Hà Nội: Đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trường học

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xác định công tác đảm bảo ATTP trong trường học là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác y tế trường học.

Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng năm 2023, toàn TP Hà Nội đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm. Mới đây nhất, ngày 30/11/2023, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố về y tế trường học do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội Trần Lưu Hoa, làm trưởng đoàn đã làm việc và kiểm tra công tác y tế trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức.

Quan tâm sức khỏe ban đầu cho học sinh

 Huyện Đan Phượng hiện có tổng số 60 trường học (trong đó 19 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 16 trường THCS, 5 trường THPT). Qua kiểm tra cho thấy, 54 trường có cán bộ y tế và 6 trường không có cán bộ y tế, ký hợp đồng cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ y tế trường học. Tổng số học sinh trên địa bàn là 44795 học sinh (bao gồm cấp học mầm non, tiêu học, THCS, THPT). Số trường có tổ chức ăn bán trú có 32 trường (trong đó, 19 trường tự nấu ăn bán trú; 6 trường thuê đơn vị nấu ăn bán trú tại trường; 7 trường thuê đơn vị nấu ăn bán trú nơi khác mang tới trường).

Hà Nội: Đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trường học - ảnh 1
Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú trường Tiểu học Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.

Thực hiện tốt công tác y tế trường học, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học, đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý cho các em học sinh; phòng chống tác hại thuốc lá... Huyện đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra và giám sát về an toàn thực phẩm các trường có tổ chức ăn bán trú.

Có 31/32 đạt 97% trường tổ chức ăn bán trú được giám sát; 100% bếp ăn tập thể các trường học có tổ chức ăn bán trú được kiểm tra có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; 100% Bếp ăn tập thể trường học có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ đảm bảo theo quy định; hầu hết các bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến bao gói sẵn và có đầy đủ nhãn mác theo quy định, còn hạn sử dụng; 100% các trường sử dụng nước uống đóng bình để uống trực tiếp.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, cơ sở vật chất phòng y tế các trường được trang bị đầy đủ, sạch sẽ, các trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu đảm bảo cho công tác phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học; có đầy đủ kế hoạch, phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm, hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, đơn vị cung cấp nước uống...

Huyện Đan Phượng cũng chỉ đạo 100% các trường học trên địa bàn thực hiện việc xây dựng kế hoạch kiểm tra sức khỏe đầu năm học 2023-2024 để đánh giá sơ bộ tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe học sinh. Triển khai nội dung chăm sóc sức khỏe cho học sinh như khám sức khỏe theo chuyên khoa, sơ cấp cứu ban đầu, nha học đường, phòng chống các bệnh về mắt, gù vẹo cột sống, thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị, duy trì giám sát sĩ số, tinh hình sức khỏe học sinh hàng ngày tại trường.

Hà Nội: Đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trường học - ảnh 2

Đoàn lưu ý và hướng dẫn trường Tiểu học Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng thực hiện lưu mẫu thực phẩm đúng quy định.

Tính đến hết tháng 11/2023, Trung tâm y huyện đã tổ chức khám sức khỏe học sinh được 23 trường/60 trường, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 270 giáo viên, nhân viên tại các trường mầm non trên địa bàn huyện.

Kết thúc mỗi đợt khám, nhà trường thông báo kết quả khám tới phụ huynh học sinh, nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh; phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc các bệnh về tim cho 6 tường Mầm non với hơn 2000 trẻ. 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.

Đối với hoạt động dinh dưỡng học đường, 32/32 trường đạt tỷ lệ 100% trường sử dụng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng lên thực đơn cho học sinh hàng ngày , trong đó 19 trường mầm non sở dụng phần mềm xây dựng thực đơn do Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai; 12 trường tiểu học, 1 trường THCS sử dụng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai (8 trường tiểu học áp dụng 100% các bữa ăn/tuần, các trường còn lại áp dụng 1 bữa/tuần).

