Nội bùng phát đợt dịch lần thứ 4.

Trước đó, trường đã nhiều lần phải nghỉ hoạt động vì dịch bệnh. May mắn hơn so với nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập khác, trường mầm mon Thành Công không phải thuê địa điểm, nhưng kinh phí bỏ ra để duy trì hoạt động của trường trong năm vừa qua cũng không hề nhỏ.

Những ngày qua, trường đã cho rà soát, bỏ kinh phí mua bổ sung trang thiết bị hỏng hóc, khấu hao cơ sở vật chất, làm sạch trường lớp để chuẩn bị đón trẻ trở lại trường. Nếu việc nghỉ dịch kéo dài thêm nữa, trường có thể sẽ không đủ sức tồn tại.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhường, Hiệu trưởng trường mầm non Sao Mai Kitty, thị trấn Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội, về cơ bản, giáo viên, cha mẹ học sinh… đều vui mừng khi trẻ được tới trường trở lại. Trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phương án ứng phó với các tình huống, diễn biến của dịch để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tới trường.

Tại quận Bắc Từ Liêm, ngay sau khi có quyết định của UBND Thành phố, quận đã triệu tập họp với hiệu trưởng 30 trường công lập, 12 trường ngoài công lập, 265 nhóm lớp tư thục và các Phó Chủ tịch các phường trên địa bàn để bàn việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non khi trở lại trường. Hoạt động dọn dẹp, tổng vệ sinh, khử khuẩn trường học vẫn diễn ra trong thời gian nghỉ lễ. Ngày 11/2, các trường tham gia dự diễn tập các tình huống xử trí khi trẻ trở lại trường tại trường mầm non Phú Diễn. Sau đó, trước ngày 13/4, tất cả các trường, nhóm lớp qua kiểm tra phải đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch mới được hoạt động trở lại.

Nhiều trường mầm non vui  mừng khi được đón trẻ trở lại song cho biết, cần nhiều tháng nữa thì hoạt động mới có thể phục hồiNhiều trường mầm non vui mừng khi được đón trẻ trở lại song cho biết, cần nhiều tháng nữa thì hoạt động mới có thể phục hồi

Mong được Nhà nước hỗ trợ

Khảo sát tại các trường mầm non ngoài công lập, dự báo, sau khi hoạt động trở lại, các trường vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dự báo phải đến đầu năm học 2022-2023, thậm chí hết học kỳ 1 của năm học này, hệ thống trường mầm non ngoài công lập mới có thể phục hồi trở lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Theo cô giáo Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng mầm non Thành Công, khó khăn trước tiên mà trường đang phải đối mặt khi hoạt động trở lại chính là thiếu hụt giáo viên. Do thời gian nghỉ dịch dài, nhiều giáo viên đã về quê và không muốn quay trở lại Hà Nội.

Ngay khi biết tin được hoạt động, trường đã khẩn trương thông báo tới các giáo viên, chỉ có 7 giáo viên đồng ý đi làm lại, 5 cô chính thức xin nghỉ việc. Một khó khăn nữa là việc giảm sĩ số học sinh. Trước nhà trường có 80 học sinh, giờ qua khảo sát, 30 học sinh đã được gia đình gửi về quê. Sĩ số học sinh đi học trở lại trong ngày 13/4 khoảng 36 trẻ. Do số trẻ đi ít, nguồn thu dự kiến không đủ chi nhưng trường vẫn sẽ phải gồng gánh để duy trì hoạt động, trả lương giáo viên để giữ chân người lao động.

Tương tự, cô giáo Đinh Thị Thọ, Hiệu trường mầm non Tuổi Hoa, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Với vai trò quản lý, khi bậc học mầm non được hoạt động trở lại, chúng tôi vừa mừng, nhưng cũng vừa lo. Mừng vì giáo viên đã có việc làm, trẻ đã được đến trường để được chăm sóc, dạy dỗ. Nhưng lo vì khó khăn mà trường mầm non ngoài công lập phải đối mặt vẫn còn hết sức bộn bề".

Khó khăn mà trường mầm non Tuổi Hoa gặp phải cũng là thiếu hụt giáo viên. Cô Đinh Thị Thọ cho biết: “Trong thời gian nghỉ dịch, chúng tôi vẫn duy trì kết nối với giáo viên nhưng khi trường mở cửa trở lại, thì nhiều giáo viên mới chính thức xin nghỉ việc. Hiện nay, chúng tôi đã phải đăng thông báo tuyển dụng giáo viên để bù đắp 20% số giáo viên thiếu hụt”. Cô Thọ dự báo, việc tuyển dụng này cũng không dễ dàng do nghề giáo viên mầm non vất vả, lương lại thấp nên nhiều người không mặn mà.

Chúng tôi đã phải có phương án dự phòng trong trường hợp không tuyển được giáo viên thì sẽ phải nhận cả giáo viên sư phạm ở các ngành khác, sau đó bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non rồi để cô phụ giúp cho các giáo viên mầm non khác trong lớp. Bên cạnh đó là việc hao hụt sĩ số học sinh.

Dự báo tỷ lệ học sinh đi học trong thời gian đầu chỉ đạt khoảng 50%. Ngoài ra là khó khăn về kinh phí tiếp tục duy trì hoạt động trường. Trường chỉ mới ổn định được 50% địa điểm. 50% vẫn phải đi thuê địa điểm ở các khu đô thị. Hai năm qua, chúng tôi phải vay mượn tiền từ nhiều nguồn để giữ cho trường không bị giải thể. Tới đây, dù được hoạt động trở lại, nhưng trường vẫn rất khó khăn do ít học sinh, nguồn thu eo hẹp, trong khi kinh phí vẫn phải bỏ ra để vận hành trường”.

Vì vậy, cô Thọ mong muốn tới đây, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các trường mầm non ngoài công lập được vay vốn ưu đãi để phục hồi hoạt động, hỗ trợ đời sống, tăng lương giáo viên khi các cô phải tăng giờ, tăng ca trong lúc chờ đợi trường tuyển mới giáo viên.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.