Qua kiểm tra trực tiếp tại trường Tiểu học Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đoàn lưu ý nhà trường cần thực hiện tốt hơn nữa các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các em học sinh; sổ khám sức khỏe của các em học sinh cần ghi chép và lưu trữ khoa học hơn...

Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông dinh dưỡng

Tại huyện Hoài Đức, có 106 trường các cấp học và 1 Trung tâm GDNN-GDTX; 96 trường có cán bộ y tế; tổng số học sinh trên địa bàn là 77.655 học sinh; 76 trường học có tổ chức ăn bán trú (trong đó, 52 trường tự nấu ăn bán trú; 24 trường hợp đồng suất ăn). Các trường học duy trì thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.

Hà Nội: Đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trường học - ảnh 3

Trường Tiểu học Đức Giang, huyện Hoài Đức trang bị tài liệu truyền thông phong phú về các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh.

Huyện Hoài Đức cũng có nhiều cách làm nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tập huấn như: Tổ chức lễ phát động “Xây dựng cộng đồng an toàn - Phòng chống tai nạn thương tích” năm 2023 tại UBND xã Cát Quế; tổ chức 2 lớp nói chuyện chuyên đề về môi trường không khói thuốc lá và đảm bảo dinh dưỡng hợp lý tăng cường vận động phù hợp tại trường THCS Cát Quế A và THCS Vân Côn với tổng số 500 học sinh; tổ chức 1 lớp tập huấn về công tác chuyên môn, phòng chống dịch bệnh trong trường học cho cán bộ Y tế các trường với tổng số 104 học viên; tổ chức 12 lớp truyền thông cho học sinh khối THCS về sức khỏe sinh sản vị thành niên với tổng số 1.700 học sinh.

100% các trường học có xây dựng nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe học sinh về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch và bệnh tật học đường, sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV-AIDS, tai nạn thương tích, vệ sinh thực phẩm.

Các nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học cho cán bộ y tế trường khối mẫu giáo, mầm non và các bộ chuyên trách hoạt động Y tế trường học tại các trạm y tế xã, thị trấn; tổ chức lớp truyền thông, tập huấn về dinh dưỡng hợp lý và phòng, chống bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tập huấn chuyên môn về công tác an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn tập thể...

Huyện cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát như phối hợp với phòng Giáo dục và đào tạo, phòng Y tế kiểm tra liên ngành công tác Y tế trường học và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn huyện. Kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể tại 65 trường học trên địa bàn.

Hà Nội: Đẩy mạnh thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trường học - ảnh 4
Đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý cho các em học sinh tại bếp ăn Trường Tiểu học Đức Giang, huyện Hoài Đức.

Kết quả 64/65 bếp ăn tập thể đảm bảo các điều kiện ATTP theo quy định; 1 cơ sở có vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, cơ sở đã khắc phục ngay tồn tại. Hoạt động khám sức khỏe học sinh trên địa bàn huyện năm học 2023 - 2024 cấp mầm non, tiểu học, THCS đạt 100%; THPT đạt 52.3 %...

Đối với hoạt động dinh dưỡng học đường, 78% số trường tổ chức bán trú cho học sinh sử dụng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai khi lên thực đơn cho học sinh hàng ngày.

Qua kiểm tra thực tế tại trường Tiểu học Đức Giang, huyện Hoài Đức đoàn ghi nhận nhà trường đã quan tâm thực hiện tốt công tác y tế trường học, thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng y tế khang trang, tài liệu truyền thông phong phú... Tuy nhiên, đoàn lưu ý nhà trường, với tủ thuốc cần phân nhóm thuốc theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hà Nội Trần Lưu Hoa ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức về công tác y tế trường học. Đồng thời, đề nghị các đơn vị cần phát huy những kết quả đã đạt được, nhân rộng các mô hình điểm, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt hoạt động dinh dưỡng học đường; chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho các em học sinh...
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục